Sản xuất dầu ăn từ lạc, đỗ

11:13, 19/10/2017

Từ một người chuyên đi buôn hàng nông sản, chị Nguyễn Thị Viện, hội viên Chi hội Phụ nữ xóm Phố Chợ, xã Tân Khánh (Phú Bình) đã mày mò để sản xuất dầu ăn thực vật từ những hạt lạc, đỗ do chính những người nông dân cùng quê sản xuất. Đến nay, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, cơ sở chế biến tinh dầu của chị bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Lần đầu tiên gặp chị Viện tại buổi trưng bày sản phẩm nông sản ở Trung tâm dạy nghề 20/10 do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức, chúng tôi khá ấn tượng với hình ảnh người phụ nữ dáng người nhỏ thó, khuôn mặt sạm đen đang say sưa giới thiệu sản phẩm tinh dầu với khách hàng. Thấy sản phẩm mới lạ, bắt mắt nhiều người đã đến tham quan, mua sản phẩm tinh dầu của chị. Được biết, đây là lần đầu tiên sản phẩm của chị trưng bày ở một chương trình như thế này.

Chị Viện (49 tuổi), vốn là một người phụ nữ nhạy bén, năng động. Để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học, chị làm đủ thứ nghề như nấu rượu, chăn nuôi, buôn cá, buôn phế liệu… song kinh tế vẫn không mấy dư giả. Nhận thấy địa phương phát triển mạnh các loại nông sản như lạc, đỗ, vừng… chị quyết định chuyển sang kinh doanh, kết nối với các thị trường để đưa nông sản địa phương vươn xa. Tuy nhiên, việc này không đơn giản như chị nghĩ, thu mua lạc về gặp thời tiết xấu không phơi kịp nên bị thối, mốc; hoặc đối tác ngừng không lấy hàng... Có những thời điểm chị bị ế hàng chục tấn lạc, phải chất đầy nhà văn hoá xóm không bán được vì phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Chính vì thế, chị luôn đặt câu hỏi họ chế biến lạc như thế nào và làm gì để có thể khép kín quy trình sản xuất lạc với tiêu dùng. Tính tò mò của chị đã được giải đáp trong một lần được người bạn hàng Trung Quốc mời đến thăm quan mô hình chế biến tinh dầu lạc. Khi đó, chị đã rất ấn tượng với cảnh người dân đem lạc đến ép từ một chiếc máy nhỏ rồi mang dầu về dùng. Thấy vậy, chị cũng nung nấu ý định sản xuất dầu lạc”, nhưng chưa thể làm ngay được vì thiếu kinh phí.

Mãi đến năm đầu năm 2016, chị đã trực tiếp xuống nhà một người quen ở Bắc Giang (cũng học từ Trung Quốc) để học nghề và nhờ họ mua máy. Để có một dây chuyền hoàn chỉnh cho việc chế biến tinh dầu, chị đầu tư 2 lò hơi (để sấy khô), máy bóc lạc, máy ép, máy lọc tổng kinh phí hết hơn 200 triệu đồng.

Chia sẻ về quy trình ép dầu lạc chị nói: Đầu tiên là phải chọn nguyên liệu sạch (lạc không dùng thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, không phân bón hóa học và không dùng giống biến đổi gen) rồi chuyển vào máy bóc lạc. Sau đó sẽ loại bỏ thật kỹ những hạt lạc bị mốc, lép rồi cho vào máy ép. Công đoạn này quan trọng nhất, vì nếu không loại bỏ được hạt mốc, lép thì khi cho vào ép sẽ làm máy bị dính, cháy mùi khét, hỏng cả mẻ lạc. Tiếp đến đưa lạc vào khay và bật công tắc, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp, chừng 15-20 phút lạc được rang chín rồi chuyển sang bộ phận ép. Khi lạc cho ra những giọt dầu nguyên chất vàng ươm, đặc quánh chảy xuống thì sẽ được chuyển sang thùng lọc lắng cặn làm bằng inox rồi chắt ra chai. Phần bã có hình như chiếc bánh đa thu nhỏ được phân loại trong thùng chứa khác và được bán cho nhà vườn bón cho cây ăn quả hoặc chăn nuôi.

Tân Khánh, Bàn Đạt, Tân Kim… là những xã có diện tích trồng lạc lớn của huyện Phú Bình. Nhờ có cơ sở chế biến tinh dầu của chị Viện mà đầu ra cho hàng nông sản như lạc, đỗ, vừng ở địa phương được ổn định hơn. Nhiều người nói vui, vào những ngày mùa thì ở cơ sở chế biến tinh dầu của chị Viện còn đông hơn ở chợ. Bởi người dân không chỉ bán được lạc với giá cao mà còn đến đây để mua hoặc ép lạc của mình lấy tinh dầu. Chị Trương Thị Lan, xã Bàn Đạt: Nhà tôi trồng 5 sào lạc, trước đây chỉ bán với giá 10 nghìn đồng/kg lạc củ tươi, nay lúc nào cũng bán được từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Không những thế, tôi còn mang lạc đến đây ép lấy tinh dầu để phục vụ bữa ăn hàng ngày cho gia đình.

Trung bình từ 2,3-2,5 kg lạc nhân ép được 1 lít dầu, với khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg lạc nhân, chị giao bán 80.000 đồng/lít. Chị cho biết, mình mới làm nên chỉ bán hòa vốn để quảng bá sản phẩm. Nhờ giữ uy tín, chất lượng, người này giới thiệu người kia nên khách đến với gia đình ngày càng đông. Hiện, sản phẩm dầu lạc được tiêu thụ trên thị trường ở Thái Nguyên, Ninh Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang… Tuy vậy, sản phẩm của chị hiện nay chủ yếu được tiêu thụ qua người quen chứ chưa được đăng ký nhãn hiệu sản phẩm để đưa ra thị trường. Chị mong muốn, sớm được các cơ quan chuyên môn  xem xét thủ tục để sản phẩm tinh dầu của chị nhanh chóng được đưa tiêu thụ rộng rãi.

Chị Viện cũng cho biết: Máy ép này, ngoài ép lạc còn ép được cả vừng, đỗ, dừa. Nhưng với đỗ, vừng vì ít tinh dầu hơn nên giá thành 1 lít tinh dầu cũng đắt hơn (thường là 120 nghìn đồng /lít với vừng và 170 nghìn đồng/lít với đỗ). Trung bình, mỗi ngày chị ép được 400 lít dầu các loại, cộng với buôn bán lạc, đỗ, vừng… trừ chi phí chị cho thu nhập được trên 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, cơ sở chế biến tinh dầu của chị còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 3 - 4 lao động, với mức thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Thời gian tới, chị Viện cho biết sẽ ở rộng cơ sở sản xuất, nâng cấp máy móc hiện đại hơn và liên kết với người dân trồng lạc để bao tiêu sản phẩm, góp phần giúp nông dân giải quyết đầu ra ổn định cho cây lạc.