Là đơn vị trực thuộc Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh, trong những năm qua, Chi cục Hải quan Thái Nguyên luôn thực hiện hiệu quả công tác cải cách hiện đại hóa, áp dụng hệ thống thông quan tự động theo cơ chế một cửa quốc gia… nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa để doanh nghiệp (DN) trên địa bàn yên tâm sản xuất - kinh doanh.
Cách đây 4 năm, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) trên địa bàn tỉnh diễn ra khá trầm lắng, với sự tham gia thực hiện thủ tục hải quan của hơn 50 DN nên số thu ngân sách nhà nước từ lĩnh vực này cũng rất khiêm tốn, chỉ đạt gần 550 tỷ đồng. Nhưng từ năm 2014 trở lại đây, cùng với làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các DN có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động XNK của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Trong đó không thể không kể đến sự xuất hiện của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên - một trong những dự án trọng điểm Quốc gia, với tổng vốn đầu tư khoảng 5,6 tỷ USD. Từ dự án này đã kéo theo hàng loạt các công ty, nhà máy phụ trợ khác chọn Thái Nguyên là điểm đến. Cũng vì thế, số DN trên địa bàn hiện tham gia thực hiện khai báo hải quan tại Thái Nguyên đã lên tới 464, trong đó có trên 250 DN thường xuyên có tờ khai phát sinh trong tháng. Hơn 70% trong số này là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với các loại hình XNK chủ yếu là gia công, sản xuất xuất khẩu, DN chế xuất.
Theo ông Dương Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thái Nguyên, thì cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan tạo điều kiện thuận lợi cho DN là một trong những mục tiêu hàng đầu của toàn ngành Hải quan hướng đến, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cục Hải quan Bắc Ninh, Chi cục Hải quan Thái Nguyên đã từng bước chuyển công tác quản lý hải quan từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giúp người khai hải quan được thông quan hàng hóa nhanh chóng, dễ dàng. Song song với đó, Chi cục cũng tích cực trong việc áp dụng thực hiện khai báo hải quan trên Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS và một cửa quốc gia, giúp người khai có thể khai báo mọi lúc, mọi nơi và rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cũng như giảm thời gian xin giấy phép từ các bộ, ngành liên quan.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mà DN được hưởng lợi thì sự thông thoáng trong thực hiện các thủ tục hải quan, nhất là việc thông quan điện tử, hồ sơ phân luồng xanh (miễn kiểm tra thực tế hàng hóa) cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ bị DN lợi dụng để gian lận, buôn lậu, trốn thuế, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới… Vì thế, công tác kiểm tra sau thông quan luôn được Chi cục quan tâm chú trọng, đặc biệt là đối với các DN gia công, sản xuất xuất khẩu và DN chế xuất. Hiện nay, trên địa bàn có 4 DN ưu tiên được áp dụng các chế độ trong ưu tiên làm thủ tục hải quan nên công tác thu thập thông tin quản lý rủi ro được Chi cục quan tâm đặc biệt, từ đó có những phân tích, cập nhật vào Hệ thống quản lý rủi ro, phục vụ cho công tác tra cứu, phân luồng tờ khai, đánh giá mức độ chấp hành pháp luật của DN trên địa bàn quản lý. Ngoài ra, Chi cục tăng cường sự phối hợp với cơ quan ngoài Ngành như: Thuế, Quản lý thị trường, Công an, Ban Quản lý các khu công nghiệp… để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với những DN vi phạm pháp luật về Hải quan.
Chị Hoàng Thị Hồng Lan, Trưởng phòng XNK, Công ty TNHH Mani Hà Nội, có trụ sở tại T.X Phổ Yên chia sẻ: Là DN FDI có 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản, Công ty chúng tôi thường xuyên phát sinh tờ khai XNK hàng hóa tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên. Trước đây, việc kê tờ khai bằng giấy và phải đem nộp trực tiếp tại Chi cục làm mất rất nhiều thời gian và chi phí đi lại để thông quan tờ khai. Nhưng từ khi Thông tư 38/2015/TT-BTC có hiệu lực, việc khai báo hải quan và nộp thuế điện tử đã giúp bộ phận kế toán chỉ cần vài thao tác đơn giản trên máy vi tính là đã có thể thực hiện được. Trong trường hợp tờ khai được hệ thống Hải quan tự động phân luồng xanh thì chỉ trong thời gian rất ngắn, đôi khi mất mấy giây là hàng hóa đã có thể thông quan. Trường hợp luồng vàng hay luồng đỏ thì chứng từ phải xuất trình cũng đơn giản và gọn nhẹ đi rất nhiều so với trước. Chị Lan cũng cho biết thêm, không chỉ thuận tiện trong việc kê khai và nộp thuế, các cán bộ của Hải quan Thái Nguyên còn luôn tận tình hướng dẫn, giải đáp khi DN cần được hỗ trợ… Tuy nhiên, chị Lan cũng đề nghị, Ngành Hải quan cần tổ chức nhiều hơn các buổi tập huấn để hướng dẫn thêm cho DN biết cách phân loại mã số HS của hàng hóa, để từ đó áp mã mặt hàng cho đúng, đặc biệt là trong lĩnh vực hóa chất, tránh bị xử phạt do áp mã sai.
Với những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho DN, Hải quan Thái Nguyên đã và đang góp phần đáng kể cải thiện môi trường đầu tư, tăng thu đáng kể cho ngân sách nhà nước cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Tính đến hết tháng 8, tổng thu từ hoạt động XNK trên địa bàn đạt 1.681 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ 2016, bằng 78% kế hoạch năm; dự kiến cả năm vượt thu trên 200 tỷ đồng (năm 2017, Chi cục Hải quan Thái Nguyên được Bộ Tài chính giao thu 2.150 tỷ đồng). Được biết, trong số này, Công ty Samsung đóng góp khoảng 70%.