Xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá (Võ Nhai) hiện có 195 hộ dân với 900 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Mông chiếm tới 99%. Vài năm trở lại đây, đời sống kinh tế của người dân trong xóm từng bước được cải thiện.
Là địa bàn có nhiều núi đá, đất đai không màu mỡ nên việc phát triển kinh tế nông nghiệp của các hộ dân còn gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, trình độ dân trí thấp nên việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cũng còn hạn chế. Vì thế, con đường thoát nghèo của người dân nơi đây không hề dễ dàng. Với người dân nơi đây, nguồn thu nhập chính là từ sản xuất nông nghiệp, mía, ngô là loại cây trồng chính nhưng diện tích trồng mía ngày càng giảm, năm 2017 chỉ còn gần 20ha giảm 3 lần so với năm 2016. Nhằm phát triển sản xuất, giảm tỷ lệ hộ nghèo, những năm gần đây, xóm đã tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, sự quan tâm của tỉnh, huyện trong các chương trình như: chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135); chương trình xây dựng Nông thôn mới; Đề án 2037 “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh”. Năm 2015, 29 hộ nghèo của xóm đã được nhận hỗ trợ vốn từ Đề án 2037 với tổng số tiền là khoảng 870 triệu đồng để phát triển chăn nuôi (bình quân 30 triệu đồng/hộ). Sau 2 năm nhận thấy hiệu quả kinh tế của Đề án này, nhiều hộ dân khác cũng chủ động vốn mua con giống về nuôi, nay cả xóm có tới 120 hộ nuôi trâu, bò. Cuối năm 2016, nhiều hộ dân đã chuyển sang trồng rừng, chủ động về vốn, máy móc để mở rộng quy mô đất trồng rừng, phát triển kinh tế. Hiện nay, cả xóm có gần 400ha rừng, mỗi hộ đều có từ 0,5 đến 4 ha rừng keo, bạch đàn.
Đi dọc theo con đường bê tông trải dài, chúng tôi cảm nhận rất rõ sự đổi thay của xóm. Anh Dương Văn Ninh, xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá chia sẻ: Trước đây, tôi không biết làm công việc gì để cải thiện kinh tế gia đình nên đời sống rất khó khăn. Năm 2011, được sự hướng dẫn của chính quyền xã và lãnh đạo xóm, tôi đã trồng được gần 2ha rừng keo, lần thu hoạch đầu tiên bán được hơn 40 triệu đồng. Ngoài ra, để tăng thêm thu nhập hàng tháng, vợ chồng tôi còn đi làm rừng thuê cho các hộ khác trong xóm. Thu nhập trung bình mỗi tháng được hơn 4 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình tôi đã thoát nghèo từ năm 2015. Năm nay, tôi còn tiết kiệm đủ tiền để nâng cấp ngôi nhà gỗ tạm bợ, rộng 50m2 lên ngôi nhà gỗ rộng và chắc chắn hơn.
Vừa được công nhận thoát nghèo năm 2016, anh Má Văn Lý, xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá phấn khởi cho biết: Từ nguồn vốn của Đề án 2037, gia đình tôi được hỗ trợ 30 triệu đồng để mua trâu sinh sản, đến nay nó đã đẻ được một lứa, bán được 15 triệu đồng/con. Với quyết tâm thoát nghèo, tôi tích cực áp dụng kỹ thuật nuôi trồng theo theo hướng dẫn của cán bộ địa phương, nhờ vậy mấy năm nay gia đình tôi đã có của ăn của để. Hai năm trước tôi còn trồng mía làm đường nhưng do gần đây giá mía giảm nên tôi đã chuyển sang trồng 3ha rừng keo, bạch đàn để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, đề án, đến năm 2017 số hộ nghèo của xóm đã giảm hơn 13% so với năm 2016, hiện còn 93 hộ (chiếm 47,69%). Cùng với đầu tư của nhà nước về cơ sở hạ tầng đã góp phần thay đổi diện mạo của xóm. Ông Trương Văn Thông, Trưởng xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá cho hay: Trong thời gian tới, xóm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức người dân; tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.