Đưa khoa học kỹ thuật vào trồng trọt

08:17, 13/12/2017

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở Đại Từ liên tục có sự tăng trưởng, năng suất, chất lượng các loại cây trồng từng bước được nâng lên, giá trị sản xuất trên 1ha đất năm sau cao hơn năm trước. Có được điều này là do huyện đã tích cực đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, từ khâu làm đất, chọn giống, đến trồng, chăm sóc và thu hoạch…

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất nấm của Công ty TNHH công nghệ sinh học nấm Phú Gia nằm trên địa bàn thị trấn Hùng Sơn, tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất nấm ở đây mới thấy sự hiện đại trong làm nông nghiệp ngày nay. Cả xưởng nấm rộng trên 25.000m2 với rất nhiều loại nấm và nhiều công đoạn để làm ra được cây nấm thành phẩm, nhưng chúng tôi chỉ thấy có hơn chục nhân công đang làm việc, bởi việc sản xuất ở đây chủ yếu được làm bằng các loại máy móc tự động. Đây là một trong số hiếm các đơn vị tiệm cận nhất với việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.

Bà Trần Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Được thành lập từ năm 2011, ngay từ đầu, Công ty đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến của Đài Loan để ươm tạo giống, nuôi trồng nấm. Ngoài ra, Công ty cũng chuyển giao công nghệ trồng nấm, cung cấp giống, thiết bị phục vụ sản xuất nấm. Hiện nay, Công ty đang áp dụng quy trình sản xuất công nghiệp hiện đại mang tính tự động cao từ công đoạn ươm tạo, nuôi cấy giống đều được thực hiện trong phòng thí nghiệm để sản xuất các loại nấm như: Linh chi, đùi gà, đông cô, hào hương, nấm ngô… với sản lượng khoảng 100 tấn nấm tươi và 400 tấn nấm khô/năm. Các sản phẩm của Công ty chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Riêng năm 2016, doanh thu của Công ty đạt 20 tỷ đồng.

Không riêng mô hình trồng nấm, những năm gần đây, huyện Đại Từ đã đẩy mạnh đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất các loại cây trồng. Đặc biệt là đối với cây chè - cây trồng chủ lực ở địa phương. Hiện nay, với trên 6.300ha, Đại Từ là địa phương có diện tích chè lớn nhất tỉnh, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn đều có chè, nhiều địa phương cây chè là cây trồng xóa đói, giảm nghèo. Vì vậy quá trình thâm canh chè để nâng cao năng suất, chất lượng chè luôn được bà con huyện Đại Từ đặc biệt quan tâm. Những năm gần đây, huyện đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu giống chè, từ chè trung du, huyện đã vận động bà con trồng mới, trồng thay thế bằng các giống chè giâm cành mới như: LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên… Đến nay, toàn huyện có trên 4.000ha chè giống mới, chiếm 63% tổng diện tích chè của huyện, riêng năm 2016 toàn huyện trồng được 500ha chè giống mới. Cùng với đó, huyện cũng xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong phát triển cây chè như sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư hệ thống tưới chè tiết kiệm...

Đối với các loại cây trồng khác cũng đều được bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Lúa, rau, bưởi, nhãn... Nếu như trước đây, hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau là phổ biến mỗi mùa canh tác ở đây thì nay việc làm đất, gieo mạ đã được làm hoàn toàn bằng máy móc, thậm chí khâu thu hoạch cũng được sử dụng máy gặt đập liên hoàn để giảm sức lao động và thời gian thu hoạch. Hầu hết các loại cây trồng đều được bà con lựa chọn giống mới có năng suất, chất lượng và áp dụng cách thức sản xuất tiên tiến.

Ông Hoàng Văn Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở Đại Từ đang tạo ra sự phát triển lớn, giúp cho người nông dân thay đổi hoàn toàn nhận thức về hình thức tổ chức sản xuất, sản xuất theo hướng hàng hóa. Để bà con có thể ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, hằng năm huyện đều tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho người dân như: Tập huấn về quy trình gieo cấy lúa; chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại lúa, màu; kỹ thuật thâm canh bưởi; kỹ thuật sản xuất chè an toàn… Ngoài ra, huyện cũng xây dựng các mô hình điểm để bà con học tập. 

Huyện Đại Từ hiện có gần 20 nghìn ha đất trồng trọt, trong đó đất cấy lúa là trên 6.700ha, các loại rau màu trên 5.600ha, chè là trên 6.300ha. Những năm gần đây, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên hầu hết các loại cây trồng đều nâng cao được năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm. Cụ thể là: Năng suất chè bình quân hiện nay đạt khoảng 115 tạ/ha, tăng so với năm 2015 khoảng 20 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực năm 2016 đạt gần 75.600 tấn, tăng so với năm 2015 gần 5 tấn. Điều quan trọng là giá trị trên 1ha đất trồng trọt không ngừng tăng cao, năm 2016, tính bình quân, giá trị sản phẩm/1ha đất trồng trọt đạt 104,1 triệu đồng, tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2015 và năm 2017, giá trị sản phẩm/1ha đất trồng trọt đạt 107 triệu đồng. Nhờ đó, đời sống người nông dân vì thế cũng từng bước được cải thiện.

Nhằm tạo được bước đột phá trong việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, trong khi diện tích đất không thể tăng lên thì giải pháp then chốt chính là tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt. Nhận thức rõ điều này, huyện Đại Từ đang tập trung quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao đối với các loại cây như: lúa, chè, cây ăn quả, rau màu... Trước mắt, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn trang bị cho nông dân các kiến thức về trồng trọt, triển khai các mô hình sản xuất, trong đó tập trung vào các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, đưa công nghệ mới vào sản xuất.