Đánh giá kết quả giảm nghèo của tỉnh trong giai đoạn 2011-2016 cho thấy, tỷ lệ giảm nghèo đã đạt mục tiêu đề ra (mỗi năm giảm 2% số hộ nghèo trở lên và đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10%). Mặc dù vậy, so với bình quân chung cả nước, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn khá lớn, tính bền vững chưa cao… Theo các cơ quan chuyên môn, sự nghiệp giảm nghèo không đơn giản, muốn bền vững cần tạo được sinh kế, tăng thu nhập ổn định cho hộ nghèo.
Đánh giá chuyên môn cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua giảm không đều, có địa phương giảm sâu, nơi lại giảm chậm, cá biệt có địa phương còn tăng số hộ nghèo. Nếu T.X Phổ Yên hiện còn trên 4% số hộ nghèo, T.P Sông Công trên 3%, T.P Thái Nguyên hơn 1% thì các huyện miền núi, vùng cao như Định Hóa vẫn còn trên 15%, Võ Nhai gần 16%... Địa phương tăng số hộ nghèo là xã Bình Long và xã Cúc Đường (Võ Nhai). Tại một số xã đặc biệt khó khăn, việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo chưa đạt yêu cầu đề ra. Kế hoạch là sẽ giảm từ 3,5% đến 5% số hộ nghèo mỗi năm nhưng thực hiện chỉ đạt gần 2,9%.
Điều đáng nói là khi số hộ nghèo giảm thì hộ cận nghèo lại tăng bởi ranh giới thoát nghèo rất mong manh. Nhiều hộ thoát nghèo thay vì trở thành hộ khá giả lại nằm trong diện hộ cận nghèo, có thể quay trở lại diện hộ nghèo bất cứ lúc nào. Từ đó cho thấy, việc giảm nghèo còn thiếu tính bền vững. Các chuyên gia chỉ ra rằng, giảm nghèo thiếu bền vững là bởi cơ chế, chính sách giảm nghèo của tỉnh còn chưa mang tính đột phá, mức đầu tư thấp, đa phần thực hiện phương châm hỗ trợ trực tiếp như chăm sóc y tế, làm nhà ở, cấp điện… mà không xem xét hỗ trợ sinh kế lâu dài cho bà con.
Cả giai đoạn vừa qua, toàn tỉnh đã dành gần 1.000 tỷ đồng để cấp thẻ bảo hiểm y tế, trên 76 tỷ đồng hỗ trợ tiền điện, hơn 15 tỷ đồng hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo… trong khi chỉ có hơn 1.000 tỷ đồng cho hộ nghèo vay vốn. Theo một số chuyên gia, nếu dành kinh phí nhiều hơn để người nghèo đầu tư sản xuất, tạo thu nhập ổn định, lâu dài thì tính hiệu quả sẽ cao hơn. Mặt khác, quá trình tổ chức triển khai các chương trình 135, dạy nghề, xuất khẩu lao động… còn nhiều vướng mắc, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Cùng với đó, nhận thức của một bộ phận người dân còn thấp, ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo còn chưa cao, còn tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào Nhà nước. Trong diễn đàn thảo luận tổ ở kỳ họp HĐND tỉnh mới đây, đại biểu Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã thẳng thắn: Vẫn còn nhiều trường hợp không muốn thoát nghèo để tiếp tục được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Bên cạnh đó, công tác bình xét hộ nghèo hàng năm ở cơ sở dù có hướng dẫn cụ thể song vẫn có nơi chưa thực hiện đúng. Trong bình xét còn nể nang, né tránh nên xuất hiện các trường hợp được công nhận nhưng không đúng đối tượng.
Do vậy, rất cần những giải pháp căn cơ theo hướng tăng thu nhập cho hộ nghèo, giúp họ nhanh chóng thoát khỏi khó khăn. Thực tế chứng minh, tất cả đều đi ra từ cơ chế, chính sách, có cơ chế, chính sách tốt sẽ giúp khai thông bế tắc. Bởi thế, chính sách tín dụng, tạo vốn thúc đẩy sản xuất là số 1 trong công tác giảm nghèo.
Bà Hà Thị Hường, đại biểu HĐND tỉnh, thuộc tổ đại biểu huyện Phú Lương chia sẻ: Người nghèo khi được tiếp cận vốn tín dụng giống như đang chới với dưới nước vớ được phao cứu sinh vậy. Và ngược lại, hộ cận nghèo nếu không được vay vốn cũng sẽ dễ chuyển thành hộ nghèo bất cứ lúc nào. Bà Hường cũng đề nghị, phải xác định rõ nhóm đối tượng cần hỗ trợ vốn và nhóm này phải có khả năng thực hiện hiệu quả nguồn vốn. Vì đã có trường hợp lựa chọn cả những đối tượng không còn khả năng lao động để cho vay vốn...
Ở giai đoạn trước, toàn tỉnh cũng đã dành số tiền gần 1.400 tỷ đồng hỗ trợ tín dụng cho hơn 61.000 lượt người nghèo vay sản xuất, kinh doanh với mức vay bình quân 23 triệu đồng/hộ. Tỉnh còn dành gần 300 tỷ đồng cho trên 12.700 hộ cận nghèo vay vốn với mức vay bình quân 31 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, còn tạo điều kiện để các hộ vừa thoát nghèo tiếp tục được vay vốn mở rộng sản xuất, ổn định cuộc sống. Hiện tại đã có trên 1.000 hộ thoát nghèo được vay với số vốn trên 42 tỷ đồng. Sang giai đoạn tới, ngoài tiếp tục hỗ trợ tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo và đã thoát nghèo, tỉnh còn đặt mục tiêu hướng dẫn hộ nghèo làm ăn theo hướng chuyển dịch cơ cấu ngành nghề phù hợp với khả năng, quy mô và trình độ sản xuất từng hộ.
Tiếp đến, tỉnh lên kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững toàn tỉnh. Theo đó, mỗi năm sẽ bố trí kinh phí hợp lý để thực hiện ít nhất 5 mô hình giảm nghèo bền vững. Thực tế giai đoạn trước cho thấy, dự án này mang lại hiệu quả khả quan. Cụ thể, đã có 19 mô hình giảm nghèo được thực hiện với trên 800 hộ nghèo tham gia, kinh phí triển khai trên 5,7 tỷ đồng. Kết quả, có gần một nửa số hộ tham gia đã thoát được nghèo. Trong đó, huyện Võ Nhai là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt nhất. Nếu năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo của huyện đang là 43,2% thì đến nay giảm xuống còn hơn 15%. Cùng với đó, các dự án về khuyến nông, khuyến lâm và khuyến ngư cũng được triển khai trên cơ sở hỗ trợ tối đa cho hộ nghèo, cận nghèo. Từ đó, tạo sự chuyển biến về tư duy cũng như phương thức sản xuất mới, tăng thu nhập cho hộ nghèo.
Trong kế hoạch triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2017-2020 còn nhiều nhóm giải pháp khác quan trọng, trong đó có giải pháp giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hỗ trợ người nghèo vùng đặc thù… Theo đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, việc triển khai chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn giai đoạn này được thực hiện đồng bộ bằng các giải pháp hỗ trợ người nghèo đa chiều. Cụ thể là hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn, đảm bảo 80% số người sau học nghề có việc làm, tạo điều kiện cho người nghèo trong độ tuổi lao động tiếp cận, tham gia chương trình xuất khẩu lao động, làm việc tại các làng nghề, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.