Trở lại Úc Kỳ (Phú Bình) trong một ngày cuối tháng 1, nhìn cánh đồng mẫu lớn đang dần hình thành; hình ảnh bà con nông dân bắt tay vào sản xuất vụ xuân; đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp..., chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của xã sau một năm về đích nông thôn mới (NTM). Có thể thấy, Úc Kỳ không "ngủ quên" trong niềm vui mà đang tiếp tục tạo dựng nên những thành quả trong công cuộc xây dựng NTM.
Nhận thức rõ được việc đạt chuẩn NTM đã khó, việc giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí lại càng khó hơn. Sau khi cán đích NTM vào năm 2016, trong hơn một năm qua, chính quyền và nhân dân xã Úc Kỳ đã không ngừng nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp trong đó xã chú trọng việc nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng góp phần thay dổi diện mạo quê hương. - Đó là chia sẻ của ông Dương Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Úc Kỳ với chúng tôi.
Là xã có đông dân cư trong khi diện tích đất nhỏ hẹp, mật độ dân số đông (trên 1.500 người/km2) nên xã gặp khó trong việc xây dựng, phát triển kinh tế trang trại, đa phần đời sống người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nhỏ lẻ. Do vậy, để khắc phục những khó khăn này, xã đẩy mạnh triển khai các mô hình sản xuất theo hướng tập trung; chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu với tổng diện tích 45ha; đưa những giống lúa lai, ngô lai có năng suất cao vào gieo trồng như: Thực hiện cánh đồng 1 giống lúa lai GS9 (47ha); cánh đồng 1 giống chất lượng cao Thiên ưu 8 (35ha); cánh đồng 1 giống nếp Thầu Dầu (56ha)… Đặc biệt, trong vụ mùa 2017, với sự chỉ đạo của Phòng Nông nghiệp và PTNT, xã đã thực hiện thành công mô hình chọn lọc, phục tráng nếp Thầu Dầu với quy mô 2ha, thu được 8 dòng nếp Thầu Dầu dạng thấp cây với nhiều ưu điểm vượt trội… Nhờ đó, năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp ngày càng nâng lên, hiện giá trị sản phẩm trên 1ha đất canh tác đạt 80 triệu đồng.
Cùng với việc nâng cao chất lượng nông sản, xã còn quan tâm đến việc tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Được biết, trên địa bàn xã hiện nay có 1 tổ hợp tác sản xuất nếp Thầu Dầu và1 làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ. Tổ hợp tác đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện tiếp cận với các chương trình khuyến nông, được huyện hỗ trợ kinh phí mua máy hút chân không và in ấn bao bì. Nhờ đó, sản phẩm nếp Thầu Dầu Úc Kỳ khi thu mua từ người dân địa phương đã được đóng gói, bán với giá cao hơn từ 5.000-10.000 đồng/kg so với thông thường. Trong hoạt động sản xuất của làng nghề, cả xã có trên 200 hộ chuyên sản xuất, kinh doanh tương nếp, trong đó có 30 hộ sản xuất, kinh doanh lớn. Trung bình mỗi năm, lượng tương làng nghề cung cấp ra thị trường là trên 1 triệu lít, đem lại doanh thu gần 1 tỷ đồng. Nhiều hộ dân đã có thu nhập ổn định, xây dựng nhà cửa khang trang.
Anh Dương Văn Tuyến, xóm Ngoài 1 chia sẻ: Làm tương không chỉ để lưu giữ nghề truyền thống của ông cha mà còn là kế sinh nhai cho người dân trong xã. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, cuối năm 2016, tôi thành lập Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh tương nếp Tuyến Loan. Tôi thu mua gạo nếp của bà con ở trong xã làm nguyên liệu, sản phẩm làm ra có gắn nhãn mác rõ ràng, trung bình mỗi tháng Công ty xuất bán 8.000 lít tương, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương với thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ quan tâm, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, xã Úc Kỳ còn đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tập trung nguồn lực, huy động sức dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong năm qua, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, xã đã vận động nhân dân đóng góp ngày công, đối ứng tiền được trên 3 tỷ đồng để xây mới,,sửa chữa, nâng cấp 13 nhà văn hóa xóm. Các công trình đều được các xóm triển khai xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng tiến độ, góp phần phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt chính trị, văn hóa của người dân, từ đó gắn kết, thúc đẩy phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa. Ngoài ra, với nguồn xi măng Nhà nước hỗ trợ, xã đã vận động người dân hiến đất và đối ứng trên 1 tỷ đồng để xây dựng 3,5km đường nội xóm, đảm bảo thuận tiện cho người dân. Đặc biệt, trong năm qua, xã đã thực hiện tốt công tác vận động người dân dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn rộng 74ha tại 6 xóm miền Hồng Kỳ. Hiện nay, xã tiếp tục tích cực phối hợp với huyện, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang đồng ruộng, cơ bản giải phóng diện tích đất để người dân kịp thời sản xuất vụ xuân.
Bằng sự nỗ lực, quyết tâm, năm 2017, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 33 triệu đồng/người/năm (tăng 8 triệu đồng so với năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 6,3% (giảm 2,2 % so với năm 2016). Đời sống người dân dần được nâng lên, hạ tầng nông thôn dần được chỉnh trang kiên cố đã góp phần giúp người dân thay đổi cách nghĩ, nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện Chương trình XDNTM. Không chỉ là nhiệm vụ, XDNTM đã trở thành phong trào thi đua, cán bộ và người dân trong xã đã chủ động hơn trong việc xây dựng, thực hiện các mô hình, các cuộc phát động, nhờ đó mà 19/19 tiêu chí được xã tiếp tục giữ vững và nâng cao.
Nói về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Dương Văn Nguyên khẳng định: Chặng đường XDNTM của xã hướng đến là phát triển nông thôn toàn diện, vì vậy những năm tiếp theo, xã sẽ tiếp tục huy động người dân tham gia xây dựng hoàn thiện các tuyến đường liên xóm, nội đồng; mạnh dạn tham gia các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; đoàn kết, nỗ lực xây dựng xã ngày càng phát triển hơn.