Nếu như vào thời điểm cuối năm 2014, dư nợ bình quân/khách hàng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh huyện Võ Nhai chỉ là 67 triệu đồng, thì nay, con số này đã đạt 116 triệu đồng/khách hàng. Có nhiều yếu tố quan trọng đã tác động để có được kết quả này và qua đó cũng cho thấy tình hình phát triển kinh tế - xã hội của người dân nơi đây đang có nhiều chuyển biến tích cực.
Tính đến giữa tháng 11, tổng nguồn vốn huy động của Agribank Võ Nhai đạt 530 tỷ đồng, tăng 19%; dư nợ cho vay đạt 470 tỷ đồng, tăng 23% (so với cuối năm 2016). Theo ông Bùi Trung Dũng, Giám đốc Agribank Võ Nhai, đây là năm Chi nhánh có mức tăng trưởng cao và về cơ bản, các chỉ tiêu đã hoàn thành kế hoạch cả năm. Có nhiều yếu tố đã tác động để có được kết quả này, trong đó không thể không nhắc tới đó là hiệu quả của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và việc triển khai cho vay theo tổ.
Cụ thể, đối với Nghị định số 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (thay thế Nghị định số 41) đã nâng mức cho vay tối đa đối với cá nhân, hộ gia đình từ 50 triệu đồng không cần tài sản đảm bảo lên 100 triệu đồng; nâng từ 200 lên 300 triệu đồng (đối với hộ kinh doanh) và từ 500 triệu lên 1 tỷ đồng (đối với hợp tác xã, chủ trang trại). Với việc nâng mức cho vay này, người vay có cơ hội nhiều hơn trong việc tiếp cận và sử dụng nguồn vốn, còn ngân hàng thì có điều kiện để tăng trưởng dư nợ tín dụng. Còn đối với việc triển khai cho vay qua tổ liên kết thông qua Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ, người vay được đơn giản hóa nhiều công đoạn, từ thủ tục vay đến việc được giải ngân, trả nợ, trả lãi hàng tháng. Theo đó, khi người vay có nhu cầu về vốn, chỉ cần thông báo với tổ trưởng tổ vay vốn của xóm là sẽ có cán bộ Ngân hàng đến thẩm định. Đối với việc trả lãi hàng tháng, thay vì phải ra tận trụ sở chi nhánh ở trung tâm huyện hoặc Phòng giao dịch tại xã La Hiên, thì 1 năm trở lại đây, người vay có thể trả ngay tại UBND xã vào 1 ngày ngân hàng thực hiện giao dịch cố định. Sự thuận tiện này đã tạo ra động lực để nhiều người dân, nhất là ở các xã xa trung tâm huyện có điều kiện và mạnh dạn hơn trong việc vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh.
Ngoài ra, theo ông Bùi Trung Dũng, với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện khoảng 3 năm trở lại đây ngày càng có nhiều khởi sắc cũng đã tác động tích cực đến việc huy động, cho vay cũng như các dịch vụ có liên quan, như mở thẻ ATM, chuyển tiền, chuyển khoản… của Chi nhánh. Trên địa bàn huyện ngày càng hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là vùng trồng na ở xã La Hiên, Phú Thượng, Dân Tiến; trồng cam Vinh, bưởi Diễn, bưởi Hoàng, bưởi Da xanh ở xã Tràng Xá; trồng ổi, quýt, nhãn ở xã Phú Thượng… Cùng với đó, hàng nghìn người dân được tuyển dụng vào làm công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh với mức thu nhập ổn định…
Chỉ tính riêng 10 tháng qua, Chi nhánh đã phát hành hơn 1 nghìn thẻ ATM, nâng tổng số thẻ phát hành của Chi nhánh lên gần 8,9 nghìn thẻ, tăng hơn 3,3 nghìn thẻ so với cuối năm 2014. Cũng do có sự khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội nên dư nợ cho vay tiêu dùng của Agribank Võ Nhai ngày càng tăng đáng kể, từ 28 tỷ đồng, với 429 khách hàng (cuối năm 2016) lên 42 tỷ đồng, với 520 khách hàng, chiếm 9% tổng dư nợ (hiện nay). Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu luôn được kiểm soát ở mức thấp nhất, hiện chỉ chiếm gần 0,36%.
Có thể nói, với đặc thù của một huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, nông, lâm nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế; thu nhập bình quân đầu người thấp; thu ngân sách hàng năm chỉ đạt trên dưới 28-30 tỷ đồng (bằng 1 tuần thu của T.P Thái Nguyên)… thì với các chỉ tiêu tăng trưởng mà Agribank Võ Nhai đạt được trong năm 2017 được xem là một nỗ lực rất lớn và cũng phần nào cho thấy sự khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội của người dân nơi đây.
Bà Phạm Thị Bích Quyên, xóm Hiên Minh, xã La Hiên chia sẻ: Nếu không có sự đồng hành của Agribank Võ Nhai, vợ chồng tôi sẽ không thể có được mô hình kinh tế như ngày hôm nay. Vào thời điểm trước năm 2016, nhận thấy giá lợn giống luôn ở mức cao, nên cùng với số vốn của gia đình, vợ chồng tôi đã vay 500 triệu đồng của Agribank huyện để đầu tư nuôi 50 con lợn nái ngoại. Nhưng không may, đúng vào dịp lứa lợn đầu tiên được xuất bán thì giá giảm thê thảm. Lúc đó, nếu bán lợn giống, mỗi con sẽ lỗ từ 400.000-500.000 đồng, còn nếu để nuôi, số lỗ sẽ đỡ hơn. Vì thế, nhà tôi quyết định vay thêm ngân hàng 500 triệu đồng nữa. Vào thời điểm đó, mặc dù ngân hàng không khuyến khích đầu tư vào nuôi lợn, nhưng với những khách hàng như chúng tôi, vẫn tiếp tục được đồng hành. Hôm chúng tôi đến, cũng là hôm vợ chồng chị Quyên xuất lứa lợn thịt thứ ba kể từ ngày nuôi lợn nái ngoại. Chị bảo: Do nuôi theo tiêu chuẩn VietGap nên giá bán được 30.000 đồng/kg thịt hơi, cao hơn 2 giá so với nuôi thông thường. Với mức giá này, cơ bản người nuôi hòa vốn. Dù thế, thì với người chăn nuôi hiện giờ cũng đã “dễ thở” hơn cách đây khoảng 6-7 tháng. Ngoài nuôi lợn, hiện gia đình chị Quyên còn có 1.000 gốc cam trên dưới 3 năm tuổi, 350 gốc ổi gần 10 năm tuổi. Dự ước năm 2017, cây ăn quả sẽ cho thu nhập khoảng trên 200 triệu đồng. Chị Quyên mộc mạc bảo: Vốn làm ăn của người nông dân cơ bản chỉ có đất và sức lao động. Để nghĩ đến chuyện làm giàu thì bao năm nay, Agribank luôn được xem là chỗ dựa của những gia đình nông dân như chúng tôi.
Tuy vậy, có một khó khăn mà hiện cả doanh nghiệp và người dân không chỉ riêng Võ Nhai gặp phải, mà là thực trạng chung của cả tỉnh đó là việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất vẫn chưa được các cấp, ngành từ tỉnh tới huyện quan tâm thực hiện, khiến việc tiếp cận với nguồn vốn vay của ngân hàng bị hạn chế rất nhiều. Bản thân các tổ chức tín dụng cũng vì thế mà khó khăn hơn trong tăng trưởng tín dụng. Thực tế này đã kéo dài từ nhiều năm nay, cũng đã được kiến nghị với UBND tỉnh nhiều lần. Và đây tiếp tục là mong muốn của nhiều người dân, doanh nghiệp cũng như lãnh đạo Agribank Chi nhánh huyện Võ Nhai.