Những năm gần đây, năng suất chè của huyện Đại Từ liên tục tăng lên. Năm 2016, năng suất chè bình quân của huyện đạt 115 tạ/ha, tăng so với năm 2009 là 25 tạ/ha. Có được điều này một phần là do huyện đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào các khâu trồng, chăm sóc, chế biến chè.
Một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng suất chính là giống chè. Thực tế cho thấy, trong khi chè trung du cho năng suất khoảng 70-80 tạ/ha, thì năng suất trung bình của chè giống mới đạt từ 100-110 tạ/ha, cá biệt chè LDP1 có thể cho năng suất tới 150-160 tạ/ha. Chính vì thế, huyện đã chuyển dịch mạnh cơ cấu giống chè, tập trung trồng thay thế giống chè trung du bằng các giống chè cành có năng suất, chất lượng, như: LDP1, TRI 777, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên...
Xóm Tiến Thành 2, xã La Bằng là một ví dụ. Được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, nguồn nước tưới ổn định, chè ở đây có hương thơm và vị đượm rất riêng, từ lâu đã được nhiều người biết đến. Xóm có 54 hộ thì cả 54 hộ đều làm chè với diện tích 40ha. Trước đây xóm chỉ có chè trung du, mặc dù là một trong những địa phương có năng suất chè cao nhất nhì huyện, nhưng cũng chỉ đạt gần 100 tạ/ha. Năm 2012, xóm mới bắt đầu chuyển đổi sang trồng chè giống mới với 1ha. Với năng suất vượt trội của giống chè cành, bà con đã dần thay thế giống chè cũ bằng các loại chè như: LDP1, Kim Tuyên, Keo Am Tích, Phúc Thọ 10. Đến nay, cơ bản xóm đã thay thế hết chè giống cũ bằng các giống chè cành, năng suất bình quân đạt 120 tạ/ha. Sản phẩm chè của xóm làm ra đến đâu được tư thương vào tận nơi thu mua với giá trung bình từ 150.000-300.000 đồng/kg chè khô.
Không riêng xóm Tiến Thành 2 mà những năm gần đây, việc trồng thay thế giống chè ở Đại Từ đã trở thành phong trào ở khắp các xóm, xã. Các xã, thị trấn hằng năm đều đặt ra mục tiêu về chuyển đổi cơ cấu giống chè trên địa bàn, huyện cũng có cơ chế hỗ trợ giống, phân bón đối với các diện tích trồng chè giống mới. Ngoài ra, huyện còn tổ chức tập huấn kỹ thuật cho bà con trong việc trồng, chăm sóc các giống chè cành. Năm 2016, toàn huyện trồng thay thế được 350ha, với 2 giống chính là Phúc Vân Tiên và TRI777. Các xã trồng nhiều gồm: Phúc Lương, Phú Lạc, Phú Cường, Tân Linh, Mỹ Yên, Hoàng Nông... Năm 2017, huyện cũng có kế hoạch trồng 400ha chè giống mới. Đến thời điểm này, toàn huyện có trên 3.400ha diện tích chè giống mới, chiếm trên 50% tổng diện tích chè toàn huyện.
Cùng với việc chuyển đổi giống chè, huyện đã chú trọng vào việc tăng vụ, bằng cách tăng diện tích sản xuất chè vụ đông. Đặc điểm của chè vụ đông là ít sâu bệnh, chất lượng tốt, hương vị thơm, đậm và giá bán cao. Tuy nhiên, để có thể sản xuất được chè vụ đông, điều cốt yếu là phải đảm bảo được nguồn nước tưới, bởi mùa đông ít có mưa. Hầu hết những diện tích có thể làm được chè vụ đông đều là những nơi gần ao, hồ, sông, suối, có thể dễ dàng bơm nước tưới chè. Hiện, trên địa bàn huyện chỉ có một số vùng làm được chè vụ đông thuộc các xã: La Bằng, Tiên Hội, Yên Lạc, Hùng Sơn, Ký Phú...
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân các vùng này mở rộng diện tích chè vụ đông, huyện đã triển khai lắp đặt các hệ thống tưới chè bằng van xoay. Để khuyến khích bà con thực hiện mô hình tưới tự động này, huyện có cơ chế hỗ trợ khoảng 15 triệu đồng/sào đối với những diện tích áp dụng quy trình thâm canh chè đông, hoặc xây dựng hệ thống tưới đơn giản. Còn đối với những diện tích xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước theo công nghệ mới, người dân được hỗ trợ khoảng 30 triệu đồng/ha. Nhờ đó, diện tích sản xuất chè vụ đông của huyện ngày càng tăng, hiện nay toàn huyện có khoảng 1.000ha chè cho thu hoạch thêm trong vụ đông, góp phần tăng năng suất, sản lượng chè của huyện và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người làm chè. Đưa chúng tôi đi thăm bãi chè xanh mướt được tưới tự động bởi hệ thống van xoay của gia đình, anh Nguyễn Văn Thao, xóm Gò Miếu, thị trấn Hùng Sơn cho biết: Gia đình tôi có trên 1ha chè, trước đây, mỗi năm cho thu 5-6 lứa, mỗi lứa khoảng 370kg. Từ khi tôi lắp đặt hệ thống tưới trên diện tích 10 sào, tôi có thể thu thêm 1-2 lứa nữa trong vụ đông đối với diện tích này.
Không chỉ chú trọng nâng cao năng suất, huyện đã tập trung nâng cao chất lượng chè, thông qua việc áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn, VietGAP vào sản xuất. Tính đến nay, diện tích sản xuất chè được chứng nhận an toàn theo quy trình VietGAP của huyện là khoảng 200ha, tập trung nhiều ở các xã: La Bằng, Tân Linh, Hùng Sơn, Tiên Hội... Ngoài ra, huyện đã khuyến khích người dân đưa các loại máy móc hiện đại vào phục vụ chế biến chè để sản phẩm chè sản xuất ra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến quy mô nhỏ và vừa với thiết bị đồng bộ, hiện đại, chế biến theo công nghệ chè xanh trên địa bàn; có cơ chế hỗ trợ các hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư mua máy móc, thiết bị tưới chè, đóng gói bảo quản để đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, năng suất, chất lượng, giá bán chè của huyện ngày càng được nâng cao, từng bước nâng cao đời sống cho người dân làm chè, xây dựng thương hiệu chè Đại Từ và dần tiến đến mục tiêu sản xuất chè hiệu quả và bền vững.