Theo thông tin dự báo từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ ngày 8 đến 14-1, các khu vực trong tỉnh sẽ xảy ra rét đậm, vùng núi có nơi rét hại và có khả năng xảy ra băng giá. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 10-12 độ C, vùng núi từ 8-10 độ C. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp - PTNT đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ đàn vật nuôi và duy trì hoạt động sản xuất.
Có mặt tại xóm Làng Chẽ, xã Dân Tiến (Võ Nhai) vào sáng mùng 8-1, nhiệt độ ngoài trời chúng tôi đo được là 9 độ C, gió thổi hun hút kèm theo cái lạnh tê tái. Bước vào khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình anh Dương Đại Lâm, chúng tôi thấy xung quanh chuồng đã được che chắn bằng những chiếc bạt dứa. Đàn trâu hơn 30 con trong chuồng đang nhởn nhơ nhai rơm khô. Anh Lâm chia sẻ: Rút kinh nghiệm từ các năm trước, đợt rét này, nhà tôi không thả trâu nữa mà nhốt trong chuồng và cho ăn rơm khô, cỏ voi và bổ sung cám. Ngoài ra, nhà tôi còn nấu cháo cho trâu ăn để cho chúng có khả năng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt.
Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói rét cho vật nuôi cũng được các hộ dân chủ động triển khai. Ông Đinh Văn Quyền, ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt cho biết: Nhà tôi nuôi 12 con bò, mặc dù chuồng trại đã được xây kiên cố sạch sẽ nhưng để chống rét, nhà tôi vẫn quây bạt kín xung quanh, buổi chiều trời hửng nắng tôi mới kéo bạt ra để đàn bò hít thở không khí trong lành, góp phần giảm bệnh tật. Trong những ngày rét đậm, nhà tôi tuyệt đối không chăn thả bò mà nuôi nhốt và cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ. Công tác tiêm phòng vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng... nhà tôi đều thực hiện đầy đủ nên đàn bò không có dịch bệnh.
Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết: Trong 2 ngày, 8 và 9-1, chúng tôi đã thành lập đoàn đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong tỉnh thực hiện công tác phòng chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi. Qua kiểm tra cho thấy, đa số các hộ chăn nuôi đã có ý thức bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, che chắn chuồng trại để tránh gió lùa, dự trữ thức ăn tinh và thức ăn thô, tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Chúng tôi cũng khuyến cáo bà con không được thả rông trâu bò, không cho trâu bò làm việc khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C.
Không chỉ quan tâm chống rét cho vật nuôi, bà con nông dân trong tỉnh cũng chú trọng chống rét cho cây trồng. Ngành Nông nghiệp đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân cách chăm sóc, bảo vệ diện tích cây trồng, hoa màu để hạn chế thiệt hại do rét hại, sương muối gây ra. Đối với các loại rau màu như: cà chua, khoai tây, bắp cải, su hào, sup lơ… phải tưới đủ ẩm theo nhu cầu dinh dưỡng của từng cây trong những ngày rét đậm. Đảm bảo bón đủ và cân đối lượng phân, giảm bón đạm, bón nhiều phân lân, kali vừa giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, đồng thời góp phần hạn chế được tác hại của thời tiết bất thuận.
Còn bà Bà Nguyễn Thị Luyến, ở xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) cho hay: Nhà tôi trồng 2 mẫu hoa các loại như dơn, cúc, Lyli. Để bảo vệ hoa trong những ngày rét đậm, nhà tôi đã mua nilon, lưới đen về căng để che chắn, giữ ấm cho hoa. Chị Dương Thị Tuyên, ở xóm Giữa, xã Xuân Phương (Phú Bình) thì chia sẻ: Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tôi đã che phủ mạ bằng nilon để chống rét và hạn chế rầy. Ngoài ra, tôi còn vãi tro hoai mục lên mặt luống mạ để cung cấp dinh dưỡng và giữ ấm cho mạ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật cho biết: Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 29.960ha lúa, năng suất đạt 53,87 tạ/ha, sản lượng đạt 156 nghìn tấn. Trong đó, trà xuân trung chiếm 2-3% diện tích, còn lại là trà xuân muộn. Thời tiết rét đậm trùng với thời điểm người dân đang tập trung gieo mạ để cấy lúa xuân, vì vậy, bà con cần chủ động theo dõi diễn biết tình hình thời tiết, tuyệt đối không gieo mạ, cấy hoặc gieo thẳng vào những ngày nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 15 độ C.