Có nên giữ lại các hợp tác xã dịch vụ điện không hiệu quả?

09:16, 30/11/2017

Thời gian qua, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã tiếp quản nhiều hợp tác xã (HTX) dịch vụ điện không hiệu quả trên địa bàn. Và thực tế, sau khi bàn giao về ngành Điện, không chỉ người dân được sử dụng nguồn điện chất lượng, giá theo quy định mà những tồn đọng của các HTX cũng được giải quyết. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 20 HTX dịch vụ điện, trong đó phần lớn gặp khó khăn nhưng chưa bàn giao cho Công ty Điện lực Thái Nguyên quản lý. Vậy, nguyên nhân do đâu?

Những bất hợp lý

Tình trạng các HTX dịch vụ điện còn nợ nần chưa thể thanh toán tiền vay đang chiếm số đông. HTX dịch vụ điện Hải Bình là một trường hợp điển hình. HTX này đi vào hoạt động từ tháng 6-2015, quản lý 6 trạm biến áp tại xã La Hiên (Võ Nhai) và cung cấp điện cho khoảng 1.400 hộ dân trong xã. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc HTX, đơn vị hiện đang nợ khoảng 3 tỷ đồng từ Dự án năng lượng nông thôn II (REII) mở rộng. Do tiếp tục phải đầu tư cải tạo đường dây tại một số khu vực đã xuống cấp nên việc trả nợ của HTX đang gặp nhiều khó khăn. Tương tự, HTX dịch vụ điện Nhã Lộng (Phú Bình) cũng đang nợ trên 3 tỷ đồng từ Dự án REII. Từ năm 2014, HTX bắt đầu trả gốc và lãi của Dự án này. Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc HTX thì năm nay đơn vị phải trả lãi 213 triệu đồng, Sở Tài chính đã thông báo hạn nộp là ngày 15-10-2017, tuy nhiên đến cuối tháng 10, HTX mới trả được 113 triệu đồng. Việc trả lãi và gốc vay đối với HTX là cả một vấn đề vì thực tế việc thu chi đang mất cân đối. Một trường hợp khác là HTX Dịch vụ điện Phúc Chu (Định Hóa) cũng đang nợ Dự án REII từ năm 2016 đến nay chưa trả được. Còn tại huyện Võ Nhai, ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện cũng thông tin, ở địa phương ông cũng có một HTX dịch vụ điện hoạt động, nhưng có thời điểm vì nợ nần chưa trả nổi, giám đốc HTX phải trốn đi nơi khác một thời gian.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Khương, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho biết, qua giám sát thực tế cho thấy, giá bán điện ở các HTX thường cao trong khi chất lượng điện thấp. Các trạm biến áp do các HTX quản lý thường bị quá tải, xuống cấp, không được đầu tư mới. Chị Trần Thị Thu, xóm Soi, xã Nhã Lộng chia sẻ, công tơ do HTX Nhã Lộng (Phú Bình) lắp đặt có vấn đề, luôn tăng hơn bình thường khoảng 100.000 đồng/tháng. Sau khi gia đình thắc mắc HTX điều chỉnh lại công tơ thì lượng điện tiêu thụ liền trở về mức bình thường. Còn anh Dương Văn Phượng, xóm đồng Vạn, xã Đồng Liên (T.P Thái Nguyên) luôn kêu ca vì thường xuyên bị mất điện khi sử dụng điện của HTX dịch vụ điện Đồng Liên. Có tháng mất tới 5, 6 lần mà không được thông báo trước. Ở một số HTX khác, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, xa, khó khăn của tỉnh, vào giờ cao điểm, điện rất yếu, không đảm bảo cho sinh hoạt và sản xuất của người dân. Nguyên nhân thường thấy là do đường dây đầu tư từ lâu giờ đã cũ nát, hơn nữa dân cư thưa thớt, nhiều cây cối làm hao hụt điện năng...

Các bên đều chần chừ

Hiện tại, có một thực tế là chủ HTX không muốn bàn giao cho ngành Điện quản lý, trong khi không phải HTX nào ngành Điện cũng tiếp nhận bàn giao. Ông Triệu Đình Phán, Giám đốc HTX dịch vụ điện Phúc Chu (Định Hóa) phân bua, nếu buộc phải bàn giao, HTX không biết lấy nguồn nào để trả nợ vốn vay đã thực hiện Dự án REII. Hơn nữa, HTX cũng có những đầu tư nhất định vào hạ tầng lưới điện, nếu bàn giao chúng tôi coi như bị mất trắng. Lãnh đạo Sở Công Thương và các địa phương có HTX dịch vụ điện đều cho rằng, cần phải bàn giao các HTX điện cho ngành Điện quản lý để “giải cứu” cả người dùng điện và người cung cấp dịch vụ điện. Phó Giám đốc Sở Công Thương, ông Nghiêm Xuân Nguyên cho biết, trong quy định không bắt buộc các HTX dịch vụ điện phải bàn giao cho ngành Điện mà trên cơ sở tự nguyện. Tuy nhiên, trước thực tế các HTX hoạt động không mấy hiệu quả, cần phải sắp xếp lại theo hướng giao về cho Công ty Điện lực quản lý là phù hợp.

Tuy vậy, theo ông Đinh Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên, trước đây các HTX không bị buộc phải trả nợ vay vốn REII, nên còn duy trì hoạt động, nhưng 2 năm trở lại đây ngân hàng yêu cầu trả cả gốc và lãi thì thật sự gặp khó khăn. Các HTX khi có ý định bàn giao đều đưa ra điều kiện là đơn vị tiếp nhận phải có trách nhiệm trả nợ vay cho HTX từ năm 2012 đến nay. Điều này là không thể vì Điện lực Thái Nguyên cũng là doanh nghiệp, hạch toán kinh doanh nên không tiếp nhận khoản nợ trước đó của các HTX được. Hơn nữa, hầu hết các HTX đều không lưu giữ được các hóa đơn, chứng từ gốc nên rất khó cho việc tiếp nhận.

Còn phía đại diện Liên minh HTX tỉnh cũng không đồng tình bàn giao các HTX dịch vụ điện cho ngành Điện với lý do, các HTX này vẫn có thể duy trì hoạt động, có đơn vị đang hoạt động tốt.

Cần rà soát, sắp xếp phù hợp

Ông Bùi Văn Lương, Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên cho rằng, cần tiến hành thanh, kiểm tra toàn diện quá trình hoạt động của các HTX dịch vụ điện, từ đó xem xét quá trình sử dụng nguồn vốn, khả năng chi trả và năng lực đầu tư, vận hành dịch vụ điện của từng HTX mới có hướng xử lý.

Do việc bàn giao HTX là tự nguyện nên việc sắp xếp đang gặp vướng mắc. Theo thông tin từ Công ty Điện lực Thái Nguyên, có trường hợp đơn vị đã phải thực hiện phương án “hạ sách” là kéo đường điện chạy song song với đường điện có sẵn của HTX, người dân thấy nguồn nào tốt hơn thì dùng nguồn đó. Và thực tế, người dân đã quay sang sử dụng điện của ngành Điện nhiều hơn bởi bản chất của các HTX dịch vụ điện là thu giá cao hơn bình thường để lấy chênh lệch lo trả lãi ngân hàng. Ông Đinh Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên đề xuất, nếu các HTX kinh doanh tuân thủ các quy định như ngành Điện, có hóa đơn, chứng từ đầy đủ, có tái đầu tư thường xuyên thì không nhất thiết phải bàn giao. Tuy nhiên, các HTX dịch vụ điện của tỉnh hiện không đáp ứng được đủ các yêu cầu này.

Về vấn đề này, đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, năm 2016 tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra và thống nhất giữ lại 20 HTX dịch vụ điện nói trên, nhưng yêu cầu các HTX này cam kết phải duy trì hoạt động hiệu quả, đúng quy định. Tuy nhiên, hiện nay qua giám sát của HĐND tỉnh và ý kiến của cử tri cho thấy, các HTX trên hoạt động chưa hiệu quả, nên tỉnh sẽ tiến hành rà soát lại lần nữa, nếu HTX nào không đạt theo yêu cầu đề ra thì tiến hành bàn giao cho ngành Điện. Đồng chí cũng đề nghị Công ty Điện lực Thái Nguyên ủng hộ, linh hoạt trong giải quyết các thủ tục tiếp nhận…