Trong vòng hơn 1 tháng qua (từ 1-8 đến 9-9) đã xảy ra cháy tại 2 trạm biến áp (TBA) do Công ty Lưới điện miền Bắc quản lý và vận hành, không chỉ làm thiệt hài tài sản của ngành Điện mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc cấp điện phục vụ sản xuất cho Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (gọi tắt là Công ty Samsung Thái Nguyên). Sau những sự cố trên, hiện nay cùng với việc tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả, các cơ quan chuyên môn đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm quản lý, vận hành an toàn các trạm biến áp.
Sự cố cháy xảy ra gần đây nhất tại Trạm biến áp 220kV Phú Bình thuộc xóm Đồi, xã Nam Tiến (T.X Phổ Yên) lúc hơn 6 giờ ngày 9-9 làm cháy một máy biến áp 250MAV và một số phụ kiện khác bị hư hỏng. Theo ông Đỗ Văn Hĩnh, Trạm trưởng TBA 220kV Phú Bình, nguyên nhân ban đầu được nhận định là do sự cố mất điện ngoài đường dây, dẫn đến xung sét trên lưới điện làm hư hỏng sứ đầu vào máy biến áp dẫn đến tràn dầu gây cháy.
Trước đó, vào khoảng 16 giờ ngày 1-8, tại TBA 110kV Yên Bình 2 cũng xảy ra cháy, mặc dù không gây thiệt hại về người, song vụ cháy đã làm hư hỏng hoàn toàn 1 máy biến áp 63MVA; 22 tủ phân phối cùng hệ thống cáp điện ngầm và nhiều thiết bị tại phòng phân phối của TBA, ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Sự cố đã khiến toàn bộ quá trình cấp điện từ TBA 110kV Yên Bình 2 cho Công ty Samsung Thái Nguyên bị gián đoạn.
Được biết, 2 TBA trên do Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc quản lý và vận hành năm 2014, phục vụ cấp điện cũng như tăng cường phụ tải cho Công ty Samsung Thái Nguyên. Bởi thế, khi xảy ra sự cố cháy tại các TBA đã khiến hoạt động sản xuất của Công ty bị ảnh hưởng do việc cấp điện bị gián đoạn. Sau sự cố cháy tại TBA 110kV Yên Bình 2, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc đã làm việc với Công ty Samsung Thái Nguyên.Theo thông tin từ đại điện Công ty Samsung Thái Nguyên, trong gần 10 ngày khắc phục sự cố tại TBA 110kV Yên Bình 2, Công ty đã phải chi số tiền hơn 30 tỷ đồng chạy máy phát điện, trong khi nếu sử dụng điện từ trạm biến áp chỉ hết vài tỷ đồng. Còn đối với sự cố cháy tại TBA 220kV Phú Bình, dù 4 phụ tải tăng cường cho Công ty Samsung Thái Nguyên đã được khôi phục nhưng một số máy móc, dây chuyền của Công ty vẫn phải tạm ngừng trong một khoảng thời gian ngắn do nguồn điện chưa thực sự ổn định.
Về vấn đề này, ông Lê Xuân Phú, Phó Giám đốc Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc thông tin: Sau khi các sự cố xảy ra, cơ quan chức năng không phát hiện thấy dấu hiệu của sự phá hoại hay lỗi thao tác vận hành của công nhân kỹ thuật. Nguyên nhân xảy ra cháy nổ bước đầu được xác định là sự cố chập cháy, mất điện ngoài đường dây. Hoặc cũng có thể là do sự cố ngắt mạch giữa các pha thứ cấp của máy biến áp (cách điện giữa các pha gặp sự cố, khi xảy ra thường kèm theo hiện tượng phụt dầu qua ống phòng nổ) gây ra ngọn lửa phá hủy hoàn toàn hoặc làm cháy bất cứ thiết bị hay công trình gần đó. Mức độ thiệt hại lớn hay nhỏ tùy thuộc vào nguồn nhiệt hay không khí tiếp xúc với chất gây cháy. Đối với các TBA trên, mặc dù đã được trang bị hệ thống phun nước lớn nhằm chống lại các tác động của hỏa hoạn nhưng chỉ có tác dụng hạn chế những hư hỏng bên ngoài máy biến áp mà không thể ngăn chặn ngọn lửa từ bên trong.
Cũng vì sự cố trên chủ yếu là do yếu tố khách quan tác động nên đơn vị vẫn còn chưa chủ động trong việc đưa ra các biện pháp phòng, chống cháy nổ tối ưu nhất. Để đảm bảo việc cấp điện cho Công ty Samsung Thái Nguyên và các đối tác của Công ty tại 4 TBA, hiện đơn vị đang tăng cường lực lượng kiểm tra trên hệ thống lưới điện nhằm phát hiện, ngăn ngừa các nguy cơ phát sinh nguồn nhiệt. Cùng với đó, đội ngũ nhân viên làm việc tại các TBA cũng được tăng cường thêm để thực hiện bảo dưỡng, bảo trì các máy biến áp, sẵn sàng làm việc khi có sự cố xảy ra.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 3.000 TBA, trong đó có 19 TBA 110kV và 2 TBA 220kV. Hầu hết tại các khu, cụm công nghiệp được lắp đặt các TBA có công suất cao nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, từ đó cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Theo ý kiến từ cơ quan chuyên môn, để tránh xảy ra sự cố, trước khi đưa vào vận hành TBA, nguồn dầu trong máy biến áp phải thật sự ổn định, điện trở cách điện của cuộn dây, lõi thép, các thông số điện áp phải đúng tiêu chuẩn. Ngoài việc trang bị bảo vệ cơ bản cho máy biến áp, trong các trạm biến áp phải luôn được trang bị hệ thống giám sát trạng thái làm việc máy biến áp, hệ thống cứu hoả, dập lửa ngay tại khu vực đặt máy biến áp. Đồng thời, đội ngũ cán bộ làm việc tại các TBA phải được tập huấn kỹ thuật chuyên môn thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu trước các sự cố...
Mặc dù 2 sự cố cháy tại TBA trên không gây thiệt hại về người nhưng làm thiệt hại không nhỏ về tài sản của ngành Điện. Trước thực trạng này, thiết nghĩ, các cơ quan chuyên môn cần tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý cũng như vận hành tại các TBA nhằm đảm bảo việc cấp điện ổn định, an toàn.