Đầu tư vào các khu công nghiệp: Kịch bản nào cho năm 2018

13:15, 01/01/2018

Năm 2018 được giới phân tích kinh tế nhận định, môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong nước sẽ tiếp tục khởi sắc. Nhận định này cũng trùng với dự báo của tỉnh về khả năng thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn. Và hình dung về một kịch bản sáng sủa hơn năm trước đã được chỉ ra.

Dấu ấn 2017

Sau sự kiện Samsung đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ tại KCN Yên Bình (năm 2013) đồng thời kéo thêm mấy chục dự án phụ trợ vào tỉnh, những tưởng thu hút đầu tư ở các KCN của tỉnh thời điểm này sẽ chững lại, nhưng kết quả vẫn rất khả quan. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Long, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh vui mừng thông báo: Kết thúc năm vừa qua đã có 23 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào các KCN, trong đó có 11 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 12 dự án trong nước với tổng vốn gần 18 triệu USD và 1.600 tỷ đồng. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là điện, điện tử, cơ khí chế tạo... Cũng theo ông Trần Văn Long, có một số dự án triển khai đầu tư khá nhanh gồm: Dự án Khu dịch vụ tiện ích tại KCN Điềm Thụy của Công ty Everic Building Việt Nam với số vốn đầu tư khoảng 350 tỷ đồng (gồm nhà văn phòng cho thuê, ký túc xá, cửa hàng…); Dự án sản xuất, gia công cơ khí các khuôn hình mẫu do Công ty Mersen Vina của Hàn Quốc đầu tư với số vốn ban đầu trên 2 triệu USD... 

Điều đáng nói, năm qua đã có 72 dự án trong các KCN đã đăng ký và được điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 16 dự án tăng vốn để mở rộng quy mô sản xuất với số vốn lên tới gần 80 triệu USD. Đây là điều rất đáng mừng bởi qua đó cho thấy nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các KCN của tỉnh đang phát triển rất tốt, ăn nên làm ra. Một số dự án tăng vốn phải kể đến tại KCN Điềm Thụy (Phú Bình) là: Dự án sản xuất thiết bị nhôm của Công ty Alutec Vina tăng thêm 30 triệu USD; Dự án sản xuất thiết bị điện tử của Công ty Sekwang Vina tăng 15 triệu USD; Dự án lắp ráp các thiết bị điện tử của Công ty Bokwang Vina tăng 20 triệu USD.

Kịch bản 2018

Bước sang năm 2018, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục cải thiện, môi trường kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh được duy trì ổn định, dự báo tình hình thu hút đầu tư vào các KCN sẽ có nét khởi sắc hơn năm cũ. Các nhà chuyên môn đã vạch ra một kịch bản tương đối thuận cho cả năm 2018. Trước tiên, hai KCN trọng điểm của tỉnh là KCN Yên Bình và KCN Điềm Thụy được dự báo trong năm mới sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có số vốn đăng ký lớn. Khoảng 20ha tại Khu A - KCN Điềm Thụy hiện đang được Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng. Theo lãnh đạo Ban Quản lý các KCN, phần diện tích này đã có doanh nghiệp đặt vấn đề, khi nào xong hạ tầng sẽ đầu tư ngay dự án. Với KCN Yên Bình, hiện còn trên 100ha dự kiến để dành cho Tập đoàn Samsung tiếp tục mở rộng đầu tư. Theo nhà đầu tư hạ tầng KCN là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Yên Bình thì doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng để Tập đoàn điện tử lớn nhất của Hàn Quốc xây dựng các dự án theo lộ trình ngay từ năm 2018.

Điểm nhấn trong năm 2018 đó là sự hiện diện chính thức của KCN Sông Công II (T.P Sông Công) với diện tích 250ha. KCN này đã được định hình từ lâu, nhưng đến nay mới triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng. Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục được tin tưởng giao đảm nhận Dự án hạ tầng KCN này gắn với các dự án tái định cư, dự án đường 36m nối KCN Sông Công II với Quốc lộ 3 cũ và nút giao Sông Công. Trước mắt, chủ đầu tư đã phối hợp với địa phương giải phóng mặt bằng từ 30ha đến 50ha sau đó đầu tư hạ tầng để có mặt bằng sạch. Với quyết tâm của chủ đầu tư, cộng với sự hỗ trợ của tỉnh, năm 2018 KCN Sông Công II sẽ chính thức vận hành và thu hút các dự án thứ cấp. 

Và khả năng thành công

Xét trên nhiều bình diện thì khả năng thành công trong thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh năm 2018 là rất cao. Được biết, với KCN Sông Công II, tỉnh xác định là dự án quan trọng cần tập trung ưu tiên đầu tư trong năm. Do đó, tỉnh đang xem xét ứng trước khoảng 200 tỷ đồng đầu tư hạ tầng KCN. Mặt khác, tỉnh cũng sẽ tiến hành đầu tư các hạng mục ngoài hàng rào KCN để thuận tiện cho thu hút đầu tư. Cũng theo thông tin từ Ban Quản lý các KCN, hiện đã có một số doanh nghiệp đến từ Châu Âu, Singapore, Nhật Bản đặt vấn đề đầu tư nếu năm 2018 KCN này có hạ tầng. 

Có thể thấy, hiện nay môi trường đầu tư của tỉnh đang rất thuận lợi, các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư cơ bản hoàn thiện trên cơ sở có lợi nhất cho nhà đầu tư. Hơn nữa, chúng ta đang tạo ra một là sóng đầu tư với hiệu ứng rất tích cực, trong đó nòng cốt là các dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có công nghệ sản xuất tiên tiến. Niềm tin của các nhà đầu tư với Thái Nguyên đang rất cao do chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của chúng ta nhiều năm liền đứng trong top 10, thủ tục đầu tư nhanh gọn, thuận tiện... Dự kiến, năm 2018, các lĩnh vực nhà đầu tư lựa chọn triển khai tại Thái Nguyên là sản xuất, lắp ráp điện tử, linh kiện điện tử, cơ khí chế tạo, chế biến sản phẩm chất lượng cao, gia công thiết bị. Đặc biệt, sẽ có nhiều dự án tiếp tục làm phụ trợ cho Samsung và các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài quan trọng khác trên địa bàn tỉnh.