Chúng tôi về xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) vào một ngày giữa Thu trời đầy nắng. Dọc theo con đường trải nhựa phẳng lỳ có rất nhiều ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, bao quanh bởi những vườn cây trĩu quả.
Năm 2008, xã Cao Ngạn được chia tách từ huyện Đồng Hỷ sáp nhập về T.P Thái Nguyên. Nhớ lại thời kỳ mới về thành phố, ông Lưu Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Lúc bấy giờ khó khăn lắm! Công trình phúc lợi hầu như chưa có gì, trụ sở UBND xã chỉ có mấy phòng dành cho bí thư và chủ tịch làm việc, còn các ban, ngành, đoàn thể đều làm việc chung tại hội trường đã cũ. Các tuyến đường liên xóm đều là đường đất, bụi bặm khi trời nắng, lầy lội khi trời mưa. Đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, quá nửa số hộ trong xã thuộc diện hộ nghèo, còn bây giờ mọi thứ đều đã thay đổi.
Xã hiện có số dân gần 8.000 người, 1.900 hộ cùng đoàn kết sinh sống tại 17 xóm. Những năm gần đây, số hộ nghèo giảm nhanh, toàn xã chỉ còn 3,97%, thu nhập bình quân đạt 35,3 triệu đồng/người/năm. Nhiều công trình phúc lợi được xây dựng bằng nguồn lực hỗ trợ và tiền đối ứng của nhân dân. Đặc biệt về kinh tế, ngoài phát triển cây lương thực, hoa màu… xã Cao Ngạn đã chú trọng đến phát triển chăn nuôi và các ngành dịch vụ khác. Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 70 trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ. Trong đó, 4 trại chăn nuôi lợn, còn lại là trại chăn nuôi gà. Xã có làng nghề bún bánh tại xóm Gò Chè từ rất lâu đời, tạo ra sản phẩm ngày càng được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Ông Lưu Anh Tuấn tự hào nói với chúng tôi: Để có được thành quả trong công cuộc xóa đói giảm nghèo như ngày hôm nay là nhờ vào sự đoàn kết của các cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã. Các chi bộ Đảng trực thuộc đều có nghị quyết hành động cụ thể trong từng tháng, quý, năm. Các đảng viên đều được phân công nhiệm vụ vận động bà con phát triển kinh tế, chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong những năm qua, nhiều mô hình phát triển kinh tế được triển khai hiệu quả tại xã như mô hình: Nuôi giống gà mía, gà lai giống Đông Tảo, trồng cây ăn quả và cây dược liệu; mô hình cấy lúa cải tiến hàng rộng hàng hẹp kết hợp với bón phân nén dúi sâu, mô hình trồng ngô lai giống mới.
Cán bộ khuyến nông xã Cao Ngạn Trương Đức Tâm đưa chúng tôi đi trên con đường bê tông uốn lượn qua các cánh đồng lúa chín vàng để vào xóm Gò Chè thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Phạm Đắc Suất. Ông Suất là thương binh, năm nay 70 tuổi nhưng vẫn say sưa với công việc ruộng vườn. Ông khoe, mô hình VAC của gia đình ông mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Ngoài trồng 600 gốc thanh long, 30 cây nhãn, 30 cây mít Thái, 40 cây chanh, 50 cây hồng xiêm, gia đình ông còn nuôi 2.000 con gà, 3 sào ao thả cá quanh năm. Nhờ mô hình này mà gia đình ông có của ăn, của để, tậu được cả ô tô trị giá gần một tỷ đồng. Ông Suất nói: Tôi sinh sống trên mảnh đất này từ thời còn nhỏ. Ngày xưa, vùng này hoang vu lắm, toàn đồi núi, cỏ cây thôi, đường thì lầy lội, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Giờ thì làng trên, xóm dưới đều có nhà xây, nhiều nhà xây theo kiểu Thái trông như biệt thự, nhà vườn…
Góp vui cùng câu chuyện, anh Tâm cho chúng tôi biết thêm: Hiện nay, trên địa bàn xã có 1 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác gồm: Hợp tác xã “Nông nghiệp phương Bắc” với ngành, nghề kinh doanh chăn nuôi gia súc, gia cầm; mua, bán chế biến nông lâm sản; mua, bán vật tư thiết bị nông nghiệp, thiết bị phục vụ chăn nuôi. Tổ hợp tác “Cựu chiến binh, cựu quân nhân làm kinh tế giỏi”. Tổ hợp tác này thành lập từ năm 2014, bao gồm 15 tổ viên, với ngành nghề sản xuất, kinh doanh là chăn nuôi và trồng trọt. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có cụm công nghiệp mở rộng Cao Ngạn, với quy mô hiện tại là 20ha, bao gồm các doanh nghiệp: Công ty CP Xi măng Cao Ngạn; Công ty CP Gạch Cao Ngạn; Công ty CP Đúc Thái Nguyên; Doanh nghiệp tư nhân vận tải Thái Dương; Công ty TNHH Thái Việt; Doanh nghiệp Việt Cường; Trường dạy nghề Thái Hà… Các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 440 lao động, thu nhập bình quân mỗi lao động đạt khoảng 50 triệu đồng/người/năm…
Rời xã Cao Ngạn khi mặt trời dần khuất núi, trên các nẻo đường các em học sinh đang rảo bước về nhà giọng cười giòn tan. Dưới cánh đồng nông dân cũng lục tục chuyên những gánh lúa mùa trĩu bông vừa gặt xong mang về, mùi hương lúa tỏa khắp cánh đồng thơm ngát. Và tôi cảm nhận thấy sự no ấm, đủ đầy hiện hữu rất rõ trên mảnh đất vùng ven sông Cầu này.