Hiệu quả từ sự cạnh tranh

16:54, 24/02/2018

Nhờ những kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực trong những năm gần đây nên Thái Nguyên ngày càng thu hút được nhiều NH lựa chọn để mở chi nhánh. Ngoài 27 tổ chức tín dụng hiện có thì trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm ít nhất 3 chi nhánh NH nữa được khai trương. Điều này đang và sẽ giúp doanh nghiệp (DN) cũng như người dân được hưởng lợi khá nhiều vì có thêm cơ hội để lựa chọn sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ NH…

Tính đến đầu năm 2014, toàn tỉnh có 22 chi nhánh cấp I của các tổ chức tín dụng, 10 chi nhánh NH thương mại cấp II trực thuộc NH Nông nghiệp và PTNT, 62 phòng giao dịch thuộc các chi nhánh, với 137 máy rút tiền tự động (ATM), 306 điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ (máy POS) thì đến nay, số chi nhánh cấp I của các tổ chức tín dụng đã tăng lên 27, với 105 phòng giao dịch, 208 cây ATM, 875 máy POS. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện còn có 361 điểm giới thiệu dịch vụ của 4 công ty tài chính. Cùng với đó, có 3 NHTMCP (gồm Bảo Việt, Tiền Phong, Phát triển Nhà T.P Hồ Chí Minh) đã được NHNN cấp phép mở chi nhánh tại tỉnh ta và hiện nhiều chi nhánh cũng đang tiến hành thành lập các phòng giao dịch. Riêng NHTMCP Bưu điện Liên Việt sẽ mở phòng giao dịch ở tất cả các huyện, thành, thị.

Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh: Với sự có mặt ngày càng nhiều các chi nhánh NH và phòng giao dịch đã giúp người dân, DN tiếp cận nguồn vốn cũng như sử dụng các dịch vụ khác của NH trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Đồng thời góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Nếu như hết năm 2014, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn mới đạt 25,4 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt hơn 27,2 nghìn tỷ đồng thì đến hết tháng 1-2018, tổng nguồn vốn huy động đã đạt 47.365 tỷ đồng; còn dư nợ cho vay đạt 47.461 nghìn tỷ đồng. Nhìn lại hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh những năm qua nói chung, năm 2017 nói riêng, ông Bùi Văn Khoa cho rằng, một trong những thành công của hệ thống NH trên địa bàn tỉnh chính là đã triển khai đầy đủ các chính sách tiền tệ quốc gia và tham mưu kịp thời cho Thống đốc NHNN những biện pháp để xây dựng chính sách có liên quan. Đáng chú ý, trong khi trước đây, việc tăng trưởng chỉ tiêu tín dụng thường bắt đầu từ quý II và tăng mạnh từ quý III, thì khoảng 3 năm trở lại đây, với nhiều giải pháp phù hợp của các NH, cộng với hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh của phần lớn DN nên chỉ tiêu này đã có sự tăng trưởng ngay từ những tháng đầu của năm. Đơn cử như ngay tháng 1-2018, dư nợ cho vay đã tăng tới gần 1,3 nghìn tỷ đồng (tương ứng 2,52%) so với cuối năm 2017 và dự kiến 2 tháng đầu năm chỉ tiêu này sẽ tăng 3,19%. Trong số này, có đến trên 85% nguồn vốn được “đổ” vào sản xuất - kinh doanh trực tiếp. Cùng với đó, nhờ sự ra đời của Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã giúp các NH thuận lợi hơn trong việc xử lý nợ xấu, giúp củng cố, nâng cao hơn chất lượng tín dụng. Hiện, tỷ lệ nợ xấu của các NH trên địa bàn tỉnh chỉ là 0,76% trên tổng dư nợ.

Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh, Chủ tịch Hội DN T.P Thái Nguyên chia sẻ: Vốn luôn được xem là yếu tố không thể thiếu, thậm chí mang tính chất quyết định đến sự tồn tại hay thành, bại của hầu hết DN. Nếu như trước đây, việc tiếp cận nguồn vốn NH còn có nhiều khó khăn, thì giờ đã rất thuận lợi. Chính sự xuất hiện ngày càng nhiều chi nhánh đã khiến mỗi NH phải tự nâng cao ý thức phục vụ cũng như đưa ra các sản phẩm cạnh tranh. Việc ổn định lãi suất huy động và cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ đã giúp các DN hoạt động hiệu quả hơn. Ngay những ngày đầu năm 2018, việc 4 NH lớn cùng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ở những lĩnh vực ưu tiên và giữ ổn định ở các lĩnh vực khác tiếp tục giúp các DN yên tâm và tự tin hơn trong hoạt động. Bởi thế, ông Quang cho rằng, năm 2018 sẽ là năm tiếp tục đánh dấu sự thành công của DN.

Cũng chung nhận định với ông Phạm Văn Quang, ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Thái Nguyên -  Chi nhánh có số dư nợ cho vay DN lớn nhất trong hệ thống NH, thông tin: Nếu như năm 2017, trung bình mỗi tháng, doanh số cho vay của Chi nhánh đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, thì 2 tháng đầu năm nay, con số này đạt trên 3.000 tỷ đồng/tháng. Cùng với chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng là 16%, nguồn vốn huy động 17% thì một trong những mục tiêu mà Chi nhánh chú trọng thực hiện trong năm 2018 đó là tiếp tục cơ cấu lại nền khách hàng, theo hướng tăng tỷ trọng cho vay đối với khách hàng cá nhân, khách hàng DN nhỏ và vừa... nhằm đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhất cũng như để nâng cao chất lượng tín dụng.

Năm 2018, mục tiêu mà hệ thống NH trên địa bàn tỉnh đưa ra là tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 17% (có điều chỉnh theo chỉ đạo của NHNN); nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1%. Với những dự báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tiếp tục có những chuyển biến tích cực cũng như từ kết quả khả quan trong hoạt động qua gần 2 tháng đầu năm cho thấy, việc thực hiện các mục tiêu này sẽ không phải là quá khó. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều NH thì chính mỗi NH sẽ phải đối mặt với nhiều hơn khó khăn khi mà sự cạnh tranh giữa các NH ngày càng khốc liệt nhằm thu hút và giữ chân khách hàng.