Nhiều ngân hàng “thong dong” về đích

09:15, 16/12/2017

Mặc dù theo đánh giá của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Bùi Văn Khoa, dự ước đến cuối tháng 12-2017, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn chỉ đạt khoảng 14%, trong khi theo định hướng chung toàn ngành là 18%, nhưng đây không phải là điều đáng ngại. Trong số các TCTD, có đơn vị thậm chí có chỉ số tăng trưởng âm, nhưng không chi nhánh lại đang "thong dong" về đích trong tháng 12 này.

Hiện, toàn tỉnh có 26 TCTD, trong đó có 7 chi nhánh ngân hàng cổ phần nhà nước; 13 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần; 1 ngân hàng nước ngoài; 1 ngân hàng chính sách xã hội; 2 quỹ tín dụng nhân dân và 1 tổ chức tài chính vi mô. Tính đến cuối tháng 11, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 45.855 tỷ đồng, tăng 18,47%; dư nợ cho vay đạt 44.829 tỷ đồng, tăng 13,69% (so với cuối năm 2016); nợ xấu duy trì ở mức thấp, dưới 1%. Theo thống kê của NHNN Chi nhánh tỉnh, trong số các TCTD trên địa bàn, có 6 chi nhánh có mức tăng trưởng âm; còn lại hầu hết đều có tỷ lệ tăng trưởng khá cao. Ông Bùi Văn Khoa cho rằng, trong nhóm những TCTD có tăng trưởng âm hoặc không cao thì chỉ có rất ít chi nhánh là do khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn khách hàng, còn về cơ bản là do thực hiện theo chỉ đạo, điều hành của Hội sở chính trong năm. Dù vậy, nhìn ở một góc độ khác thì vẫn không thể phủ nhận nguyên nhân sâu xa hơn trong việc tăng trưởng này là do những TCTD đó thời gian qua đã bộc lộ ít nhiều những khó khăn, hạn chế trong quá trình hoạt động, đặc biệt là việc kiểm soát hiệu quả nguồn vốn vay của khách hàng.

Là chi nhánh có số dư nợ tăng cao nhất trong toàn hệ thống trên địa bàn tỉnh năm nay, với số tăng lên tới gần 1.400 tỷ đồng so với cuối năm 2016 (tăng 18,9%), ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Đầu năm, chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ của Chi nhánh được giao chỉ là 14%. Tuy nhiên, theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ, cũng là nhăm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Chi nhánh đã được Hội sở chính điều chỉnh kế hoạch lên khoảng 19%. Có thể nói, đây là năm Chi nhánh cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu từ khá sớm (từ gần cuối tháng 11). Chính vì thế, việc về đích đối với Chi nhánh trong tháng 12 này là khá "thong dong". Một trong những yếu tố quan trọng để Chi nhánh có được sự tăng trưởng này phải kể đến đó là sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp (DN) nội so với 2-3 năm trước đó, đặc biệt là ngành Thép, đã kéo theo một loạt DN có liên quan cùng phát triển theo. Cũng theo ông Hà Mậu Quý, nếu để tăng trưởng hết cỡ, thì dư nợ cho vay của Chi nhánh năm nay sẽ cao hơn con số 19% khá nhiều. Tuy nhiên, việc tăng cao sẽ khiến đơn vị khó kiểm soát nguồn vốn và như vậy sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, Chi nhánh chỉ dừng lại ở mức tăng được cho là hợp lý.

Cũng có chung quan điểm với người đứng đầu của BIDV Thái Nguyên, theo ông Lê Tuấn Phan, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) Thái Nguyên - Chi nhánh có số tăng dư nợ cao thứ 4 trên địa bàn tỉnh thì, chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ của đơn vị cơ bản đã hoàn thành từ cuối quý III, với số tăng tuyệt đối tính đến cuối tháng 11 là 865 tỷ đồng (tăng 54% so với cuối năm 2016). Khả năng tăng nữa của Chi nhánh không hề khó, song để đảm bảo chất lượng tín dụng, thay vì chú trọng tăng trưởng, Chi nhánh tập trung cơ cấu lại nền khách hàng, theo hướng giảm dần dư nợ đối với khách hàng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, thay vào đó là ưu tiên phát triển khách hàng bán lẻ, với biên lợi nhuận cao hơn và hình ảnh, thương hiệu của Vietccombank cũng lan tỏa tốt hơn. Ngoài kết quả về tăng trưởng dư nợ tín dụng, doanh thu từ dịch vụ của Chi nhánh cũng đạt trên 10 tỷ đồng, tăng hơn 20%; huy động vốn đạt gần 1,1 nghìn tỷ, tăng gần 24% so với cuối năm 2016.

Không có tỷ lệ tăng dư nợ tín dụng cao như 2 ngân hàng trên, nhưng  Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Chi nhánh Thái Nguyên cũng đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch từ cuối tháng 11. Trong đó, mức tăng dư nợ cho vay đạt 16,2% - tương ứng số tăng 1.371 tỷ đồng. Chính vì thế, để đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng, Chi nhánh đã xin điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng dư nợ thêm 2% (200 tỷ đồng). Có thể nói, kết quả này đã vượt trên sự mong đợi của đơn vị. Bởi  trong năm, hoạt động của Chi nhánh ít nhiều chịu sự tác động của việc giảm giá mạnh từ thịt lợn, trong khi đó có tới trên 70% dư nợ cho vay của Agribank Thái Nguyên được đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cũng tính đến cuối tháng 11, tỷ lệ nợ xấu của Chi nhánh tiếp tục được duy trì ở mức thấp, với 0,36% trên tổng dư nợ; huy động vốn đạt 1.850 tỷ đồng, tăng 18%...

Có thể nói, nhìn lại bức tranh hoạt động của hệ thống các TCTD trên địa bàn năm 2017 tuy còn có chỉ tiêu về tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt thấp hơn so với định hướng chung của toàn ngành trong cả nước, song điều quan trọng nguyên nhân chính không phải là do các tổ chức, cá nhân trên địa bàn không có khả năng hấp thụ nguồn vốn, mà chủ yếu vì theo sự định hướng  và chỉ tiêu giao kế hoạch của Hội sở chính đối với từng chi nhánh ngân hàng. Mỗi ngân hàng theo quy mô và định hướng hoạt động khác nhau, ở từng thời kỳ sẽ đưa ra những chủ trương phát triển khác nhau, nhưng tất cả cùng chung một mục tiêu đó là đảm bảo tính an toàn, hiệu quả trong hoạt động. Dù vậy, theo đại diện lãnh đạo nhiều ngân hàng thì hiện trên địa bàn tỉnh, vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ DN nhỏ và vừa hoạt động kém hiệu quả, không có khả năng tiếp cận với nguồn vốn vay của các TCTD, trong khi có nhu cầu về vốn. Do vậy, rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách của tỉnh, đặc biệt là trong việc phát huy vai trò của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhở và vừa để họ có cơ hội được tiếp cận với nguồn vốn và có mức lãi suất phù hợp.