Đến xóm Na Pặng, xã Ôn Lương (Phú Lương) ấn tượng đầu tiên mà có lẽ ai cũng cảm nhận được đó là con đường vào xóm dù rất dài, chia thành nhiều nhánh nhưng đã được trải bê tông sạch sẽ từ đầu xóm đến cuối xóm. Nhà văn hoá xóm rộng rãi, thoãng đãng hơn khi bên cạnh là sân bóng đá rộng khoảng hơn 3.000m2… Để đạt được những kết quả này, ngoài nỗ lực của người dân còn có sự đóng góp không nhỏ của Trưởng xóm Vũ Thị Ninh
Bà Ninh có dáng người nhỏ thó, mái tóc pha sương. Dù đã ngoài 60 tuổi song bà vẫn giữ được giọng nói khoẻ khoắn, tác phong nhanh nhẹn. Trước đây, bà làm kế toán cho một cửa hàng thực phẩm ngoài thị trấn. Sau khi nghỉ, bà về sinh hoạt tại xóm. Thấy bà là người năng nổ, nói năng hoạt bát, năm 2008 người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm và đảm nhiệm cho đến bây giờ.
Na Pặng vốn là một xóm nghèo của xã Ôn Lương với 116 hộ, 548 nhân khẩu. Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới xóm gặp nhiều khó khăn bởi số dân đông, diện tích rộng nhất xã (hơn 200 ha). Trong khi đó, 80% các hộ đều là dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế cộng với lối canh tác nông nghiệp lạc hậu nên thu nhập bình quân chỉ đạt 12 triệu đồng/người/năm (năm 2010). Bên cạnh đó, nhiều hộ dân chưa hiểu rõ về chủ trương xây dựng nông thôn mới nên còn có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Trước thực trạng đó, bà Ninh cùng với Ban công tác mặt trận xóm rà soát những tiêu chí chưa đạt và lựa chọn tiêu chí dễ làm trước, khó làm từng bước. Trong đó xác định, tiêu chí giao thông là then chốt cần phải làm ngay để tiếp tục thực hiện những tiêu chí khác. Song song với tuyên truyền, bà cùng các đoàn thể trong xóm xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, hạch toán chi phí đến giám sát, thẩm định… Mọi công việc đều được bà đưa ra bàn bạc công khai trong toàn xóm, khi mọi người thống nhất mới triển khai thực hiện. Với những hộ chưa “thông” bà cùng Ban công tác mặt trận xóm đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân hiểu. Phát huy tinh thần gương mẫu của người đi đầu, bà Ninh tự nguyện đóng góp tiền và hiến (khoảng 1.000m2) đất để làm đường. Thấy bà miệng nói tay làm, nhân dân trong xóm cũng vui vẻ hiến theo. Thế là đường cứ đi qua nhà ai, nhà ấy tự nguyện hiến đất. Người hiến nhiều nhất phải kể đến ông Nguyễn Văn Hải với hơn 4.000m2…Từ năm 2013 đến nay, xóm Na Pặng đã đổ bê tông được gần 3km các trục đường, trong đó người dân đóng góp gần 1 tỷ đồng, trên 30 hộ dân hiến đất với 14.000 m2.
Năm 2012, nhà văn hoá xóm dù được xây dựng khang trang nhưng vẫn thiếu sân chơi cho trẻ em. Không ngần ngại, bà lại vận động các hộ nhường lại mảnh đất ở vị trí đắc địa này để đổi lấy mảnh đất của xóm nằm ở vị trí khó khăn hơn. Bà nhờ cán bộ địa chính ưu tiên hoàn thiện sổ đỏ cho các hộ đổi đất cho xóm. Được bà phân tích, nhìn thấy sự quyết liệt trong cách làm của bà, các hộ dân đều đồng ý. Nhờ vậy xóm có sân bóng rộng rãi, có sân khấu ngoài trời, phục vụ cho nhu cầu văn nghệ, thể thao của xóm.
Với người dân Na Pặng, từ lâu họ xem bà Ninh như người thân trong gia đình, bởi bà luôn sát cánh cùng họ trên mọi công việc, phát triển kinh tế, giảm nghèo, vận động bà con tham gia xây dựng nông thôn mới, cho đến hoà giải những mâu thuẫn trong dân… Bà Đào Thị Dung, người dân trong xóm cho biết. Gia đình tôi vốn là hộ đặc biệt khó khăn của xóm. Nhờ có bà Ninh đứng ra “xin” nên tôi đã được xã trao cho một con bò giống trị giá 18 triệu đồng. Đến nay tôi đã bán được 3 con bò con, nhờ đó mà chúng tôi đã thoát nghèo.
Có đường bê-tông, nhà văn hoá, bà con thuận lợi hơn trong đi lại, hội họp, phát triển kinh tế. Bà Ninh lại tiếp tục vận động nhân dân tích cực tham gia các dự án được triển khai tại xóm như: Dự án “Quản lý và sử dụng đất có sự tham gia của người dân” do Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững SRD (Hà Nội) tổ chức nhằm giúp cho người dân, đặc biệt là những hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ dân tộc thiểu số có nhận quản lý diện tích rừng phòng hộ tăng thu nhập, đảm bảo sinh kế lâu dài, giảm phụ thuộc vào rừng; Dự án “Phát triển cộng đồng tổng hợp cấp thôn bản” của Tổ chức Bánh Mỳ cho thế giới (Đức)… Qua các dự án, người dân được tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ trang thiết bị máy móc như, tôn sao chè, máy cắt lúa, bể chứa nước, xây chuồng trại, nhà vệ sinh…; xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi, áp dụng phương pháp canh tác hiện đại nhằm tăng năng suất trên cùng một đơn vị diện tích; hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức…
Sau dự án, người dân tiếp tục nhân rộng, áp dụng các mô hình như : Canh tác lúa cải tiến theo phương pháp SRI, 30 hộ thực hiện mô hình cấy lúa nếp vải, nuôi giun quế…; áp dụng cơ giới hoá, khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp từng bước ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, 5 năm trở lại đây xóm Na Pặng có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên 25 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo giảm từ 32 hộ, nay xuống còn 5 hộ. Nhiều năm liền xóm đạt danh hiệu làng văn hoá.
Ông Nguyễn Thanh Hiền, Chủ tịch UBND xã Ôn Lương cho biết: So với các trưởng thôn khác trong xã, bà Ninh vừa nữ, là người cao tuổi nhất và cũng hết lòng vì nhân dân. Còn với bà, sự tín nhiệm của nhân dân là động lực lớn nhất để bà vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.