Những ngày này, nông dân trong tỉnh đang tập trung thu hoạch rộ các loại cây màu vụ đông. Khác với những năm trước, năm nay, nông sản của bà con làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, giá cả cũng ổn định...
Đến cánh đồng xóm Ngọc Lâm, xã Linh sơn (T.P Thái Nguyên), chúng tôi cảm nhận được niềm vui của bà con khi rau màu giá cao, bán chạy. Những bịch nilon đựng rau được người bán, người mua xếp vội lên chiếc xe tải, xe máy chở đi khắp nơi tiêu thụ. Gia đình chị Vũ Thị Phượng, một hộ dân trong xóm vừa mới thu hoạch xong lứa súp lơ, hiện đang làm đất để trồng xà lách. Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Phượng phấn khởi nói: Lâu lắm rồi chúng tôi mới có được một vụ đông thắng lợi như năm nay. Mặc dù đầu vụ thời tiết có mưa nhiều, khó làm đất, rồi phải trồng đi trồng lại mới được lứa rau nhưng chúng tôi vẫn rất phấn khởi vì rau màu dễ tiêu thụ, giá cao. Đơn cử như súp lơ, đầu vụ chúng tôi bán được 20.000 đồng/ cây, rau cải ngọt 22.000 đồng/kg, bắp cải 20.000 đồng/kg, cà chua 25.000 đồng/kg, đỗ côve 18.000 đồng/kg. Hiện, giá các loại cây màu đã giảm khoảng 20% so với đầu vụ nhưng so với năm ngoái thì vẫn cao hơn gấp 3, 4 lần. Nhà tôi trồng 5 sào cây màu các loại, ước tính cho thu hoạch được gần 80 triệu đồng.
Tương tự, tại cánh đồng rau thuộc tổ 1, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), bà con nông dân cũng đang tất bật thu hoạch, chăm sóc rau màu, quay vòng không cho đất nghỉ. Anh Nguyễn Văn Ngân, người dân trong tổ nói: Năm nay rau được giá nên hầu như ngày nào nhà tôi cũng có mặt ở ruộng từ sáng sớm đến tối mịt để nhổ cỏ, bón phân, tưới rau. Với 2 sào đất, tôi trồng hành gối xà lách, rồi trồng cải làn, cải ngồng, su hào... Vài năm trước, rau chỉ được giá cao vào đầu vụ, còn lại thì giá rẻ mà bán cũng chẳng ai mua. Nhưng năm nay rau luôn giữ giá ổn định, có thương lái đến tận ruộng thu mua, trong đó được giá nhất là cây hành lá. Trồng hành chỉ sau khoảng 1 tháng là được thu từ 6-7 tạ/sào, với giá bán trung bình 40.000 đồng/kg, 1 sào nhà tôi cũng thu về hơn 24 triệu đồng.
Được biết, trong vụ đông năm nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 6.700ha cây rau màu các loại, đạt 103,7% kế hoạch. Đầu vụ, thời tiết có mưa nhiều đã ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp - PTNT đã khuyến cáo bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: Khi đất còn ướt cuốc lát nhỏ, san bằng phẳng, sau đó rắc phân chuồng hoai mục, phân tổng hợp rồi mới gieo hạt. Ngoài ra, khi lên luống cũng cần vét rãnh luống tới tầng đế cày để nước trong luống thoát ra nhanh, tạo độ thông thoáng, cung cấp oxy cho bộ rễ trao đổi chất được tốt hơn. Trong quá trình cây sinh trưởng, phát triển cần đảm bảo nguồn nước tưới đầy đủ và theo dõi tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Với chỉ đạo sát sao của ngành chức năng, các địa phương, cộng với sự cần cù chịu khó của bà con nông dân, nhiều diện tích rau màu bị dập nát do ảnh hưởng thời tiết đã nhanh chóng được khôi phục. Hiện, rau màu của bà con sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, giá cả cũng tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm trước.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ nay đến cuối mùa đông vẫn còn khoảng 4-5 đợt rét đậm, rét hại xuất hiện. Trong giá rét có thể kèm theo sương muối, gây hại cho cây trồng. Vì vậy, để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo nguồn nông sản phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, bà con nông dân trong tỉnh cần chủ động theo dõi tình hình thời tiết để có biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Trong những ngày trời có sương muối, bà con dùng thùng ô doa phun trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương để tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng mặt trời chiếu vào; đồng thời tăng cường bón phân Kali cho cây. Trong thời gian tới, để tránh hiện tượng mất cân bằng cung - cầu, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo các hộ dân, các địa phương chuyên canh rau màu vụ đông cần có cơ cấu hợp lý, rải vụ, cân đối giữa các loại cây trồng ăn lá, ăn quả, ăn củ… để có thể cung cấp ngay cho thị trường lại vừa cất trữ, bảo quản được.