Thời gian qua, trong số các đề án khuyến công được triển khai trên địa bàn huyện Đại Từ thì phần lớn đều tập trung hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ và máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất chè, đồ gỗ, vật liệu xây dựng… Đây chính là “đòn bẩy” giúp các doanh nghiệp (DN) từng bước hiện đại hóa hệ thống thiết bị, máy móc, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển một cách bền vững.
Trong 5 năm trở lại đây, huyện Đại Từ đã triển khai 21 đề án bằng nguồn vốn khuyến công Quốc gia và khuyến công địa phương, với tổng kinh phí thực hiện trên 21 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ gần 3 tỷ đồng, kinh phí đóng góp của các đơn vị là trên 18 tỷ đồng. Riêng trong năm 2017, huyện triển khai thực hiện 3 đề án, gồm: Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất gạch không nung; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất và gia công đồ gỗ; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến và bảo quản chè. Ngoài ra, các đề án khác được triển khai trên địa bàn còn tập trung vào một số lĩnh vực như: Kỹ thuật sản xuất, chế biến bột Barit xuất khẩu; máy móc, kỹ thuật thêu ren nghệ thuật; đào tạo nghề chế biến chè; sản xuất tấm lợp PU... Thông qua các đề án góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, DN, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất.
Một đề án nổi trội góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất vật liệu xây dựng là Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc trong sản xuất gạch không nung được triển khai tại Công ty TNHH Thế Dương Thái Nguyên, ở xã Phú Xuyên (Đại Từ). Tham gia Đề án, đơn vị được hỗ trợ để đầu tư máy ép gạch không nung kiểu mẫu QT4-25, công suất 20.000 viên/ca với tổng số tiền đầu tư trên 700 triệu đồng. Trong đó, Quỹ khuyến công quốc gia hỗ trợ 200 triệu đồng, còn lại do Công ty bỏ ra trên 500 triệu đồng.
Sau 1 năm thực hiện, ông Vũ Bá Thế, Giám đốc Công ty cho biết: Dây chuyền sản xuất gạch mới này sử dụng các nguyên liệu như xi măng, đá mạt, cát, tro, xỉ... theo hướng công nghệ hiện đại thay thế dần gạch xây sản xuất từ đất sét nung. Thiết bị tạo ra lực ép lớn nên tạo ra viên gạch có mật độ vật liệu dày đặc, các hạt vật liệu được sắp xếp xen kẽ với nhau tạo nên khối đồng nhất, làm tăng độ cứng và tăng các tính năng khác của viên gạch, chất lượng gạch được nâng cao hơn so với loại gạch ép rung thông thường. Ngoài ra, công nghệ này cho năng suất cao, vận hành ổn định, tuổi thọ cao, giảm thiểu tiếng ồn... Điều đặc biệt là theo tính toán của các ngành chức năng thì tỷ lệ gạch không nung xi măng - cốt liệu đến năm 2020 là 30-40% tổng số vật liệu xây dựng trong nước, vì vậy đây là hướng đầu tư đúng đắn và hiệu quả trong việc sản xuất gạch không nung trong tương lai. Từ việc nâng cao năng lực sản xuất cho Công ty, việc đưa công nghệ mới vào sản xuất giúp tạo uy tín, nâng tầm thương hiệu của Công ty trên thị trường, qua đó gia tăng được các đơn hàng có giá trị cao, tạo được nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho lao động cũng như đẩy mạnh được sự phát triển bền vững cho Công ty.
Ngoài đề án nêu trên, một đề án mới được triển khai trong năm 2017 là hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến, bảo quản chè cho Hợp tác xã (HTX) chè an toàn Đại Phú ở xã Phú Lạc. Với kinh phí thực hiện đề án gần 500 triệu đồng, HTX đã đầu tư 1 máy đóng gói hút chân không, 1 máy sao chè bằng khí gas, 1 tủ sấy hương. Ông Phan Ngọc Thơm, Chủ nhiệm HTX cho biết: Trước kia cây chè là cây xóa đói giảm nghèo thì giờ đây cây chè đã là cây làm giàu của đại bộ phận những người trồng, chế biến và kinh doanh chè tại địa phương. Đó là nhờ vào việc nâng cao giá trị sản phẩm chè thông qua việc thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè mà cốt yếu là ứng dụng các loại máy móc vào chế biến ra sản phẩm chè đạt chất lượng. Bà con ở đây làm chè đều đã lâu năm, trước đây các công đoạn chế biến hầu hết đều quen làm thủ công, nhưng giờ đây bà con đã biết sử dụng máy móc thiết bị trong sản xuất chè. Việc sử dụng máy móc thiết bị tiên tiến giúp tiết kiệm điện năng trong quá trình sản xuất, giảm chi phí sản xuất. Sau khi ứng dụng máy móc thiết bị vào dây chuyền chế biến, bảo quản chè đã tạo ra năng suất lao động cao, tăng thu nhập cho người lao động, bổ sung thêm chủng loại sản phẩm chè của HTX.
Để các đề án khuyến công đưa vào đạt hiệu quả, huyện đã tăng cường công tác khảo sát nhu cầu hoạt động của các DN, hộ kinh doanh trên địa bàn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến công tỉnh để triển khai thực hiện các chương trình, đề án khuyến công trên địa bàn. Đồng thời, tuyên truyền về hoạt động khuyến công đến các tổ chức, cá nhân và các DN trên địa bàn. Qua các đề án khuyến công, các cơ sở trên địa bàn đã được tiếp cận các quy định, chính sách về khuyến công, chủ động đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, nâng cao sản lượng và doanh thu cho DN. Bên cạnh đó, việc áp dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất còn góp phần giải quyết công ăn việc làm ổn định cho bộ phận lao động có trình độ tay nghề cao tại địa phương. Ngoài ra, sản phẩm công nghiệp nông thôn ngày càng đa dạng, chất lượng sản phẩm được nâng lên, đáp ứng được nhu cầu và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp ở địa phương. Năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện ước đạt trên 9.100 tỷ đồng, tăng trên 20% so với năm 2016.