Công nghiệp về làng

09:41, 17/02/2018

Nhiều miền quê nông thôn yên bình trước đây giờ trở nên sôi động hẳn với sự xuất hiện của các làng nghề mà ở đó máy móc, thiết bị hiện đại hỗ trợ sản xuất được ứng dụng ngày một phổ biến. Không ít nông dân đã trở thành công nhân khi ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp phát triển. Công nghiệp về làng, khoan hãy nói đến một vài tác động ngoại vi, cái được lớn nhất chính là thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của người dân nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thön Giã Trung, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên trước kia (nay là T.X Phổ Yên) vốn được biết đến là vùng đất nông nghiệp thuần túy. Dù ở đây có nghề truyền thống mộc mỹ nghệ, nhưng thuần chất vẫn là người nông dân làm nghề thủ công. Tiếng là làm đồ mộc nhưng bao năm nay người thợ chỉ quanh quẩn với cái cưa, bào, đục, sử dụng chân tay để lao động giữ nghề. Mãi tới gần đây, khi làng nghề chính thức được tỉnh công nhận, Giã Trung mới bắt đầu có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp và thị trường. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Minh, thành viên trong làng nghề cho biết: Về cơ bản xưởng của chúng tôi đã có đầy đủ máy móc, thiết bị cần thiết phục vụ sản xuất ở tất cả các khâu. Trước đây, để đục xong các chi tiết trên một sản phẩm phải tốn ít nhất 3 công thợ, nhưng nay với máy đục vi tính hiện đại, có thể hoàn thành cùng lúc 8 đầu sản phẩm với độ chính xác cao, thời gian rút ngắn 2 phần so với trước.

Được biết, trong số 165 hộ tham gia làm đồ gỗ mỹ nghệ của làng thì 100% số hộ đã đầu tư máy móc phục vụ sản xuất. Hiện cả làng có trên 80 máy đục, máy xẻ gỗ bằng vi tính và gần 350 máy bào, máy cưa đứng các loại. Đáng mừng là năm qua, Hiệp hội làng nghề của tỉnh và Sở Công Thương đã chọn Giã Trung để nhân rộng làng nghề điểm và bước đầu hỗ trợ 220 triệu đồng cho 4 hộ trong làng mua máy xẻ gỗ vi tính.

Giã Trung giờ như khoác thêm áo mới, đường làng, ngõ xóm được trải bê tông, sạch đẹp, đời sống người dân cải thiện hơn trước, thu nhập bình quân người lao động đạt từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng, số hộ nghèo của thôn giảm xuống còn 8,6% (có thời điểm lên tới 40%). Cái được nhất của làng nghề chính là chuyển từ sản xuất đồ gỗ gia dụng thông thường sang đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp với giá trị sản xuất trung bình cả làng đạt trên 100 tỷ đồng mỗi năm.

Phải thừa nhận, khi ngành công nghiệp phát triển và lan rộng đến các thôn xóm, làng bản, nhất là ở nơi có các làng nghề, làng nghề truyền thống, không chỉ diện mạo nông thôn thay đổi mà thu nhập người dân cũng àûúåc nêng lïn. CHúng tôi được chứng kiến sự thay đổi đó ở hầu khắp các địa phương làm nghề chè trong tỉnh. Cuối năm về huyện Phú Lương công tác, chúng tôi có dịp ghé vào thăm hai làng nghề chè, một tại xã Yên Lạc và một tại xã Tức Tranh. Yên Lạc có làng nghề chè truyền thống Yên Thủy 4 mà mới đây được Hiệp hội Làng nghề tỉnh hỗ trợ 1 máy hút chân không, 38 tôn quay và 37 máy vò chè, tổng trị giá trên 290 triệu đồng. Việc hỗ trợ chỉ nhằm khích lệ, động viên bởi thực chất nông dân Yên Thủy 4 đã biết đưa máy móc vào làm chè từ khá sớm.

Còn ở Tức Tranh, làng nghề chè Khe Cốc nổi tiếng, máy móc thiết bị công nghiệp cũng đã được ứng dụng phổ biến một vài năm gần đây. Từ công đoạn hái, sao, vò, sấy, đóng gói đều được người dân làng nghề sử dụng máy móc hiện đại. Gần đây, làng nghề lại được hỗ trợ một bộ máy sao li tâm đốt gas với động cơ một chiều, công suất 0,75 Kw, tốc độ quay 30 vòng/phút có thể sao mỗi mẻ 12 kg chè tươi và lấy hương mỗi mẻ 25 kg. Người làm chè ở Khe Cốc cho biết, máy sao li tâm đốt gas giúp bà con giảm sức lao động, nâng cao thu nhập khoảng 20% so với trước.

Đối với làng nghề miến Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) cũng vậy. Trước đây, các thành viên trong làng chủ yếu làm miến thủ công xay, giã, giần, sàng, nhưng nay gần như các khâu chế biến đều do máy móc đảm đương. Cả xóm có 115 hộ dân trong đó có 36 hộ làm nghề. Hàng năm, làng nghề xuất ra thị trường khoảng 450 tấn miến thành phẩm, doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng. Trưởng xóm Việt Cường, ông Đỗ Văn Đạt cho hay, chúng tôi đã sử dụng máy khuấy bột, máy ép thủy lực, máy cán để làm sợi miến. Từ khi có máy móc hỗ trợ, ngoài năng suất cao hơn còn giúp sợi miến đều, đẹp và chất lượng hơn trước, nhất là luôn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thông tin từ ông Bùi Quang Huân, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 220 làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó trên 90% là làng nghề chè. Trong tất cả các làng nghề thì làng nghề mộc, mỹ nghệ tuy không nhiều nhưng đang đứng đầu cả tỉnh về đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất. Một số thành viên trong các làng nghề này đã mạnh dạn đầu tư máy móc từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, còn phổ biến là các loại máy từ 15 đến 20 triệu đồng…

Qua đây có thể khẳng định, hệ thống các làng nghề trong tỉnh đã và đang đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Việc người làm nghề ở các địa phương có ý thức đầu tư và biết áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất là điều đáng mừng với một tỉnh đang phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.