Những năm gần đây, cây hồi đã đem lại một khoản thu nhập không nhỏ cho nhiều hộ dân ở xóm Cao Biền, xã Phú Thượng (Võ Nhai) và trong tương lai, hồi vẫn là một trong những cây trồng chính để phát triển kinh tế của người dân nơi đây.
Trời vừa sang Thu, người dân xóm Cao Biền đã tất bật lên bãi trồng hồi ở trên lưng núi thu hoạch quả để đem bán cho thương lái ở thị trấn Ngả Hai, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn). Từ việc thu hoạch và đưa đến nơi tiêu thụ khá vất vả, nhưng quả hồi đã đem lại khoản thu nhập tương đối lớn cho người dân xóm Cao Biền.
Anh Triệu Văn Tiến, Bí thư Chi bộ xóm Cao Biền cho biết: Cây hồi được trồng ở xóm đã gần 20 năm theo Dự án trồng dược liệu của huyện Võ Nhai. Thời điểm đó, người dân trong xóm đều tham gia trồng với diện tích lớn và hy vọng hồi sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế cho người dân trong xóm thoát nghèo. Những vụ đầu tiên, cây hồi cho sản phẩm nhưng không bán được, trên các bãi, quả hồi rơi đầy gốc mà chẳng ai thu hoạch. Nhiều gia đình đã phải đốn hạ một phần diện tích hồi để trồng các loại cây khác. Tuy nhiên, sau đó vài năm, thương lái bắt đầu thu mua lại, bởi thế người dân trong xóm Cao Biền vẫn cố giữ lấy cây hồi...
Theo chân anh Triệu Hữu Phong (hộ trồng hồi với diện tích lớn của xóm Cao Biền) lên lưng núi để thu hoạch quả, chúng tôi thấy người trồng hồi ở đây vẫn còn nhiều vất vả từ khâu thu hoạch đến vận chuyển đi bán... Để thu hoạch hồi, người dân phải mang khá nhiều dụng cụ cồng kềnh: Một đoạn cây mai có mấu dài gần 10m; một tấm bạt lớn và vài bao tải tạ. Anh Phong giải thích: Đoạn mai này dùng làm thang để trèo, bạt trải ở dưới đất, khi hái thả quả hồi xuống bạt, như vậy lúc xuống mới gom được. Vụ hồi năm nay, khoảng 50% diện tích hồi cho quả, những cây to cho thu hoạch khoảng 60kg, cây ít thu được hơn 10kg. Gia đình tôi trồng gần 800 gốc thì 400 gốc cho quả. Với giá bán 10 nghìn/kg tại thời điểm này, năm nay gia đình tôi thu được khoảng 40 triệu đồng.
Ông Triệu Tiến Hội, ở xóm Cao Biền chia sẻ: Năm trước, giá hồi được thương lái thu mua ở mức 22.000 đồng/kg nên nhiều gia đình trong xóm thu vài chục triệu đồng. Năm nào, thương lái Trung Quốc thu mua thì giá bán khá cao, còn năm nay, họ không mua nên thương lái ở Ngả Hai chỉ mua giá 10.000 đồng/kg. Giao thông khó khăn, thương lái không vào xóm thu mua nên người dân thu hoạch xong phải dùng xe máy chở ra tận Ngả Hai để bán, nếu mang ra chợ Tân Tri (xã Tân Tri, Bình Gia, Lạng Sơn) giá cao hơn 2 nghìn đồng/kg.
Tuyến đường từ xóm Cao Biền ra đến thị trấn Ngả Hai khoảng 10km, nhưng người dân trong xóm cũng phải đi mất gần 2 giờ, bởi đường đất lại lắm dốc và gập ghềnh đá tảng. Mỗi chuyến, xe máy chỉ chở được chừng 40kg và phải đi mất cả buổi. Anh Triệu Văn Hợp bảo: Đường đi khó, nếu trời mưa không chở đi bán được, cũng may, quả hồi thu hoạch về có thể để vài ngày chưa hỏng, chứ không lại phải bỏ đi hết.
Hiện, người dân xóm Cao Biền chỉ trồng lúa ngô, khoai sắn để phục vụ nhu cầu hằng ngày, còn lại là trồng hồi để phát triển kinh tế, những cây trồng khác đều không thích hợp. Dù có lúc người trồng hồi còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với người dân ở xóm Cao Biền thì loại cây trồng này vẫn phải giữ lại. Đến nay, diện tích hồi ở xóm Cao Biền đã phát triển khá tốt, mỗi năm cây cho thu hoạch 1 lần, với tổng sản lượng gần 80 tấn.
Qua tìm hiểu tại nhiều gia đình ở Cao Biền, chúng tôi thấy khó khăn nhất của người trông hồi nơi đây là thị trường tiêu thụ và công vận chuyển. Cùng với đó, người dân nơi vẫn thiếu kỹ thuật chăm sóc nên năng suất cũng không ổn định. Nếu giá cả ổn định, năng suất đảm bảo, giao thông thuận tiện thì cây hồi sẽ thực sự mở ra cơ hội thoát nghèo ở xóm người Dao còn nhiều khó khăn này.