Dư luận đang nóng lên bởi đề xuất chuyển hàng hóa không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) lên chịu thuế, hàng hóa đang chịu thuế GTGT 5% lên 10% và tăng thuế suất GTGT thông thường từ 10% lên 12%, của Bộ Tài chính.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế GTGT sẽ không ảnh hưởng đến chi tiêu của người nghèo, vì hộ nghèo đã được hỗ trợ tiền điện, được miễn giảm học phí, vì theo thống kê năm 2014, nhóm thu nhập thấp nhất dành tới 59,6% thu nhập để mua lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục, trong khi việc tăng VAT với nhóm hàng này không đáng kể.
Viện dẫn lý do trên khác nào mọi chi tiêu của người nghèo đều lấy từ mấy chục nghìn đồng tiền điện của Nhà nước hỗ trợ, hay cắt phần hỗ trợ của con em đến trường để bù vào giá hàng hóa tăng… Nhà nước miễn giảm học phí là để các cháu khó khăn được đến trường, hỗ trợ tiền điện là để người nghèo có ánh sáng phục vụ sinh hoạt, nếu cái gì cũng lấy vào mấy chục nghìn tiền điện đó thì việc hỗ trợ của Nhà nước có còn đúng mục đích ý nghĩa? Hơn nữa, người nghèo đâu phải chỉ cần cơm ăn, học hành, họ cũng phải đi lại, phải mặc, phải có quan hệ xã hội…. Họ mong muốn được sử dụng những mặt hàng tiện ích nhưng vì không có tiền nên chỉ dám mơ ước.
Nếu tăng VAT, khác nào đẩy mơ ước đó trở nên xa vời hơn. Chất lượng cuộc sống của họ chưa biết khi nào mới được cải thiện?
Vừa qua Hội đồng tiền lương Nhà nước đã phải bàn đi tính lại, mới đưa ra được mức tăng lương bình quân đối với lương tối thiếu năm 2018 là 6,5%, nhằm cải thiện phần nào đời sống của người lao động. Nay, nếu tăng VAT, liệu ý nghĩa của việc tăng lương có còn giữ được? Bên cạnh đó, khi VAT tăng, sẽ ảnh hưởng tới chi phí đầu vào của doanh nghiệp, khi đó, doanh nghiệp có thể sẽ chậm trả lương, tìm cách buộc người lao động phải tăng năng suất, để bù đắp khoản chi phí đầu vào. Như vậy, người lao động sẽ đứng trước hai nguy cơ từ phía doanh nghiệp và từ giá hàng hóa tăng do thuế tăng, họ buộc phải thắt chặt chi tiêu. Hơn nữa, khi tất cả người dân không phân biệt giàu, nghèo đều chịu chung một mức thuế VAT, những người thu nhập thấp sẽ phải dành ra tỷ trọng lớn hơn (trong tổng thu nhập của mình) so với người giàu để trả thuế, khiến người thu nhập thấp dễ bị tổn thương hơn.
VAT là loại thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch phụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất lưu thông đến tiêu dùng. Tăng thuế này chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho ngân sách quốc gia, nhưng nước ta mới bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình, lại đứng ở vị trí thấp nhất trong những nước thu nhập trung bình, trong khi thuế VAT ảnh hưởng rộng rãi tới mọi tầng lớp dân cư. Vì thế, việc điều chỉnh tăng loại thuế này sẽ vô cùng nhạy cảm, nhất là khi lí do tăng thuế để tăng thu ngân sách chưa thực sự thuyết phục. Bởi, chúng ta vẫn chưa thực sự triệt để trong tiết kiệm chi tiêu công, hiệu quả sử dụng đồng tiền ngân sách chưa cao; bộ máy hành chính, thủ tục hành chính vẫn còn cồng kềnh; việc phát huy nội lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vẫn còn hạn chế.
Chính vì vậy, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cần cân nhắc lộ trình và tính toán kỹ lưỡng để vừa đảm bảo tăng thu ngân sách, nhưng không ảnh hưởng tới đời sống người dân./.