Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 32.000 tín đồ, sinh sống trên 9 huyện, thành phố, thị xã, trong đó tập trung chủ yếu ở thành phố Thái Nguyên, các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ và Phú Bình. Toàn tỉnh có 9 giáo xứ, 54 giáo họ, 49 nhà thờ, nhà nguyện. Những năm qua, đồng bào công giáo trong tỉnh đã đoàn kết, cùng nhau vươn lên phát triển kinh tế.
Một trong những tấm gương người công giáo tiêu biểu, luôn đi đầu trong phát triển kinh tế ở địa phương phải kể đến là ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng xóm Náng, xã Nhã Lộng (Giáo xứ Phú Bình, huyện Phú Bình). Là người năng động, từ nhiều năm nay, ông Thịnh phát triển kinh tế gia đình theo hướng đa dạng từ kinh doanh dịch vụ đến trồng trọt, chăn nuôi... Hiện nay, ông đang nuôi 2 con lợn nái và 2 con bò đực giống lai Sind để cung cấp giống lợn và tinh bò cho bà con. Ngoài ra, mỗi năm, ông còn sản xuất khoảng 6 sào rau chuyên canh, nuôi cá trên diện tích 2.000m2 và phát triển dịch vụ vận tải... Nhờ đó, thu nhập của gia đình ông đạt khoảng 200 triệu đồng/năm, đã trừ chi phí. Ông cho biết: Niềm vui lớn nhất không phải vì tôi có thu nhập ổn định suốt hơn 10 năm qua mà là ở chỗ khi kinh tế vững vàng, tôi có điều kiện để giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Tôi không giúp họ bằng tiền bạc hay thóc gạo mà tôi giúp họ có việc làm ổn định. Hiện tại, gia đình tôi đang tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động có hoàn cảnh khó khăn trong xã với mức thu nhập khoảng 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự như ông Thịnh, ông Nguyễn Văn Khoa, trưởng xóm Tranh, xã Tân Khánh (Phú Bình) cũng là một giáo dân mạnh dạn trong phát triển kinh tế gia đình. Từ phát triển mô hình trang trại tổng hợp, mỗi năm, trừ chi phí, ông thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Có kinh nghiệm trong đầu tư chăn nuôi, ông không giữ cho riêng mình mà mang truyền lại cho bà con trong vùng cùng làm theo. Đặc biệt, những năm qua, gia đình ông đã giúp đỡ 10 hộ khó khăn trong xóm về giống, vốn, kỹ thuật chăn nuôi và mua máy móc phục vụ nông nghiệp; hiến 1.000 m2 đất cho xóm xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Giáo dân Lại Ngọc Quang, Giám đốc Hợp tác xã Công nghiệp và Thương mại Thủy Tiên Thành (Giáo xứ Phú Lương) là một tấm gương về sự nỗ lực vượt khó. Luôn trăn trở để tìm đầu ra cho sản phẩm chè Phú Lương, giáo dân Lại Ngọc Quang đã đứng ra kêu gọi để thành lập Hợp tác xã. Khởi đầu đầy khó khăn, nhưng trong vai trò của người đứng mũi chịu sào, ông Quang đã tìm được hướng đi đúng cho Hợp tác xã, tạo được việc làm ổn định, thu nhập khá cho gia đình các xã viên, người lao động. Năm 2015, sản phẩm Kim Mai Trà của Hợp tác xã đã được Báo Người tiêu dùng bình chọn trong top 100 sản phẩm hàng đầu Việt Nam; được UBND tỉnh Thái Nguyên trao giải Nhì Búp chè vàng tại Festival trà Thái Nguyên lần thứ ba.
Hay như ở Giáo xứ Đại Từ, chị Đoàn Thị Thúy không chỉ là một giáo dân gương mẫu mà còn là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, Tổ trưởng tổ rau an toàn xóm Xuân Đài, thị trấn Hùng Sơn được mọi người tin yêu. Cùng với việc mạnh dạn trồng rau chuyên canh trên 9 sào đất và đạt thu nhập 100 triệu đồng/năm, chị Thúy đã trăn trở, tìm kiếm thị trường tiêu thụ để bao tiêu sản phẩm rau an toàn cho các hộ dân trong xóm.
Hoặc như ông Chu Văn Đoàn, Ủy viên Ủy ban MTTQ xã Hà Thượng (Đại Từ) cũng là một người năng động trong phát triển kinh tế gia đình. Từ việc phát triển mô hình chăn nuôi lợn thịt, mỗi lứa khoảng 7 đến 10 con, một năm 3 lứa; chăn nuôi trên 100 con gà thả vườn/năm và nuôi chim bồ câu Pháp để bán con giống và thịt thương phẩm; trồng trên 2.000 m2 chè; 150 gốc thanh long, ông đã có tích lũy và mua được 1 chiếc xe ô tô vận tải chuyên chở nguyên vật liệu cho Công ty TNHH khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo. Đi đầu trong phát triển kinh tế ở địa phương, từ năm 2010 đến nay, gia đình ông luôn được UBND huyện Đại Từ công nhận là gia đình sản xuất kinh doanh giỏi.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, các giáo dân nêu trên chỉ là số ít trong hàng trăm hộ dân người đồng bào công giáo luôn năng động trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Theo ông Nguyễn Kim Huỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban đoàn kết công giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, khoảng 10 năm trở lại đây, đời sống của đồng bào giáo dân đã được cải thiện rõ rệt. Nhiều hộ đã trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Đạt được kết quả này là do bà con có ý chí vươn lên, luôn cần cù, chịu khó, biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế gia đình.
Bên cạnh đó thì việc tích cực thi đua lao động sản xuất, chủ động nghiên cứu, học hỏi, tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn về khoa học, kỹ thuật và mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học, những phương thức mới vào trong lao động, sản xuất, kinh doanh để đem lại năng suất, thu nhập cao cũng là một trong những đòn bẩy thúc đẩy các gia đình giáo dân vươn lên trở thành hộ khá, giàu.
Đời sống kinh tế ngày một nâng cao, đồng bào công giáo trong tỉnh đã có điều kiện để tham gia đóng góp tiền của phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần dựng xây quê hương ngày càng khởi sắc, giàu đẹp hơn.