Gần 3 tháng nay, chị Ma Thị Hằng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch Kim Phượng, ở xã Kim Phượng (Định Hóa) luôn bận rộn với những đơn hàng. Với cách làm sáng tạo cùng sự đầu tư kỹ lưỡng, các sản phẩm mỳ gạo, bánh gio… của HTX đang ngày càng được khách hàng ưa chuộng, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ.
“Trước đây, tôi và 17 hộ gia đình (sau đó là thành viên HTX) chủ yếu là chăn nuôi lợn nhưng không hiệu quả, giá cả bấp bênh. Nhận thấy quê hương Định Hóa có nhiều sản vật ngon, nhưng người dân vẫn loay hoay tìm kiếm nơi tiêu thụ, chúng tôi bảo nhau đoàn kết lại, cốt là tìm đầu ra cho các sản phẩm của địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định cho mọi người” - chị Ma Thị Hằng, Giám đốc HTX chia sẻ.
Từ mong muốn đó, tháng 7-2017, HTX chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch Kim Phượng được thành lập với số vốn điều lệ gần 2 tỷ đồng. 17 thành viên được phân thành các tổ đảm nhận công việc khác nhau, như: Tổ làm mỳ, tổ bánh gio, tổ bún tưoi, tổ rau… Lựa chọn sản xuất đa ngành nghề, song lĩnh vực chính của HTX là sản xuất, kinh doanh gạo Bao thai Định Hóa, mỳ gạo, bánh gio gia truyền. Được biết, nghề sản xuất mỳ gạo đã có từ hàng chục năm nay ở Định Hóa và được nhiều người tiêu dùng ưa thích bởi được làm từ thứ gạo Bao thai đặc sản, sợi mỳ dai, đậm vị, nhưng điều chị Hằng băn khoăn nhất đó là mẫu mã sản phẩm. Phần lớn bà con làm mỳ dài, đóng gói thô mộc nên không mấy bắt mắt. Trong khi cũng là sản xuất mỳ gạo, nhưng ở địa phương lân cận là Bắc Giang, sản phẩm mỳ Chũ đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Sau khi bàn bạc với các thành viên, chị Hằng quyết định tìm đến “quê hương” của mỳ Chũ để “tầm sư học đạo”. Chị cho biết: Ban đầu, chủ cơ sở sản xuất khá e ngại khi tôi xin đến học hỏi kinh nghiệm, nhưng khi hiểu được ý định, thấy sự quyết tâm của tôi, họ đã đồng ý và chỉ bảo tận tình. Hơn 1 tháng tôi ăn, ở và làm việc tại đó như 1 người làm mỳ thực thụ, học phí chỉ có hơn 1 tạ gạo.
Trước khi đưa công nghệ mới vào sản xuất, chị Ma Thị Hằng đã liên kết với 1 cơ sở làm mỳ ở Bắc Giang, đưa gạo Bao thai Định Hóa xuống để thử và sản xuất mỳ theo đúng mẫu mã, kích thước như mỳ Chũ. Hơn 1 tấn mỳ sau đó đã được tiêu thụ nhanh chóng cho thấy sự đón nhận của người tiêu dùng. Đặc trưng của mỳ ở HTX Kim Phượng đó là vẫn giữ nguyên chất lượng, hương vị của mỳ Định Hoá truyền thống, song hình thức lại tương tự như mỳ Chũ. Sợi mỳ đều, dài hơn sợi mỳ thông thường khoảng 2-3cm, nhưng không để thẳng mà cuộn tròn lại thành từng cuốn nhỏ gọn, rất tiện sử dụng. Theo chị Hằng tính toán, với cách làm thông thường của bà con Định Hóa, 1 tạ gạo sẽ thu được 82-84kg mỳ, nhưng với máy móc và công nghệ mới này lại thu được năng suất cao hơn hẳn, đạt 94-95kg mỳ/tạ gạo. Thêm vào đó, tỷ lệ hao hụt cũng giảm từ 5-10% so với trước, sợi mỳ trắng, trong và không bị lẫn tạp chất.
Không chỉ có vậy, gói mỳ của HTX còn được “khoác áo mới” với bao bì bắt mắt do chính tay chị Hằng thiết kế, trên đó ghi đầy đủ địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng, thành phần và cách thức chế biến… Đặc biệt, HTX vừa hoàn thiện các thủ tục đăng ký mã vạch, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Thêm vào đó, HTX còn tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Tham dự Hội chợ mỗi xã, phường một sản phẩm vừa qua, HTX đã đại diện cho huyện Định Hóa mang các sản phẩm của mình đi giới thiệu. Tại đây, gần 6 tạ mỳ đã được tiêu thụ. Dù mới chính thức đi vào hoạt động được gần 3 tháng nay, nhưng HTX đã tiêu thụ được gần 2 tấn mỳ thành phẩm, với giá bán dao động 30.000-35.000 đồng/kg (cao hơn giá bán thông thường từ 5.000-10.000 đồng/kg. Không chỉ riêng Định Hóa mà hiện cả khu vực T.P Thái Nguyên, một vài tỉnh lân cận... đã tìm đến HTX để mua mỳ gạo.
Ngoài ra, HTX còn có một sản phẩm khác đang được đăng ký nhãn hiệu, đó là bánh gio gia truyền Bà Phương. Hiện tại, mỗi ngày HTX gói trên 1.000 chiếc. Với giá bán 2,5 nghìn đồng/chiếc, bánh gio đang mang lại doanh thu 2,5 triệu đồng/tháng cho HTX. Dự kiến khi HTX đi vào hoạt động ổn định và tăng thêm nhân công sẽ sản xuất khoảng 20.000 chiếc/tháng.
Bên cạnh đó, HTX Kim Phượng đang tiến hành trồng thử nghiệm trên 1,5 mẫu rau bò khai. Đây không chỉ là một món ăn có hương vị đặc trưng của miền núi cao mà còn dùng để làm thuốc. Chị Nguyễn Thị Hằng, xóm Bản Đa, xã Kim Phượng, cho biết: Gia đình tôi đã trồng rau bò khai từ lâu nhưng chủ yếu bán cho người quen và chưa có đầu ra ổn định. Tham gia vào HTX, chúng tôi mong muốn đang cùng nhau quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Nói thêm về những dự định của HTX, chị Ma Thị Hằng thông tin: Vừa qua, chúng tôi đã cho lắp đặt giàn máy làm mỳ sợi trị giá trên 100 triệu đồng tại HTX, gồm: máy xay bột, nồi hơi, 3 máy cắt sợi. Thời gian tới, việc sản xuất mỳ gạo sẽ được thực hiện toàn bộ tại nhà xưởng của HTX. Trước mắt, chúng tôi đang đề xuất huyện tạo điều kiện bố trí 1 gian hàng riêng tại nhà trưng bày sản phẩm của huyện, đồng thời, tích cực đưa sản phẩm đi giới thiệu tại các hội chợ nông sản, xây dựng trang web quảng bá riêng…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tấn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa cho biết: Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng HTX chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch Kim Phượng đã đạt được hiệu quả bước đầu. Là cơ quan chuyên môn, chúng tôi khuyến khích, động viên bà con nên mạnh dạn liên kết trong đầu tư sản xuất kinh doanh, cũng như sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật, thủ tục, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể địa phương phát triển…