Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Giải pháp nào phát huy hiệu quả?

09:06, 10/11/2017

Nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giải quyết khó khăn, vướng mắc về vốn bằng cách cấp bảo lãnh để từ đó DN có thể vay vốn tại các ngân hàng, ngày 1-9-2015, UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, đến nay Quỹ mới thực hiện bảo lãnh được cho 1 DN. Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này và giải pháp được đưa ra là gì?

Theo ông Vũ Duy Nghĩa, Giám đốc Quỹ phát triển đất kiêm Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV (Quỹ bảo lãnh tín dụng) của tỉnh thì có nhiều nguyên nhân khiến các DN khó được Quỹ đứng ra bảo lãnh, trong đó quan trọng nhất là không có hoặc không còn tài sản bảo đảm. Bởi theo quy định, một trong những điều kiện bắt buộc để DN được bảo lãnh là phải có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng (ngân hàng) tối thiểu là 15% giá trị khoản vay và có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất. Trên thực tế, nếu DN đáp ứng được những điều kiện này thì cơ bản đã được các ngân hàng cho vay vốn, chứ không cần tìm đến Quỹ để rồi phải trả thêm khoản phí 0,8%/năm cho Quỹ, trong khi vẫn phải chịu mức lãi suất thông thường của ngân hàng...

Không những thế, thủ tục bảo lãnh cũng phức tạp hơn, bởi DN phải chịu 2 lần thẩm định, một là của Quỹ bảo lãnh, một là của ngân hàng. Còn về phía Quỹ, trong trường hợp DN không có khả năng trả nợ ngân hàng thì Quỹ phải có trách nhiệm đứng ra trả thay, vì thế có thể nói mọi rủi ro đều thuộc về Quỹ (trong khi số tiền 0,8%/năm/số tiền được bảo lãnh mà DN trả phí cho Quỹ thì có tới 0,75% được trích dự phòng rủi ro/số dư bảo lãnh). Vì thế, việc thẩm định bảo lãnh của Quỹ đối với DN buộc phải thực hiện theo đúng các quy định được Chính phủ đưa ra, mặc dù các bên liên quan đều nhận thấy những bất cập trong vấn đề này...

Để góp phần giải quyết những khó khăn trong hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng, đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ, ngày 8-11-2017, Quỹ phát triển đất của tỉnh đã phối hợp với Hiệp hội DNNVV tỉnh tổ chức Hội nghị trao đổi về những nội dung có liên quan. Rất nhiều ý kiến tâm huyết từ đại diện một số sở, ngành; Hiệp hội DNNVV tỉnh, hội DN và đại diện DN của các huyện, thành thị được đưa ra. Cơ bản các ý kiến đều thống nhất cho rằng, trong khi Quỹ bảo lãnh tín dụng được thành lập là nhằm giúp DN giải quyết khó khăn về vốn thì cần thiết phải hạ thậm chí là bỏ tỷ lệ % quy định về tài sản bảo đảm của DN, mà chỉ cần DN đó có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn, thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, người lao động. Tỉnh cần dành 1 phần ngân sách để hỗ trợ lãi suất cho DN, sao cho mức vay thông qua bảo lãnh của Quỹ bằng hoặc thấp hơn mức lãi suất cho vay thông thường của ngân hàng. Việc thẩm định hồ sơ chỉ cần thực hiện 1 lần. Xây dựng quy chế phối hợp giữa Quỹ bảo lãnh với Hiệp hội DNNVV của tỉnh vì không ai khác, Hiệp hội mới là người nắm rõ nhất “sức khỏe” của từng DN thành viên.

Ông Trần Văn Ba, Giám đốc HTX Miến Việt Cường (Đồng Hỷ) chia sẻ: Hiện, sản phẩm miến của HTX đã có mặt ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước vì đã được bày bán tại một số siêu thị lớn như BigC, Coopmart… Vì thế, chỉ cần 1 lần nhập hàng của 1 siêu thị của HTX đã lên tới nửa tỷ đồng. Theo thỏa thuận, bên mua sẽ được nợ lại bên bán cho tới lần nhập hàng kế tiếp, thậm chí là lâu hơn. Ngoài ra, nguồn vốn của HTX còn nằm lại ở nhiều bạn hàng khác. Trong khi xuất phát điểm của HTX chỉ là hộ sản xuất nông nghiệp, vốn liếng không nhiều, lại phải đầu tư nhiều máy móc, thiết bị… nên khi muốn mở rộng sản xuất, chúng tôi thực sự rất khó khăn về vốn. Nếu bảo cần tài sản bảo đảm, HTX sẽ không thể đủ điều kiện. Chúng tôi mong, Quỹ sẽ là cầu nối để giải quyết khó khăn này.

Còn theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh, Phó Chủ tịch Hội DNNVV T.X Phổ Yên, Giám đốc Công ty TNHH Cường Đại, thì chưa có nhiều DN trên địa bàn biết đến hoạt động của Quỹ. Tuy nhiên, nếu có biết thì với những điều kiện ngặt nghèo như lâu nay, DN cũng khó có thể được bảo lãnh. Đồng tình với quan điểm này, ông Lương Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh, Giám đốc Công ty CP Thương mại - Du lịch Khánh Thịnh (T.P Thái Nguyên) ví von: Có người bảo rằng Quỹ tuy mới “nở” nhưng đã sắp tàn. Đồng thời đề nghị, cần phải nâng cao hơn nữa trình độ thẩm định của cán bộ Quỹ bảo lãnh tín dụng để việc thẩm định của Quỹ có thể được ngân hàng chấp nhận, mà không cần phải thẩm định lại. Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, thành viên Quản lý Quỹ cho rằng: Khi đã có quy định ngân hàng tham gia vào việc thẩm định hồ sơ xin bảo lãnh/vay của DN thì tại sao lại không có phần trách nhiệm của ngân hàng trong trường hợp DN xảy ra rủi ro, mà Quỹ lại phải chịu toàn bộ?

Theo ông Đoàn Minh Trí, Phó Giám đốc Công ty Xây dựng Hoàng Hải (thuộc Hiệp hội DN tỉnh) - đơn vị duy nhất tiếp cận được với nguồn Quỹ này cho biết: Đúng là các điều kiện để được bảo lãnh của Quỹ rất khắt khe, nhưng thực tế không phải là không có “cửa” cho DN. DN chúng tôi hiện đã 2 lần được nhận bảo lãnh từ Quỹ. Để có được điều này, chúng tôi đã minh chứng được sự minh bạch trong hoạt động của DN, đồng thời có đầy đủ căn cứ cho thấy ngân sách nhà nước của tỉnh đang còn nợ tiền DN nhiều hơn số tiền chúng tôi xin bảo lãnh và sẽ được trả trong thời gian tới. Chúng tôi mong muốn, tỉnh sẽ bố trí thêm nguồn vốn cho Quỹ để DN được bảo lãnh với số tiền nhiều hơn. Vì theo quy định, mỗi DN chỉ được bảo lãnh tối đa 15% vốn chủ sở hữu của Quỹ, trong khi Quỹ hiện mới có 30 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi DN chỉ được bảo lãnh nhiều nhất 4,5 tỷ đồng. Nếu số vốn được nâng lên 100 tỷ đồng như theo Quyết định của UBND tỉnh, thì chúng tôi có thể được bảo lãnh tối đa là 15 tỷ đồng.

Là đơn vị tín dụng duy nhất trên địa bàn đã thực hiện cho vay theo sự bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh, ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), Chi nhánh Thái Nguyên cam kết: Để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN, cũng là cách để Chi nhánh tăng cường phối hợp với Quỹ, các khoản vay của DN được bảo lãnh đã và sẽ tiếp tục được giảm 0,8% so với lãi suất cho vay thông thường để DN sau khi phải trả phí cho Quỹ sẽ không phải chịu lãi suất cao hơn. Ngoài ra, trong quá trình Quỹ tiến hành thẩm định, ngân hàng sẽ cử người phối hợp cùng tham gia để DN không phải chịu 2 lần thẩm định.

Với tư cách là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cũng là Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, đồng chí Nhữ Văn Tâm khẳng định: Tỉnh sẽ tiếp tục có những đề xuất với Bộ, ngành Trung ương để có sự điều chỉnh những quy định, điều kiện bất hợp lý, trên tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho DNNVV, nhất là về tài sản bảo đảm và lãi suất. Cùng với đó, đồng chí cũng yêu cầu Sở Tài chính sớm tham mưu cho UBND tỉnh cấp đủ 100 tỷ đồng vốn điều lệ cho Quỹ. Đối với Quỹ Bão lãnh tín dụng, cần tăng cường hơn nữa việc gặp gỡ trao đổi, đối thoại với DN để kịp thời lắng nghe, giải quyết vướng mắc cho DN, sao cho các DN trên địa bàn tỉnh không chỉ tăng nhanh về số lượng mà còn phát triển về quy mô, qua đó giải quyết việc làm cho người dân, đóng góp vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.