Trên 476 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được hỗ trợ vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó có hơn 98 nghìn lượt hộ thoát nghèo. Cùng với đó, trên 80 nghìn lao động được tạo việc làm ổn định; gần 55 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học… Đó chính là những kết quả hoạt động nổi bật của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Thái Nguyên trong 15 năm qua.
Theo ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh, từ 179 tỷ đồng năm 2003 (trong đó có 1 tỷ đồng nợ xấu), đến nay tổng nguồn vốn Chi nhánh tỉnh đang quản lý đã lên tới 3.014 tỷ đồng, thực hiện cho vay ở 13 chương trình, tuy vậy số nợ xấu vẫn chỉ như con số khi mới thành lập (chiếm tỷ lệ 0,055% trên tổng dư nợ). Với những kết quả đã đạt được, nhiều năm liền, Chi nhánh Thái Nguyên được NHCSXH Việt Nam công nhận là đơn vị xuất sắc nhất khu vực III (gồm 6 tỉnh) và có chất lượng tín dụng thuộc tốp đầu cả nước. Để đạt được kết quả đó, trước hết phải kể đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và nỗ lực khắc phục khó khăn của tập thể cán bộ, viên chức của NHCSXH tỉnh.
Có dịp đến thăm các gia đình vay vốn của NHCSXH ở nhiều địa phương trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy hiệu quả khả quan mà nguồn vốn đem lại cho người dân, nhất là đối với những hộ nghèo, cận nghèo. Không ít hộ nhờ có nguồn vốn vay nên đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá giả; hoặc có điều kiện cho con theo học đại học, cao đẳng, sau khi ra trường tìm được việc làm ổn định, không những đã trả được hết nợ mà còn giúp gia đình có cuộc sống tốt hơn... Bởi vậy, khi nói về nguồn vốn này, các hộ đều dành một tình cảm rất đặc biệt, với sự biết ơn sâu sắc. Nói như ông Hoàng Đình Lục, ở xóm Bản Lại, xã Linh Thông (Định Hóa), nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH mà gia đình ông mới có điều kiện mua trâu, xây dựng nhà ở, làm công trình nước sạch, vệ sinh môi trường và thoát nghèo.
Ngược dòng thời gian, 15 năm trước, NHCSXH có tên gọi là Ngân hàng Phục vụ người nghèo. Đối với Thái Nguyên, NHCSXH tỉnh được thành lập theo Quyết định số 41/QĐ-HĐQT ngày 14-1-2003 của Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH Việt Nam, nhằm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Chính phủ. Từ đây, ngày 4-10 trở thành ngày truyền thống của NHCSXH. 15 năm qua, cùng với hệ thống NHCSXH cả nước, NHCSXH Thái Nguyên luôn phát huy được hiệu quả to lớn, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Không chỉ được ưu đãi về lãi suất, khách hàng vay vốn của NHCSXH còn được tạo thuận lợi tối đa về thủ tục; địa điểm giải ngân lại ngay tại UBND xã và mức cho vay cũng ngày càng được nâng lên, phù hợp với nhu cầu của các đối tượng chính sách. Điều này đã giúp hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở các địa bàn, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Trong quá trình hoạt động, đi đôi với tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng luôn được NHCSXH và ban đại diện NHCSXH các cấp, chính quyền địa phương và Hội, đoàn thể nhận ủy thác quan tâm hàng đầu. Bởi thế, Chi nhánh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như thực hiện nghiêm túc các quy định, quy trình nghiệp vụ, kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng hoạt động tại điểm giao dịch xã. Qua đó, chất lượng tín dụng không ngừng được cải thiện, nâng cao. Điều này phần nào được minh chứng qua tỷ lệ nợ xấu của Chi nhánh luôn duy trì ở mức dưới 0,06% trên tổng dư nợ.
Ở một góc độ khác, để giúp người vay nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, NHCSXH tỉnh thường xuyên phối hợp với ngành Nông nghiệp - PTNT và các tổ chức chính trị - xã hội phổ biến khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi và trồng trọt cho các hộ có nhu cầu. Việc quản lý vốn được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo sâu sát; thực hiện việc bình xét cho vay công khai, dân chủ. Đến nay, 3.089 tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng được củng cố và hoạt động có hiệu quả; người vay sử dụng vốn đúng mục đích; thực hiện trả nợ gốc, trả lãi đầy đủ…
Ông Nguyễn Anh Võ, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban giảm nghèo xã Tân Khánh (Phú Bình) khẳng định: Là xã vùng II nên đời sống của phần lớn các hộ dân còn gặp nhiều khó khăn. Nếu không có nguồn vốn của NHCSXH, chúng tôi sẽ không thể giảm được trên dưới 3% số hộ nghèo mỗi năm và nhiều gia đình sẽ không thể có điều kiện để cho con theo học. Hiện, trong tổng dư nợ hơn 50 tỷ đồng mà người dân đang vay của các ngân hàng thì dư nợ tại NHCSXH huyện là 26,6 tỷ đồng.
Còn theo đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh: Những năm qua, tín dụng chính sách đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, cũng như trong quá trình xây dựng nông thôn mới, làm chuyển biến rõ nét đời sống của người dân, đặc biệt là người nghèo. Qua đó, góp phần quan trọng cùng tỉnh hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo theo từng giai đoạn. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ hơn nữa với NHCSXH trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công… với hoạt động tín dụng chính sách; tăng cường bồi dưỡng kiến thức sản xuất, kinh doanh cho người vay vốn; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng được tiếp cận với nguồn vốn, để nguồn vốn chính sách phát huy tối đa hiệu quả và giúp người dân thoát nghèo một cách bền vững.
NHCSXH tỉnh hiện cho vay ở 13 chương trình, gồm: Hộ nghèo; cận nghèo; mới thoát nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giải quyết việc làm; xuất khẩu lao động; sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; thương nhân vùng khó khăn; hộ nghèo về nhà ở; hộ dân tộc thiểu số; hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có đời sống khó khăn và một số chương trình khác theo đặc thù riêng của địa phương. Tính đến ngày 20-9, toàn tỉnh có trên 117 nghìn khách hàng còn dư nợ. Trong đó, có gần 26,7 nghìn hộ nghèo, với số tiền 1.022 tỷ đồng; gần 14 nghìn hộ cận nghèo, với dư nợ 543 tỷ đồng; trên 12,7 nghìn hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; 7.716 hộ vay học sinh - sinh viên; trên 25 nghìn hộ vay chương trình nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn…
Mục tiêu đến năm 2020, hoạt động tín dụng chính sách của tỉnh đề ra là: 100% người nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; nguồn vốn và dư nợ tín dụng tăng trưởng bình quân trên10%/năm, trong đó nguồn vốn của ngân sách địa phương ủy thác hàng năm tăng tối thiểu 15 tỷ đồng; tỷ lệ nợ quá hạn và khoanh duy trì ở mức dưới 0,06%/tổng dư nợ...