Từ trung tâm huyện Đại Từ, về xã Mỹ Yên, chúng tôi gặp bên đường từng nương chè đan xen giữa đồng lúa xanh mát mắt. Đang tiết Thu, khí trời đã dịu lại, cảnh vật cũng trở nên hiền hòa hơn. Dòng suối Chì và Cầu Hu, Cầu Hùng mất đi sự hung dữ của dòng lũ mùa mưa, dịu dàng như người thôn nữ nơi vùng đất dưới chân núi Tam Đảo.
Bà Chu Thị Nhì, Chủ tịch UBND xã cho biết: Mỹ Yên có 1.688 hộ dân, trên 6.386 nhân khẩu, gồm 25 xóm. Những năm gần đây, số hộ nghèo của xã giảm mạnh, số hộ có mức thu nhập khá ngày càng tăng. Hiện toàn xã còn 137 hộ nghèo, giảm 47 hộ so với cùng kỳ năm trước. Có mặt ở đó, bà Nguyễn Thị Khoa, cán bộ lao động thương binh - xã hội xã cho biết thêm: Nhiều người nghèo của xã có xe máy, ti vi, điện thoại di động, trong xã không còn hộ đói.
Xã Mỹ Yên có tổng diện tích đất đai tự nhiên 3.400ha, nhưng phần lớn thuộc vườn Quốc gia Tam Đảo. Đất sản xuất nông nghiệp 280ha nhưng không tập trung mà dàn trải bên chân núi, rất khó cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Vào mùa mưa, nước từ lưng núi đổ về ồ ạt, dòng chảy trở lên hung dữ. Có năm, nước mưa dồn về, dâng lên, nhiều nhà cửa, tài sản của dân bị vùi trong biển nước.
Thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng người dân xã Mỹ Yên luôn đoàn kết, sẵn lòng giúp nhau đi qua cơn hoạn nạn. Họ dám đối diện với khắc nghiệt thiên nhiên tìm cách để thích nghi với vùng đất khó. Bà con đã xây dựng tường rào nhà bằng đá cuội; làm bờ chắn nước bằng đá cuội ngăn đất cát mùa lũ về. Và từ bàn tay mình, đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của người dân từng ngày được cải thiện.
Vẫn cơ bản là sản xuất nông nghiệp, trong năm 2016, nhân dân trong xã thực hiện gieo cấy được gần 545ha diện tích đất lúa cả năm, năng suất đạt gần 57 tạ/ha, sản lượng lúa đạt hơn 3.000 tấn/năm. Ngoài cây lúa, nông dân trong xã còn tích cực trồng thêm cây vụ 3, như ngô, khoai lang, rau đậu, đạt diện tích gần 220ha, đưa tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm (năm 2016) đạt 4.400 tấn.
Ngoài các loại cây lương thực, rau màu, người dân còn đầu tư cho cây ăn quả, cây chè, trồng rừng và phát triển chăn nuôi. 5 năm gần đây, nhiều hộ trong xã có hướng chuyển đất vườn tạp sang trồng cây ăn quả như bưởi da xanh, thanh long, hồng không hạt. Đồng chí Nguyễn Bá Khương, Bí thư Đảng ủy xã tâm đắc: Với đồng đất như Mỹ Yên, cây lúa, ngô, màu mới chỉ đáp ứng đủ lương thực tại chỗ cho người dân. Cây ăn quả bước đầu khẳng định được “vị trí” trong phát triển kinh tế tại một số hộ. Kinh tế rừng cũng bắt đầu mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút được nhiều hộ tham gia. Năm 2017, 32 hộ của xã được cấp 29.000 cây giống lâm nghiệp, trồng được 18,7ha rừng sản xuất.
Với Mỹ Yên, chè là một trong những cây kinh tế chủ lực, có thể mang lại sự no đủ cho người dân. Hiện, xã có 162ha chè, trong đó 120ha là chè kinh doanh, năng suất đạt 110 tạ/ha, sản lượng búp tươi đạt 1.320 tấn/năm. Theo tính toán của nông dân, trung bình 5kg chè búp tươi, sao xấy được 1 kg chè búp khô. Với giá bán 150.000 đồng/kg, cây chè mang lại cho nông dân trong xã số tiền gần 30 tỷ đồng. Từ hiệu quả kinh tế cây chè mang lại, từ nhiều năm nông dân trong xã đã quan tâm hơn tới phát triển cây chè. Chính vì thế mà hầu hết các khu vực đồi bãi được nông dân đưa vào trồng chè. Những diện tích chè già cỗi cũng được nông dân đầu tư trồng lại, 3 năm gần đây, nông dân trồng mới, trồng thay thế bằng chè lai có năng suất, chất lượng cao đạt trung bình 30ha/năm.
Ông Lê Tự Đức, xóm Bắc Hà 2 cho biết: Trong xã hầu hết các hộ dân đều sống nhờ cây chè (riêng gia đình tôi có 20 sào đất trồng chè). Do vậy bà con luôn quan tâm tới năng suất, chất lượng và giá thành của sản phẩm chè. Đây cũng là một trong những lý do thúc đẩy chúng tôi tham gia mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện xã có 5 xóm tham gia sản xuất chè theo tiêu chuẩn này. Chè sản xuất theo quy trình VietGAP giá bán cao hơn so với chè sản xuất “truyền thống” từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg. Còn ông Hà Ngọc Anh, xóm Đồng Khâm cho biết: Từ 10 sào chè, gia đình tôi thu được 180 triệu đồng/năm. Ngoài chè, gia đình tôi còn có nguồn thu nhập từ chăn nuôi gà, lợn.Chăn nuôi giỏi, người dân xã Mỹ Yên nhắc ngay đến gia đình ông Dương Quân Tùng, xóm La Yến. Nhiều năm gần đây, gia đình ông Tùng chăn nuôi lợn từ 150 đến 200 con/lứa. Những năm trước, trừ chi phí gia đình ông còn lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Còn ông Triệu Văn Quý, xóm Tân Yên, với mô hình nuôi tổng hợp, gồm bò, lợn, dê, đạt thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Chiều muộn, mặt trời trốn xuống dải Tam Đảo. Từng bé em ngồi lưng trâu vắt vẻo trở về. Đường làng chợt sống động bởi tiếng mõ trâu, tiếng nghé gọi mẹ và từ bao mái nhà, khói lam chiều lan tỏa cùng hương chè ấm cúng. Tôi nhủ lòng: Mỹ Yên đang từng ngày khởi sắc, vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của mình.