Thời tiết bất thường khó khăn cho sản xuất vụ đông

08:12, 13/10/2017

Hơn 10 ngày trở lại đây, diễn biến thời tiết trên địa bàn tỉnh khá phức. Trong một ngày thời tiết vừa mưa, vừa nắng; hoặc có ngày mưa triền miên từ sáng đến tận tối. Hình thái thời tiết này đang gây khó khăn cho thu hoạch lúa vụ mùa và sản xuất vụ đông.

Ông Nguyễn Văn Đào, ở xóm 10, xã Vạn Thọ (Đại Từ) cho hay: Mưa, nắng thất thường ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thu hoạch lúa vụ mùa của chúng tôi. Đồng ruộng ẩm ướt không chỉ khiến cho việc thu hoạch lúa khó khăn mà cả việc tuốt, phơi lúa cũng gặp rất nhiều trở ngại. Trời nắng ráo, hai vợ chồng tôi chỉ cần thuê thêm một nhân công nữa là có thể gặt xong 1 sào lúa trong vòng buổi sáng. Còn khi trời mưa, thời gian thu hoạch 1 sào lúa bị đẩy lên gần gấp đôi. Chúng tôi tuốt lúa xong mang về nhà, lúa tươi không có chỗ phơi mà để trong bao cũng rất dễ bị mọc mầm.

Cùng chúng tôi đi trên những con đường trải đầy rơm ướt sũng nước mưa, ông Đào chốc chốc lại thở dài. Mưa nhiều, ruộng ướt, ông không thể vệ sinh được các thửa ruộng để chuẩn bị trồng cây vụ đông. Cũng như ông Đào, bà Ma Thị Hường ở xóm Làng Phan, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) cũng đang rất “nóng ruột”: Mọi năm, thu hoạch lúa mùa xong đến đâu, chúng tôi làm đất trồng cây màu vụ đông đến đó. Năm nay, vụ thu hoạch diễn ra đúng thời điểm trời mưa, thời gian thu hoạch lúa bị chậm; nhiều cánh đồng ngập nước khó làm đất, không thể trồng được cây vì các loại cây trồng vụ đông chỉ phù hợp trồng trên cạn nên thời vụ chắc chắn sẽ bị đẩy lên. Theo khuyến cáo của cán bộ khuyến nông huyện, lịch thời vụ tốt nhất để trồng ngô ở trà sớm và trà trung bắt đầu từ ngày 10 đến 30-9; trà muộn từ ngày 5 đến 15-10. Với các loại cây rau màu, nhất là với su hào và bắp cải, thời điểm xuống giống phù hợp nhất là đầu tháng 10 để vụ thu hoạch kịp cung cấp rau xanh cho thị trường dịp Tết Nguyên đán. Do đó, chúng tôi rất lo lắng nhiều loại cây rau màu sẽ quá thời vụ trồng tốt nhất, dẫn tới năng suất cây trồng và hiệu quả kinh tế đạt được không cao.

Không chỉ ông Đào, bà Hường mà rất nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đang “đứng ngồi không yên” trước hình thái thời tiết bất lợi như những ngày qua. Được biết, theo kế hoạch, năm nay nông dân trong tỉnh sẽ gieo trồng trên 15.500ha cây màu các loại. Đến nay, chỉ có diện tích trồng ngô là hoàn thành đạt khoảng 70% trong tổng số 5.800ha kế hoạch. Tuy nhiên, diện tích trồng ngô này phần lớn là trồng ở đất soi, bãi hoặc những địa phương thu hoạch lúa sớm (khoảng đầu tháng 9) như Võ Nhai, Phú Bình và T.X Phổ Yên… Còn các loại cây trồng khác như khoai lang, mới hoàn thành 1.000ha/2.500ha kế hoạch; rau các loại hoàn thành gần 3.000ha/6.500ha; khoai tây hoàn thành 20/500ha…

Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Diễn biến thời tiết bất thường đã khiến cho sản xuất vụ đông năm nay gặp khó khăn hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, ông Dũng khuyến cáo nông dân không nên quá lo lắng vì thời vụ sản xuất cây trồng vụ đông hiện vẫn còn. Thời vụ trồng cây ngô vẫn có thể kéo dài đến ngày 15-10 hoặc có thể muộn hơn vài ngày nên ngay khi bão tan, mưa tạnh, bà con có thể trồng ngô bằng bầu và dùng các giống ngắn ngày để cho kịp thời vụ. Đối với các loại rau xanh, thời vụ dù có được đẩy lên nhưng nếu chăm sóc tốt vẫn cho thu hoạch đúng thời điểm mong muốn. Riêng với cây khoai tây, thời vụ trồng còn có thể kéo dài đến tận tháng 11 nên thời gian xuống giống trong khung thời vụ còn khá dài…

Như vậy, ngay sau khi mưa tạnh, các hộ nông dân tập trung nhân lực đẩy nhanh tiến độ gieo trồng thì vụ đông vẫn có thể hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. Tuy vậy, bên cạnh việc đảm bảo gieo trồng trong khung thời vụ, để nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả cây trồng vụ đông, nông dân cần sử dụng các loại giống cây trồng cho năng suất, chất lượng cao, có sức chống chịu sâu bệnh và chịu rét tốt. Nhất là các giống rau, nên chọn các giống mới, có giá trị kinh tế cao và thị trường ưa chuộng để có hợp đồng tiêu thụ như nấm ăn, dưa chuột bao tử, khoai tây, ngô rau, bí xanh, bí đỏ, hành, tỏi, ớt…

Một yêu cầu quan trọng nữa là nông dân cần trồng, chăm sóc cây màu vụ đông đúng kỹ thuật. Ông Nguyễn Tá, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Khi xuống giống ngô, bà con nên đảm bảo mật độ gieo, khoảng cách trồng hợp lý; tăng cường thâm canh và bón phân cân đối, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh; vệ sinh thu gom, tiêu hủy các tàn dư thực vật có mầm bệnh trên diện tích canh tác trước; thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời sâu bệnh hại để phòng trừ hiệu quả. Đối với các loại cây rau màu, nông dân nên mở rộng diện tích sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) để tạo ra nguồn nông sản an toàn cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh…

Vụ đông năm nay được đánh giá là diễn ra trong điều kiện thời tiết khó khăn, tuy nhiên, với sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng; sự nỗ lực của người dân, chúng tôi tin rằng, diện tích và sản lượng cây trồng vụ này vẫn hoàn thành kế hoạch đề ra.