Người dân Tân Sơn còn nhiều khó khăn

09:03, 28/12/2017

Tân Sơn được coi là xóm khó khăn nhất của xã Bình Sơn (T.P Sông Công) bởi đường từ trung tâm xã vào xóm chưa được cứng hóa hoàn toàn, nguồn điện phục vụ sinh hoạt yếu.  

Chúng tôi đến xóm Tân Sơn vào buổi sáng một ngày cuối tháng 12. Anh Phan Chí Vinh, cán bộ khuyến nông xã Bình Sơn cho biết: Từ trung tâm xã vào đến Tân Sơn là gần 10km, trong đó có khoảng 5km là đường đất khó đi. Bây giờ đang là mùa khô nên có thể đi theo con đường này vào xóm, chứ vào mùa mưa, đường trơn trượt, nước suối dâng cao thì con đường này không thể đi được.

Đúng như lời anh Vinh, bắt đầu vào đến địa phận xóm Tân Sơn, chiếc xe máy của chúng tôi phải về số 1 mới leo lên được những con dốc cao. Vừa đi chúng tôi vừa phải cầm chắc tay lái để vượt qua các rãnh thoát nước, tránh những hòn đá cuội to hơn nắm tay người lớn nằm lổng chổng giữa đường. Nhiều người dân Tân Sơn cho biết gặp khó khăn trong phát triển kinh tế bởi sản phẩm nông nghiệp làm ra nếu muốn bán phải ra tận ngoài xã, còn nếu tư thương vào xóm mua thì người dân luôn bị ép giá. Bà Lưu Thị Năm cho hay: Gia đình tôi trồng 6 sào chè trung du, mỗi lứa được khoảng 60kg chè búp khô. Mỗi lần tư thương vào mua chỉ trả 60 nghìn đồng/kg. Họ bảo đường vào xóm đi quá vất vả nên chỉ trả có thế.

Đường đi khó cũng khiến việc đến lớp của các cô giáo ở Điểm trường Tân Sơn (Trường Tiểu học Bình Sơn 1) không được thuận lợi. Cô giáo Đào Thị Thanh Thúy chia sẻ: Tôi dạy ở Điểm trường Tân Sơn đã 12 năm nay. Hôm nào trời tạnh ráo còn đỡ chứ trời mưa, tôi ngã xây xát chân tay là chuyện bình thường. Nếu mưa to quá, tôi đi nhờ thuyền đánh cá của người dân qua hồ Ghềnh Chè để đến Điểm trường. Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng xóm Tân Sơn cho biết: Với 5km đường đất trục chính của xóm, chúng tôi đã nhiều lần vận động bà con  đóng góp đối ứng 20% (còn lại thành phố hỗ trợ 80%) để làm đường, nhưng điều kiện kinh tế của bà con rất khó khăn nên không thể đối ứng. Toàn xóm có 32 hộ dân, trên 100 nhân khẩu thì có 37 người làm ở các công ty thuộc khu công nghiệp, còn lại đều làm nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn (6 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 13 triệu đồng/người/năm). Năm nào xóm cũng sửa đường, hạ độ dốc xuống nhưng cứ trời mưa là đường lại hỏng.

Không chỉ đường đi khó mà nguồn điện phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân ở xóm Tân Sơn cũng rất yếu. Cứ vào giờ cao điểm, gần như các thiết bị như ti vi, tủ lạnh, máy bơm nước, nồi cơm điện... trong gia đình đều không thể sử dụng được. Các hộ dân ở xóm Tân Sơn hiện đang dùng chung nguồn điện với 80 hộ dân ở xóm Tân Thái, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên). Nguồn điện này được kéo từ trạm biến áp Khe Lim cách đó vài km. Trạm biến áp cách xa trung tâm xóm, cộng thêm đường dây kéo từ trung tâm xóm đến các hộ cũng khá xa khiến cho nguồn điện nơi đây rất yếu. Bà con đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Ông Trần Văn Nguyên, một người dân trong xóm cho hay: “Vào giờ cao điểm, điện quá yếu khiến mấy bóng đèn compac cũng chỉ sáng lờ mờ. Gia đình tôi có 2 máy sao và 2 máy vò chè. Mỗi lần sao đều phải tranh thủ làm vào buổi sáng sớm hoặc qua 10 giờ đêm”.

Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế của người dân trong xóm cũng gặp nhiều khó khăn. Toàn xóm chỉ có 1,5ha lúa nên thu nhập của người dân chủ yếu từ 20ha chè kinh doanh. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, nhiều diện tích chè bị sâu cộ cộ (ấu trùng bọ hung) gây hại. Chè bị loại sâu này cắn rễ chỉ sau 2 tháng là chết khô. Bà con đã sử dụng nhiều loại thuốc để phun, diệt nhưng không hiệu quả. Một phần vì thế mà nhiều gia đình chuyển dần từ trồng chè sang trồng keo thay thế.