Góp phần nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chè

09:20, 28/12/2017

Năm 2017, cùng với Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, tỉnh Thái Nguyên đã được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia lựa chọn tham gia Dự án xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Dự án đã đạt hiệu quả bước đầu khả quan.

Dự án nói trên đã được Bộ Nông nghiệp - PTNT phê duyệt giai đoạn 2017-2019. Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp - PTNT) là đơn vị chủ trì thực hiện Dự án trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện Dự án là 36 tháng, với tổng diện tích 600ha chè an toàn (trong đó, tỉnh Thái Nguyên mỗi năm xây dựng 50ha chè, các tỉnh còn lại mỗi năm xây dựng 30ha).

Thực hiện Dự án, yêu cầu đặt ra là mô hình thâm canh chè phải được triển khai trên những nương chè trong thời kỳ kinh doanh; áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: Quy trình quản lý cây trồng tổng hợp sản xuất chè búp tươi an toàn (ICM); quy trình kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; cơ giới hóa sản xuất chè thông qua sử dụng công nghệ tưới phun mưa di động… Do đó, qua khảo sát, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã lựa chọn Hợp tác xã (HTX) chè Thịnh An, ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) tham gia Dự án năm đầu tiên (2017). Không chỉ có lợi thế là vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, nơi đây còn có điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu phù hợp với cây chè. Đặc biệt, sau hơn nửa thế kỷ gắn bó với cây chè, người dân địa phương có nhiều kinh nghiệm quý trong sản xuất, chế biến sản phẩm này. Chị Vũ Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Chè Thịnh An cho biết: Chúng tôi rất vui khi được lựa chọn tham gia Dự án. Tuy vậy, các thành viên HTX cũng rất lo lắng là làm thế nào để đạt được những mục tiêu Dự án đề ra.

Khi bắt tay vào thực hiện Dự án (khoảng 7 tháng trước), HTX gặp rất nhiều khó khăn bởi người làm chè ở thị trấn Sông Cầu đã quen với phương thức canh tác cũ, sản xuất ra thứ họ có, chứ không phải sản xuất ra sản phẩm thị trường cần. Đặc biệt, bà con chưa quen với việc phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè. Vì thế nhiều hộ chưa mặn mà tham gia vào Dự án. Không nản lòng, các thành viên trong Hội đồng quản trị đã tích cực đi tuyên truyền, vận động các hộ dân. Thậm chí, HTX còn tổ chức cho bà con đi tham quan kinh nghiệm sản xuất chè an toàn ở vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên)... “Mưa dầm thấm lâu”, nhiều hộ dân đã hiểu ra và đăng ký tham gia. Đến nay, đã có 150 hộ dân của các làng nghề chè xóm 5, xóm 9, xóm Liên Cơ, xóm Tân Tiến tham gia vào Dự án.

Chị Phạm Thị Lan, ở xóm 9, thị trấn Sông Cầu - một hộ dân tham gia Dự án cho biết: Gia đình tôi có 1ha chè giống LDP1 và trung du. Tham gia Dự án, tôi không chỉ được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hái, chế biến chè theo quy trình VietGAP mà còn được hỗ trợ phân bón, các loại thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học. Nhờ đó, sản phẩm chè do gia đình sản xuất bảo đảm được các yếu tố như ngon, hình thức đẹp, an toàn vệ sinh thực phẩm. Giá bán chè vì thế cũng cao hơn trước khá nhiều. Trước đây chỉ bán được từ 50 đến 70 nghìn đồng/kg chè búp khô, thì nay đã bán được với giá 150 nghìn đồng/kg trở lên.

Còn chị Lý Thị Huyền, hàng xóm của chị Lan cho hay: Sau khi tham gia Dự án, chúng tôi đã hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thay thế dần bằng phân bón hữu cơ; hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, thay thế dần bằng thuốc trừ sâu sinh học, thảo mộc; chế biến đúng quy trình kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chè sạch, an toàn cho sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.
Được “mục sở thị” những đồi chè nằm trong vùng Dự án, chúng tôi vô cùng thích thú khi được ngắm bao sóng chè xanh mát trải dài hút tầm mắt. Dù đang là tiết đông lạnh giá, nhiều hôm, nhiệt độ về đêm và sáng sớm ở mức rét hại (dưới 10 độc C), nhưng những đồi chè ở đây vẫn trổ búp non mỡn.

Chị Phạm Thị Thương Huyền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu - người luôn đồng hành cùng các xã viên của HTX Chè Thịnh An chia sẻ: Từ việc tham gia Dự án, HTX đã có 50ha chè sản xuất theo quy trình VietGAP và xây dựng được vùng nguyên liệu sạch phục vụ sản xuất. Từ đó đã giúp cho sản phẩm chè của HTX đồng đều, ổn định về chất lượng. Mặt khác, Trà xanh Thịnh An được sản xuất theo quy trình khép kín từ chăm sóc thu hái nguyên liệu sạch đến chế biến tiêu thụ sản phẩm và được đăng ký mã số, mã vạch, được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo hộ thương hiệu, có hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm hợp quy nên được người tiêu dùng tín nhiệm đón nhận, bảo đảm hoạt động sản xuất ổn định và mức tăng trưởng.

Có thể khẳng định, đây là Dự án rất phù hợp với Tái cơ cấu ngành chè theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020. Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT thì thời gian tới, để thực hiện Dự án hiệu quả hơn, Thái Nguyên sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất chè an toàn theo hướng gắn quy trình sản xuất với việc được chứng nhận VietGAP cũng như các chứng nhận trong nước và quốc tế (GlobalGAP, UZT Certified để tạo ra sản phẩm chè an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng trong nước, quốc tế.