Không còn cảnh phải đi ăn đong từng bữa, nhiều nhà đã sắm được ti vi, xe máy, tủ lạnh và các vật dụng sinh hoạt đắt tiền... đó là thành quả thu được từ việc trồng, chăm sóc rừng của người dân huyện vùng cao Võ Nhai. Những cánh rừng xanh ngút ngàn không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế mà còn góp phần chống xói mòn đất và lũ ống, lũ quét.
Đến thăm khu rừng sản xuất của gia đình ông Hoàng Văn Ninh, ở xóm Thành Tiến, xã Tràng Xá, từ xa, chúng tôi đã nghe thấy tiếng máy cưa kêu rèn rẹt, tiếng cười nói vui vẻ. Nhìn những cây keo mới được đốn hạ nằm lăn lóc ven sườn núi, ông Ninh phấn khởi nói: Sau 7 năm chăm sóc vất vả, đến nay, 1 cây keo thu được dài trên 23m, trong đó có thể bán làm gỗ 18m. Nhà tôi có 12ha rừng, đợt này khai thác 7ha, được khoảng 560 triệu đồng. Khai thác xong, sang năm, chúng tôi lại tiếp tục trồng mới, không để đất trống. Được cán bộ kiểm lâm tuyên truyền, vận động, từ năm 2002 đến nay, ngoài đầu tư trồng rừng, tôi còn trồng 1ha chè, 1ha bưởi diễn, cam vinh. Đồng thời, cải tạo 1 mẫu ao nuôi cá và làm chuồng trại chăn nuôi với quy mô 1.000 con gà/lứa. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi cũng có thu nhập trên 300 triệu đồng, không còn phải lo đói ăn như cách đây chục năm về trước nữa.
Cùng chúng tôi đi thăm những vạt rừng xanh ngút ngàn, anh Dương Hoàng Mạnh, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Tràng Xá cho biết: Trước đây, nhận thức của người dân còn hạn chế. Bà con chưa thấy lợi ích kinh tế của việc trồng rừng nên thường trồng bỏ đấy, không chăm sóc nên năng suất không cao. Đến khi khai thác cũng chỉ dùng làm củi đun nấu hoặc sao chè. Trước thực tế đó, từ năm 2008 trở lại đây, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân phủ xanh đất trống đồi trọc bằng cây keo lai. Đồng thời, hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Đến khi được thu hoạch, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân về thủ tục khai thác. Nhờ đó, người dân đã dần thay đổi nhận thức, coi trồng rừng như “của để dành” của gia đình.
Không chỉ riêng xã Tràng Xá, đi thực tế tại một số địa phương như: Phương Gio, Liên Minh, Bình Long... chúng tôi cũng thấy việc bảo vệ, chăm sóc rừng phòng hộ, rừng sản xuất được chính quyền địa phương và người dân đặc biệt chú trọng. Được biết, toàn huyện hiện có trên 62.000ha rừng, trong đó, rừng đặc dụng trên 19.000ha, rừng phòng hộ hơn 17.000ha và rừng sản xuất 26.000ha. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai cho biết: Đời sống của người dân, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Dân cư thưa thớt, lại giáp ranh với các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn nên việc giữ rừng chủ yếu phải dựa vào người dân. Vì thế, chúng tôi xác định, cần tập trung nhiệm vụ tuyên truyền để người dân nắm rõ các nội dung của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tập trung phát triển kinh tế từ thế mạnh đồi rừng và không nghe theo kẻ xấu vận chuyển lâm sản trái phép. Từ đầu năm đến nay, Hạt đã tổ chức được 15 buổi tuyên truyền về nội dung quản lý, bảo vệ rừng, đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng cho gần 800 lượt người tham gia. Ngoài ra, Hạt đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các thành viên, lực lượng trong Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng trực 24/24 giờ khi có dự báo từ cấp IV đến cấp V. Đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm tra, truy quét các đối tượng khai thác, vận chuyển, kinh doanh lâm sản trái phép. Kết quả, từ đầu năm đến hết tháng 9, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện, xử lý 28 vụ vi phạm lâm luật (giảm 21 vụ so với cùng kỳ năm 2016), tịch thu trên 154m3 gỗ quy tròn các loại, nộp ngân sách Nhà nước trên 257 triệu đồng.
Nhờ thực hiện tốt các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển nên độ che phủ rừng của huyện Võ Nhai hiện đạt 69,98% (toàn tỉnh là 50%). Năm 2017, toàn huyện đã trồng được 1.857/1.030ha rừng, vượt 80% so với cùng kỳ năm 2016. Để chủ động phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, những tháng cuối năm, Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai sẽ tăng cường công tác tuần tra, truy quét các đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa hanh khô.