Chăn nuôi đang đóng vai trò ngày càng quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn hơn trong cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Để phát huy vai trò của lĩnh vực này trong nền kinh tế thị trường nói chung thì việc ứng dụng công nghệ cao, đưa các tiến bộ kỹ thuật nhằm thâm canh tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm là hết sức cần thiết.
“Ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ cao vào chăn nuôi tuy đầu tư ban đầu lớn nhưng bù lại hiệu quả kinh tế cao và ít rủi ro hơn nhiều” - đó là kinh nghiệm đúc rút từ thực tế của ông Trần Văn Khách, ở xóm Cua 2, thị trấn Quân Chu (Đại Từ). Năm 2012, gia đình ông Khách bắt đầu xây dựng trang trại nuôi lợn thịt gia công cho Công ty cổ phần CP Việt Nam. Quy mô đầu tư ban đầu gần 5 tỷ đồng trên diện tích gần 1ha.
Ông Khách nói: “Khác với những trang trại trên địa bàn lúc bấy giờ, dù phải vay ngân hàng đến quá nửa nhưng tôi xác định phải làm hạ tầng bài bản ngay từ đầu, mọi thiết bị phải là hiện đại nhất”. Đến thăm trang trại của gia đình ông Khách hẳn ai cũng cảm nhận được điều này.
Chỉ cần bước qua cánh cổng trong suốt bằng ni lông là có nhận thấy ngay sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ với bên ngoài môi trường. Khoảng cách từ đầu đến cuối dãy chuồng chừng hơn 200m, chiều ngang 10m, sau cùng là hệ thống quạt hút công suất lớn giúp điều hòa nhiệt độ. Bên trong chuồng có nhiều ô, với hệ thống máng ăn, nước uống hoàn toàn tự động nhằm bảo đảm vệ sinh và không làm đổ, lãng phí thức ăn, nước uống. Tất cả nước rửa chuồng, chất thải được đưa vào hệ thống ống dẫn ra hầm biogas. Khí gas sau đó thu về để cung cấp cho máy phát điện vận hành hệ thống cấp nước, đèn chiếu sáng và làm lạnh. Ông Khách thông tin: Tôi đang nuôi gần 2.000 lợn thịt, nhờ đầu tư bài bản và quan tâm công tác thú y nên từ khi lập trang trại đến nay chưa hề xảy ra dịch bệnh, nhân công sử dụng lại rất ít, chỉ 3-4 người. Hình thức chăn nuôi gia công nên không lo đầu ra, cứ mỗi kg lợn thịt tôi được hưởng 3.500 đồng, không cần biết giá thị trường tăng hay giảm.
Cùng ở xóm Cua 2, gia đình bà Nguyễn Thị Kim đang triển khai dự án trang trại lợn gia công còn lớn hơn nhiều, với quy mô hơn 5ha, lượng lợn nái và thịt mỗi lứa khoảng 2.400 con. Bà Kim cho biết: Dự kiến tổng vốn đầu tư cho trang trại là hơn 20 tỷ đồng. Tuy là một số tiền rất lớn nhưng tôi quyết tâm và xác định mình làm bài bản thì ắt sẽ thành công. Hiện, tôi đã hoàn thành các thủ tục cấp phép, đánh giá tác động môi trường, chỉ chờ huyện Đại Từ giải quyết một số vướng mắc về mặt bằng sẽ khởi công.
Bà Phan Thị Chúc, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Đại Từ cho biết: Khu vực thị trấn Quân Chu và xã Cát Nê nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao của huyện. Ở đây hội tụ các yếu tố thuận lợi như mặt bằng, xa khu dân cư và có sẵn một số mô hình. Với riêng chăn nuôi tập trung, giai đoạn 2010-2015 Đại Từ đã thực hiện chủ trương khuyến khích với việc hỗ trợ 150 triệu đồng/trang trại. Hiện nay, huyện tiếp tục hỗ trợ lãi suất ngân hàng với những mô hình có nhu cầu về vốn.
Ở huyện Phú Bình, các xã: Tân Khánh, Tân Kim, Tân Thành… từ lâu đã hình thành vùng chăn nuôi gà và lợn tập trung. Trong đó, Tân Khánh và Tân Kim nổi tiếng với thương hiệu “Gà đồi Phú Bình”. Tại đây, đã có nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. HTX Đông Thịnh, thuộc xã Tân Khánh là một ví dụ tiêu biểu. Được thành lập từ tháng 10-2014, HTX Đông Thịnh có 15 thành viên với số vốn huy động ban đầu 1,5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc HTX thông tin: Một trong những giải pháp chúng tôi áp dụng nhằm đảm bảo chất lượng gà thịt, hạn chế dịch bệnh và tránh ô nhiễm môi trường là sử dụng men vi sinh. Đây là chế phẩm từ các loại thảo dược được ủ với thức ăn cho đàn gà. Loại men này có tác dụng kích thích tiêu hóa, ổn định vi sinh vật và hạn chế một số bệnh về đường ruột và hô hấp nên gà hấp thụ chất dinh dưỡng tốt. Theo tính toán, sử dụng men sinh học giúp tăng lợi nhuận, đồng thời tiết kiệm thời gian và nhân công vì ít phải dọn vệ sinh chuồng trại hơn.
Những mô hình chăn nuôi ứng dụng khoa học công nghệ như đề cập ở trên sẽ từng bước được nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Theo Quyết định số 2223/QĐ-UBND tháng 7-2017 về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2017-2020 tỉnh ta sẽ hình thành 5 vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 700ha. Đó là các xã: Phượng Tiến (Định Hóa); Tân Khánh, Tân Kim, Tân Thành, Bàn Đạt (Phú Bình); Minh Đức (T.X Phổ Yên); Cát Nê, thị trấn Quân Chu (Đại Từ): Minh Lập, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ). Bên cạnh khuyến khích về vốn, cơ chế chính sách, tỉnh còn hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ cao trong xử lý môi trường. Cụ thể là các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trong vùng quy hoạch khi áp dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến như: Đệm lót sinh học, ép tách phân sản xuất phân hữu cơ, xử lý chất thải trong giết mổ, chế biến... sẽ được hỗ trợ. Mức hỗ trợ một lần bằng 70% chi phí xây dựng nhưng tối đa không quá 500 triệu đồng/công trình xử lý chất thải và 700 triệu đồng/công trình xử lý chất thải có kết hợp sản xuất phân hữu cơ vi sinh.
Người nông dân trong tỉnh rất phấn khởi và hy vọng những cơ chế khuyến khích này sẽ thực sử trở thành “đòn bẩy” giúp chăn nuôi phát triển nhanh hơn và bền vững.