Thời trẻ, anh Lâm Việt Dũng, người dân tộc Nùng, Trưởng xóm Viến Ván, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) từng mơ ước sẽ thoát ly, tìm được một cuộc sống đủ đầy nơi chân trời mới. Nhưng rồi anh nhận ra rằng quê hương mới chính là bến đỗ bình yên nhất. Bởi vậy, anh đã dốc hết tâm sức vào những công việc của nhà nông. Chăm chỉ trồng cấy mùa nào, thức nấy; chăn nuôi thêm đàn lợn, đàn gà, anh đã trở thành một “hiện tượng” của xóm người Nùng Viến Ván khi liên tiếp 5 năm liền, gia đình anh có thu nhập 500 triệu đến 600 triệu đồng/năm.
Ngắm nhìn cơ ngơi khang trang của vị trưởng xóm, chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ. Cả một khu đất rộng vài nghìn m2 được quy hoạch khá gọn gẽ. Anh Dũng cho hay: Với diện tích đất sản xuất lớn (1,2ha đất ruộng, 7 ha rừng sản xuất, 14ha rừng khoanh nuôi…), gia đình tôi có nhiều thuận lợn trong phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, vợ chồng tôi đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Như để minh chứng cho lời nói của mình, anh say sưa nói về giống lúa lai Arize BTE1 của Ấn Độ. Sau 3 năm đưa vào gieo trồng, năng suất và chất lượng gạo của giống lúa lai này khiến anh rất hài lòng (bình quân đạt từ 2,2 đến 2,7 tạ/sào/vụ). Thấy anh Dũng trồng giống lúa này có hiệu quả, nhiều hộ dân trong xóm đã nô nức làm theo. Cũng chính anh Dũng là một trong những hộ đầu tiên đưa giống ngô lai NK 4300 vào trồng trên đồng đất Viến Ván. Anh chia sẻ: Ngay từ vụ đầu tiên, ngô đã cho năng suất từ 2,2 đến 2,5 tạ/sào, cao hơn giống ngô địa phương gần 1 tạ/sào. Tôi mừng quá nên “rủ” anh em, bạn bè trong xóm làm theo. Hiện nay, giống ngô này đã phủ xanh đất đồi bãi ở Viến Ván. Nhất là trong vụ Đông, nhà nào trồng ngô cũng đều lựa chọn NK4300.
Không dừng lại ở đó, anh Dũng còn là người đầu tiên ở xóm trồng thử nghiệm cây cà chua trong vụ Đông. Vào những năm được giá, thu nhập từ 1 sào lên đến 13 triệu đồng/vụ. Mọi người trong xóm thấy hiệu quả cũng đồng loạt làm theo.
Để tăng thêm thu nhập, cùng với trồng trọt, anh Dũng mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi. Năm 2005 anh đầu tư nuôi 10 con lợn nái (trước đó chỉ nuôi từ 2 đến 3 con). Sau đó, anh đã phát triển được đàn lợn thương phẩm lên đến trên 100 con/lứa (một năm xuất chuồng khoảng 3 lứa). Nhờ tích cực phòng bệnh và đầu tư thức ăn “sạch” cho đàn lợn, sản phẩm thịt lợn của gia đình anh được nhiều thương lái tìm đến thu mua. Có những năm anh thu nhập 300 đến 400 triệu đồng từ chăn nuôi lợn. Ở thời điểm hiện tại, giá bán thịt lợn hơi xuống thấp hơn trước khá nhiều, anh đã giảm quy mô đàn xuống còn khoảng 50 con/lứa. Tuy nhiên giá bán thịt lợn hơi của gia đình vẫn được tư thưởng trả cao hơn so với thị trường khá nhiều. Chủ động được nguồn thức ăn từ gạo, ngô của gia đình, từ đầu năm đến nay, anh vẫn thu lãi gần 100 triệu đồng từ chăn nuôi lợn. Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, năm 2014, gia đình anh còn đầu tư mua thêm 6 con lợn nái rừng sinh sản. Qua 3 năm, đến nay, anh đã xuất bán khoảng 50 con lợn rừng…
Đối với diện tích rừng sản xuất của gia đình, anh đầu tư trồng cây keo lai. Sau hơn 7 năm “xuống giống”, hiện tại, toàn bộ rừng keo của gia đình đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Với giá bán gần 100 triệu đồng/ha, anh có thu nhập hàng tỷ đồng từ trồng rừng. Anh chia sẻ: Để có thành quả như ngày hôm nay, “đắng cay, ngọt bùi” tôi đều đã nếm trải. Đơn cử như với chăn nuôi lợn, năm 1997, hai con lợn nái trị giá hơn 10 triệu đồng bị bệnh lepto (bệnh nghệ, bệnh khét, bệnh vàng da). Thời điểm ấy, đối với gia đình tôi, số tiền ấy rất lớn. Tiếc lắm, nhưng tôi không nản lòng. Tôi luôn tự động viên mình không bao giờ chịu thất bại. Sau mỗi thất bại là một lần rút kinh nghiệm và đòi hỏi mình phải tiếp tục kiên trì tìm hiểu, học hỏi để tiếp tục vươn lên…
Kinh tế gia đình phát triển, anh Dũng có điều kiện nuôi các con trưởng thành. Các con anh đều học tại các trường đại học danh tiếng ở Thái Nguyên và Hà Nội. Hiện nay, ba cô con gái đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định, cậu con tai út đang học năm thứ 2 tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế, chăm lo cho “của để dành”, anh Dũng còn là một đảng viên gương mẫu, một trưởng xóm hết lòng vì công việc chung. Anh nói: Dù làm công việc “vác tù và hàng tổng”, nhưng tôi vẫn cố gắng hết mình để đáp lại niềm tin yêu của nhân dân.
Hơn 15 năm làm trưởng xóm, anh đã gặp không ít trở ngại nhưng thực hiện lời dăn dậy của Bác là “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền”, anh Dũng vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phần việc anh tâm đắc nhất là vận động nhân dân đóng góp tiền đối ứng cứng hóa đường giao thông nông thôn. Từ năm 2012 đến nay, hơn 1,5km đường “nắng bụi, mưa lầy” ở Viến Ván đã được đổ bê tông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Anh tâm sự: Tôi vui vì vận động được người dân đóng góp 2 triệu đồng/hộ sửa chữa nhà văn hóa (do được xây dựng cách đây chục năm nên đã xuống cấp). Dự kiến, khoảng giữa tháng 10 tới, nhà văn hóa sẽ hoàn thành.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, để được nhân dân tin yêu, bên cạnh sự nhiệt tình và trách nhiệm, anh Dũng đã biết tập hợp, đoàn kết nhân dân trong xóm; công khai, minh bạch các khoản thu, chi trong quá trình xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng ở địa phương…
Từng nhận được nhiều phần thưởng vì có thành tích xuất sắc trong quá trình làm trưởng xóm và phát triển kinh tế gia đình nhưng điều khiến vị trưởng xóm hạnh phúc nhất chính là anh đã làm được những điều có ích cho nhân dân. Đây chính là động lực để anh tiếp tục vươn lên trong thời gian tới.