Trồng rừng xóa nghèo

09:28, 22/08/2017

Từ nhiều năm nay, thay vì việc lên núi, chặt hạ cây, xẻ gỗ bán cho lâm tặc, nông dân xã Thần Sa (Võ Nhai) đã biết trồng rừng làm kinh tế.

Cụ Hoàng Văn Tình, 83 tuổi, xóm Kim Sơn nói: Trong lao động sản xuất, nông dân chúng tôi coi trồng rừng như việc cấy lúa, trồng bắp. Vì trồng rừng cũng có mùa vụ và thời gian thu hoạch như các loại cây lương thực, hoa màu. Có điều là chu kỳ trồng, chăm sóc, thu hoạch của 1 lứa cây kéo dài từ 5 đến 7 năm, Dong cho thu nhập khá cao. Còn ông Lê Văn Hỷ, Chủ tịch Hội Nông dân xã tâm đắc: Nhờ trồng rừng có hiệu quả, nhiều người trong xã thoát nghèo, có điều kiện tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Hoàng Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã: Xã Thần Sa có 9 xóm, 593 hộ, 2.594 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Tày, Dao. Thu nhập bình quân năm 2016 đạt 7,8 triệu đồng/người/năm, tăng 300.000 đồng so với năm 2015. Hiện xã còn hơn 280 hộ nghèo, chiếm gần 50%... Giây lát dừng lời, ông tiếp tục câu chuyện như một tiếng thở dài: Dưới đất có vàng sa khoáng, trên núi có rừng gỗ quý, song bao năm người dân Thần Sa theo nhau đào đất làm thuê cho vàng tặc, lên núi chặt hạ gỗ quý bán cho lâm tặc. Sự giàu có chẳng thấy, mà chỉ có đói nghèo ở lại với người dân. Mãi những năm gần đây, nông dân trong xã mới nhận thức được đầy đủ về tiềm năng kinh tế từ trồng rừng sản xuất.

Ông Hoàng Văn Tú, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Nông dân vùng cao, vùng sâu, xa như chúng tôi cứ phải tận mắt thấy, tay sờ mới tin. Vì từ nhiều năm rồi, Nhà nước đã triển khai các dự án, chương trình trồng rừng cho nông dân, nhưng không ai thích. Bà con cho rằng, rừng là của tự nhiên, cứ để cây tự mọc, tự lớn, lâu ngày thì thành rừng. Bản thân ông Quang cũng suy nghĩ như vậy, nên phải chịu cảnh nghèo trong khi đất đồi dốc bỏ hoang cho cỏ mọc.

Để nhiều người dân tin việc trồng rừng là một trong những hướng phát triển sản xuất phù hợp với đồng bào vùng cao như xã Thần Sa. Ông Tú cùng một số nông dân mạnh dạn bỏ tiền mua cây giống, chủ yếu là cây keo về trồng trên đất nương bãi của gia đình. Do hợp thổ nhưỡng, cây giống đặt xuống, chẳng mấy đã bén rễ, lên xanh. Chừng 5 đến 7 năm sau đó, từng cây đã vươn cao hơn mái nhà sàn ở xóm Hạ Sơn Tày, Hạ Sơn Dao. Bà con lấy thước dây đo thử, cây có chu vi đều chặn chặn ở khoảng 60cm, nhiều cây gặp đất tốt, chu vi đo được 80cm. Có sản phẩm rừng, các xưởng xẻ từ Lạng Sơn về, T.P Thái Nguyên lên đặt tiền cọc mua hết từng lô khoảnh. Bản thân ông Tú cũng có gần 3ha rừng sản xuất.

Nhiều bà con mộc mạc: Trồng rừng là có tiền. Tiền ấy dành mua gạo, mua xe máy, ti vi, sửa nhà, nuôi con theo đại học và không quên dành một khoản tiền nhất định để mua cây giống trồng rừng mới. Chuyện trồng rừng xóa nghèo, ai nấy hả hê, kể: Một trong những người tiên phong trồng rừng ở Thần Sa là "chị" Dương Thị Tườn, xóm Kim Sơn. Năm 1989, "chị" cùng chồng mua được một thẻo đất xa khuất đầy dốc núi. Hằng ngày phát, đốt, dọn bãi trồng mố, trồng sắn, mỗi năm trồng thêm ít cây lâm nghiệp và cây ăn quả. Lặng lẽ ươm trồng, đến năm 2003, chị có một khoảnh rừng rộng gần 5ha… "Chị" Tườn của ngày xưa giờ đã 82 tuổi, lên thiên chức cụ, nhưng vẫn nhớ cái ngày lên núi cuốc đất, đặt mầm xanh làm lên từng vạt rừng mang lại cho gia đình cuộc sống đầy đủ. Từ 3 năm gần đây, cụ Tườn nghỉ hẳn ở nhà trông cháu, việc làm rừng cụ để lại cho các con lo làm.

Hiện trồng rừng đang trở thành một phong trào mạnh ở xã. Nhiều diện tích đất trước đây bỏ hoang hóa, nay được nông dân tận dụng trồng cây lấy gỗ. Tại các xóm: Thượng Kim, Hạ Sơn Dao và Ngọc Sơn 2, hầu hết các hộ dân đều có rừng trồng mới. Nhưng nhiều nhất ở xóm Ngọc Sơn 2 là hộ ông Ma Văn Vĩ trồng hơn 20ha; ông Ma Văn Thành trồng hơn 10ha. Bên xóm Hạ Sơn Dao có nhà ông Triệu Hữu Sửu, trồng được hơn 8ha. Trong năm 2017, các hộ ông Vĩ, ông Thành và ông Sửu thu được 700 triệu đồng/hộ từ bán cây rừng.

Đang mùa mưa, khắp đồi, núi Thần Sa được phủ xanh bởi rừng trồng mới và rừng phòng hộ đầu nguồn. Nhìn từng vạt cây đều tắp, vươn cao hướng sáng, ông Hỷ cho biết thêm: Xã Thần Sa có tổng diện tích đất trồng rừng hơn 1.210ha, hiện chính quyền địa phương đã giao cho hộ nông dân quản lý được 1.150ha, trong đó đã trồng mới được 650ha rừng sản xuất. Với Thần Sa, trồng rừng sản xuất là một hướng đi mới, mở ra cho nông dân nơi cửa rừng một cuộc sống vật chất đầy đủ hơn.