Niềm vui của người dân vùng khó

16:44, 18/12/2017

Yên Đổ là một trong trong 6 xã của huyện Phú Lương được Công ty Điện lực Thái Nguyên đầu tư xây dựng một số trạm biến áp; cải tạo, nâng cấp đường dây hạ thế theo Dự án cấp điện cho các hộ nông thôn, miền núi năm 2017. Đây được xem là niềm vui với hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Phú Lương nói chung, Yên Đổ nói riêng, nhất là với những xóm, bản đặc biệt khó khăn của xã.

Mới đây, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã tổ chức Lễ khởi công Dự án cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa tại xóm Ao Then, xã Yên Đổ. Tại đây, chúng tôi thấy được niềm vui khôn xiết của bà con trong xóm. Bởi lẽ, nhiều năm qua, người dân Ao Then đã phải sống trong cảnh “điện đom đóm”. Anh Nguyễn Văn Nghiệp, Trưởng xóm Ao Then cho biết: Toàn xóm có 80 hộ dân, 300 nhân khẩu thì có tới gần 40% là tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo. Đời sống bà con phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp nhưng vì nguồn điện yếu nên không có điều kiện phát triển. Đến vụ gieo cấy lúa luôn thiếu nước, thu hái chè không sao sấy được. Nhiều hộ dân vì thế mà phải chặt bỏ diện tích chè chuyển sang trồng keo. Thế nhưng, keo đến vụ xuất bán  vì không sơ chế được nên giá bán không cao.

Kể về những khó khăn, chị Ma Thị Nở, người dân trong xóm cho biết: Trước đây, gia đình tôi có trên 2.000m2 chè nhưng vì điện yếu, không có điều kiện chăm sóc, không sao vò được khi chè vào lứa thu hái nên gia đình đành phá bỏ hơn 1.000m2 để chuyển sang trồng keo.

Còn bà Thạch Thị Thúy, ở cùng xóm chia sẻ: Ban ngày, khi các hộ dân ít sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện thì bóng điện còn thắp sáng được. Còn không, vào giờ cao điểm như buổi trưa, chiều tối, khi bà con dùng điện nhiều thì bóng điện như đom đóm. Gia đình tôi từ lâu đã không nấu cơm bằng nồi điện mà chuyển sang nấu bếp củi. Bà Ma Thị Lý kể thêm: Không chỉ chịu cảnh điện yếu mà chúng tôi phải trả giá điện rất cao, bình quân là 3.000 đồng/số. Mỗi tháng, gia đình tôi phải trả hết hơn 100.000 đồng tiền điện. Giá điện cao nên gia đình tôi cũng hạn chế dùng các thiết bị điện, chuyển nấu nướng sang đun củi cho tiết kiệm.

Trước đây, để có điện thắp sáng, người dân xóm Ao Then đã tự mua cột, dây kéo điện từ trạm điện của xóm Đá Mài về sử dụng. Vì dùng chung một trạm biến áp nên nguồn điện thường xuyên bị yếu. Năm 2015, xóm được Điện lực huyện Phú Lương đầu tư xây dựng 1 trạm biến áp thì ½ số hộ trong xóm chuyển sang kéo điện từ trạm này. Tuy nhiên, dù được đầu tư trạm biến áp mới, song đường dây điện không được sửa chữa, thay thế nên nguồn điện vẫn không cải thiện, hao tải điện lớn. Những hộ dân sống gần trạm điện thì được sử dụng nguồn điện khỏe hơn. Vì điện yếu mà đời sống của người dân xóm Ao Then vốn đã vất vả lại thêm phần khó khăn hơn. Nhiều hộ dân muốn đầu tư phát triển kinh tế cũng không có điều kiện.

Anh Nguyễn Văn Nghiệp cho biết thêm: Xóm có trên 222ha đất tự nhiên thì có tới gần 200 ha là rừng. “Rừng vàng, biển bạc” nhưng bà con không có điều kiện để khai thác các nguồn lợi từ rừng. Xóm khó khăn, đường xá đi lại còn lầy lội nên người dân trồng rừng thường xuyên bị ép giá. Nhiều hộ có diện tích rừng trồng lớn nhưng khi bán cũng không được bao nhiêu nên muốn tự mở xưởng chế biến gỗ để vừa có thêm việc làm vừa nâng cao thu nhập nhưng vì nguồn điện yếu cũng không thực hiện được. Cụ thể như gia đình hộ ông Lương Văn Hợi (hơn 7ha); Nguyễn Văn Trường (có hơn 6ha) hay gia đình ông Ma Đình Cương (có trên 10ha rừng)… Vì thế, khi được ngành Điện đầu tư thay thế trên 4.500m đường dây trong xóm, điện khỏe hơn sẽ có điều kiện phát triển kinh tế.

Anh Nguyễn Văn Trịnh, một hộ dân ở xóm phấn khởi nói: Gia đình tôi có hơn 10ha rừng, toàn bộ là keo được 2-4 tuổi. Những lứa trước, gia đình toàn bán thẳng, giá chỉ được 50 triệu đến 60 triệu đồng/ha (cây keo 6 năm tuổi). Nếu tính toán, bình quân, mỗi năm chỉ thu được khoảng 10 triệu đồng/ha. Chính vì vậy, gia đình tôi đã có ý định mở xưởng chế biến gỗ từ lâu, nhưng do điện yếu mà chưa làm được. Sắp tới, điện khỏe rồi, gia đình tôi đang có kế hoạch đầu tư làm xưởng bóc gỗ. Theo tính toán của tôi, mỗi héc ta rừng keo từ 6-7 năm tuổi, sau khi sơ chế bán cũng thu được từ 130-150 triệu đồng, cao gấp đôi so với trước.

Ông Trần Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Yên Đổ cho biết: Xã Yên Đổ có 9/17 xóm được thụ hưởng từ Dự án cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, 9 xóm này được thay thế đường dây với tổng chiều dài trên 21.300m. Đây đều là những xóm khó khăn về lưới điện, trong đó Ao Then là xóm vất vả hơn cả. Vì nguồn điện yếu mà các lĩnh vực từ nông, lâm nghiệp, dịch vụ không phát triển được, kéo theo đời sống của bà con trong xóm gặp nhiều khó khăn. Nhưng nay, khi được đầu tư sửa chữa, thay thế đường dây, nguồn điện ổn định, tôi tin rằng đời sống của người dân nơi đây sẽ được đổi thay. Nếu đường dây điện ở xóm Ao Then được hoàn thiện trước Tết Nguyên đán năm nay, có lẽ đây sẽ là Tết hạnh phúc nhất của bà con từ trước đến nay.