Tất bật những ngày cuối năm

16:13, 28/12/2017

Những ngày cuối tháng 12 luôn là thời điểm bận rộn của các ngành, đơn vị, địa phương, đặc biệt là với hai khối Tài chính - Ngân hàng, bởi số lượng hồ sơ, chứng từ cần được giải quyết luôn tăng đột biến. Chúng tôi đã đi tìm hiểu tình hình thực tế tại một số đơn vị trong hai ngày 27 và 28-12.

Chiều 27-12, có mặt tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh và T.P Thái Nguyên, chúng tôi cảm nhận rõ không khí làm việc tất bật, khẩn trương của các bộ phận, nhất là bộ phận kiểm soát chi và kế toán. Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc KBNN tỉnh thông tin: Nếu như những tháng trước, trung bình mỗi tháng hệ thống KBNN trên địa bàn tỉnh xử lý khoảng 33 nghìn hồ sơ, thì trong tháng 12 này, chỉ tính đến ngày 26 số lượng hồ sơ đã lên tới gần 50 nghìn. Càng vào những ngày cuối năm, số hồ sơ càng tăng lên, có ngày lên tới trên 5.800 hồ sơ, nhiều gấp gần 4 lần so với ngày thường. Tỷ lệ thuận với số hồ sơ chứng từ, lượng vốn thanh toán cũng tăng từ mức trung bình 60 tỷ đồng/ngày lên khoảng 160-200 tỷ đồng/ngày.

Do năm nay, ngày 30 và 31-12 rơi vào thứ bảy, chủ nhật nên lượng công việc cần giải quyết trong những ngày cuối năm của hệ thống KBNN từ tỉnh đến cấp huyện càng trở nên vất vả. Sở dĩ lượng hồ sơ trong những ngày này tăng đột biến là do các đơn vị sử dụng ngân sách và chủ đầu tư đều tiến hành rà soát lại các khoản chi tiêu cả năm và tiến hành nghiệm thu khối lượng xây dựng cơ bản để lập cơ sở, thủ tục thanh toán theo quy định. Ngoài ra, các nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho địa phương được Bộ Tài chính cấp bổ sung, đồng thời bổ sung kế hoạch vốn của các dự án thuộc ngân sách Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, năm 2017, thu ngân sách địa phương vượt kế hoạch khoảng 2.750 tỷ đồng, vì vậy được xử lý chi ngân sách từ nguồn vượt thu theo Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 là khá lớn. Bên cạnh việc bố trí nguồn nhân lực cho việc xử lý thu - chi NSNN, cuối năm, toàn hệ thống KBNN vừa tập trung xử lý công việc quyết toán năm, vừa tổ chức triển khai điều chỉnh, chuyển hệ thống mục lục ngân sách mới để thực hiện từ ngày 1-1-2018 theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Đối với ngành Thuế, mặc dù so với dự toán được giao đầu năm thì chỉ đến cuối quý III, số thu ngân sách do ngành này quản lý đã vượt kế hoạch được giao. Tuy nhiên, với mục tiêu đạt số thu trên 9.500 tỷ đồng (vượt khoảng 2.750 tỷ đồng, tương ứng tăng 41% so với dự toán), nên trong quý IV, đặc biệt là tháng 12, Cục Thuế tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường các nguồn thu. Theo đồng chí Nguyễn Văn Hà, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, đôn đốc các doanh nghiệp nộp xong thuế của tháng 11 trước ngày 20-12, thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm những ngày này của đơn vị là tăng cường thực hiện công tác thu nợ; đốc thúc các doanh nghiệp nộp số nợ tồn; số phải nộp qua kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế; cử cán bộ trực tiếp làm việc với những công ty, doanh nghiệp chây ỳ, khó đòi. Những trường hợp cố tình không chấp hành, sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế (trích tài khoản tại ngân hàng). Cùng với đó, Cục Thuế cũng chủ động tham mưu đề xuất với tỉnh bố trí nguồn trả nợ cho các nhà máy xi măng, doanh nghiệp xây dựng đang bị ngân sách nợ và cũng đang nợ thuế để các đơn vị này có điều kiện nộp thuế theo quy định. Đối với khoản thu từ cấp quyền sử dụng đất, trực tiếp Ban lãnh đạo Cục Thuế đã làm việc với lãnh đạo các địa phương để đôn đốc thu nộp trước ngày 31-12… Với các biện pháp này, chỉ tính riêng trong tháng 12, tổng số thu vào NSNN ước đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, nâng tổng thu năm nay cao hơn năm 2016 là 21%.

Với vai trò là tham mưu trưởng về việc cân đối thu - chi ngân sách trên địa bàn, những ngày này, Sở Tài chính đang tiếp tục tăng cường, thực hiện theo dõi sát sao số thu ngân sách hàng ngày, kịp thời phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện giải pháp phấn đấu thu ngân sách vượt mức đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Tài chính cho biết thêm: Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015. Ngay từ đầu năm, Sở đã tham mưu, tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách chặt chẽ, hướng dẫn các đơn vị, địa phương chủ động, tích cực trong việc thực hiện dự toán chi ngân sách được giao. Do vậy, thời điểm cuối năm đã tránh được áp lực giải ngân các nguồn vốn.

Không kém phần náo nhiệt, số lượng công việc của khối ngân hàng trong những ngày này cũng tăng đáng kể, đặc biệt là ở những ngân hàng có nhiều khách hàng là doanh nghiệp. Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh: Lượng giao dịch của các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong tháng 12 tăng khoảng 30-300%. Cũng bởi vậy, khối lượng công việc của NHNN Chi nhánh tỉnh tăng theo, có hôm tăng gấp 5-6 lần ngày thường. Nếu như những tháng trước, doanh số thu chi tiền mặt của đơn vị khoảng 100 tỷ đồng/ngày, thì trong dịp này có hôm lên tới trên 700 tỷ đồng. Do đó, NHNN tỉnh luôn phải tăng cường thanh toán cung ứng tiền mặt và hoạt động giám sát để đảm bảo khả năng thanh toán cũng như kịp thời xử lý những tình huống có thể phát sinh. Năm nay tiếp tục là năm các ngân hàng trên địa bàn tỉnh hoàn thành khá tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Điều này có tác động tích cực không nhỏ đến việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Một năm nữa sắp đi qua, những kết quả mà tỉnh ta đạt được trong năm 2017 này tiếp tục đưa Thái Nguyên trở thành điểm sáng của cả nước trong phát triển kinh tế cũng như thực hiện an sinh xã hội. Trong thành công chung ấy, có sự đóng góp rất lớn từ 2 ngành tài chính và ngân hàng. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng để tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020 sẽ tự đảm bảo được cân đối thu chi, tiến tới có một phần kết dư chuyển về ngân sách Trung ương.