Trong sản xuất nông nghiệp, khi các đối tượng sâu bệnh hại cây trồng không được phát hiện và phòng trừ kịp thời, nguy cơ nông dân thất thu là rất lớn. Vì lẽ đó, hằng năm, để bảo vệ 70 nghìn ha lúa; khoảng 15 nghìn ha cây màu các loại; trên 21 nghìn ha chè và xấp xỉ 17 nghìn ha cây ăn quả… ngành Nông nghiệp đã luôn làm tốt công tác dự tính, dự báo các đối tượng sâu bệnh hại cây trồng.
Vụ mùa năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa nhiều, tạo điều điều kiện cho nhiều đối tượng sâu bệnh hại như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, rầy các loại, bệnh sinh lý, chuột… phát triển. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác dự tính, dự báo, các đối tượng sâu bệnh hại được phát hiện và phòng trừ kịp nên 39.000ha lúa mùa của tỉnh vẫn phát triển tốt. Hiện nay, trà lúa mùa sớm đã bắt đầu bước vào giai đoạn đỏ đuôi, dự kiến khoảng 2 tuần nữa sẽ cho thu hoạch.
Ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết: Dự tính, dự báo tình hình sinh vật hại là hoạt động rất quan trọng trong nhiệm vụ chuyên môn của ngành Bảo vệ thực vật, nhằm xác định các pha phát dục, thời gian cao điểm của các lứa sâu hại trong từng vụ sản xuất. Đây chính là cơ sở cho công tác tham mưu chỉ đạo bảo vệ sản xuất tại địa phương, đặc biệt là cảnh báo sớm, hướng dẫn nhân dân trong tỉnh chủ động phòng trừ bảo vệ tốt cây trồng trên địa bàn toàn tỉnh.
Xác định được tầm quan trọng của công tác dự tính, dự báo sâu bệnh trong phát triển sản xuất nông nghiệp, Chi cục luôn có phương án bảo vệ thực vật, dự báo sâu bệnh hại cho tất cả các vụ sản xuất trong năm (vụ xuân, vụ mùa và vụ đông). Cùng với đó, Chi cục giao cho phòng chuyên môn chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với Trạm Trồng trọt và BVTV của 9 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh thực hiện điều tra bổ sung trước mỗi lứa sâu, trước các cao điểm sâu bệnh. Qua đó đã tổng hợp được tình hình và gửi thông báo định kỳ, thông báo tháng, báo cáo vụ về cơ quan chuyên ngành cấp trên để có biện pháp ngăn chặn các loại sâu bệnh hại kịp thời, không để bùng phát ra diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
Thực tế cho thấy, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa phòng chuyên môn của Chi cục và các trạm trồng trọt và BVTV ở các địa phương trong tỉnh nên công tác điều tra dự tính, dự báo dịch hại được thực hiện có hiệu quả. Hằng tuần, hằng tháng, các trạm đều gửi đầy đủ các thông báo định kỳ, thông báo tháng về Chi cục theo đúng quy định, đảm bảo thời gian, chất lượng thông báo. Căn cứ vào thông tin của các trạm, Chi cục đã đánh giá đúng diễn biến của các đối tượng sâu bệnh hại và hướng dẫn người dân cách phòng trừ kịp thời.
Riêng 8 tháng qua, Chi cục đã gửi trên 30 thông báo định kỳ 7 ngày, 8 thông báo tháng cho các địa phương, đảm bảo số lượng và chất lượng theo quy định. Các đối tượng sâu bệnh hại như bệnh đạo ôn, sâu hại trên lúa; rầy xanh, bọ cánh tơ, bọ xít muỗi hại trên chè và sâu bệnh hại trên các cây ăn quả, cây màu đều được phát hiện chính xác, thông báo kịp thời đến các đơn vị liên quan và các địa phương để tổ chức phòng trừ đạt hiệu quả cao.
Chị Lê Thị Hành, xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt (Phú Bình) nhận định: Việc dự tính, dự báo chuẩn xác các đối tượng sâu bệnh hại của Trạm Trồng trọt và BVTV huyện đã giúp nông dân chúng tôi chủ động trong việc phòng ngừa cũng như sử dụng đúng thuốc, đúng liều lượng, phun đúng cách, đúng thời điểm, đạt hiệu quả phòng trừ sâu bệnh cao.
Trước đây, tình trạng nông dân sử dụng thuốc BVTV chưa nhiều nên các lứa sâu thường tập trung thành từng cao điểm, rất dễ cho công tác dự tính, dự báo cũng như tổ chức phòng trừ. Hiện nay, do biến đổi khí hậu, dịch hại xảy ra thường xuyên, người dân một số nơi còn lạm dụng thuốc BVTV nên công tác dự tính, dự báo ngày càng phức tạp hơn: các lứa sâu gối lứa liên tục, nhiều thế hệ xuất hiện trong cùng một lứa… Do đó, để làm tốt hơn nữa công tác dự tính, dự báo, thời gian tới, bên cạnh duy trì việc thường xuyên bám sát đồng ruộng, theo dõi, phát hiện sớm và dự báo đầy đủ, chính xác tình hình phát sinh gây hại, diện phân bố và mức độ gây hại của các đối tượng dịch hại trên các cây trồng chính thuộc địa bàn mình phụ trách, mỗi cán bộ của trạm trồng trọt và BVTV các huyện, thành phố, thị xã cần nắm chắc cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng của tỉnh, từ đó có thể chủ động xác định tuyến, điểm điều tra định kỳ, điều tra mở rộng và tham mưu những giải pháp ngăn chặn và phòng ngừa tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng một cách hữu hiệu nhất.