Nỗ lực để tự cân đối thu - chi

10:49, 06/02/2018

Nếu như năm 2011, tổng thu ngân sách của tỉnh mới đạt 3.660 tỷ đồng (trong đó có 400 tỷ đồng quản lý qua ngân sách) nên khả năng tự cân đối của tỉnh mới đảm bảo được 42% thì đến năm 2017, con số này đã đạt 80% và mục tiêu mà Thái Nguyên đưa ra là chậm nhất đến năm 2020 sẽ tự cân đối được thu - chi và có một phần kết dư chuyển về ngân sách trung ương. Kết quả này phần nào cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cũng như mỗi người dân.

Năm 2017 là năm thứ 3 liên tiếp đánh dấu sự thành công lớn của tỉnh trong công tác thu ngân sách, với kết quả đạt xấp xỉ 12,6 nghìn tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2016, bằng 139,6% so với dự toán được giao. Đây là năm đầu tiên Thái Nguyên vượt ngưỡng thu 10 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa đạt gần 9,9 nghìn tỷ đồng; còn lại hơn 2,7 nghìn tỷ đồng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Với kết quả này, Thái Nguyên đứng thứ 18 cả nước về thu nội địa; đứng thứ 16 về số thu ngân sách. Cũng nhờ đó, trong năm, chi cho đầu tư phát triển của tỉnh đã đạt gần 3,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2016. Qua đó đã góp phần tác động tích cực trở lại đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực tế ở nước ta cho thấy, số thu ngân sách là một trong những yếu tố thể hiện rõ nhất sức khỏe của nền kinh tế, bởi số thu chỉ đạt cao khi các chỉ tiêu chủ yếu khác cũng đạt kết quả tích cực. Điều này phần nào được minh chứng qua các con số: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt 12,75% (vượt kế hoạch 0,75%); giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 571,4 nghìn tỷ đồng; giá trị xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 23 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2016, bằng 109,4% so với kế hoạch; GRDP bình quân đầu người ước đạt 68 triệu đồng; giá trị xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 23,5 tỷ USD, tăng 23,4% so với năm 2016, đạt 112% kế hoạch; số lao động được tạo việc làm mới tăng thêm cả năm đạt 21,4 nghìn lao động, bằng 142,8% kế hoạch hoạch; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,21%, hiện còn 9%... Với những kết quả này đã đưa Thái Nguyên tiếp tục trở thành điểm sáng của cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, cũng như thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Có thể nói, những kết quả mà tỉnh đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2017 cho thấy rõ sự đúng đắn trong định hướng cũng như quyết tâm chính trị rất lớn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở; sự nỗ lực vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cũng như sự ủng hộ, ý thức tự giác, chấp hành của người dân với những mục tiêu, định hướng chung của tỉnh. Nhắc lại số thu ngân sách của tỉnh cách đây 20 năm tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp tiêu biểu trong nộp thuế của tỉnh năm 2017 do Cục Thuế tổ chức hồi cuối tháng 12 vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Tỏ đã nhấn mạnh: Năm 1997, khi mới tách tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn, thu ngân sách của tỉnh mới đạt 204 tỷ đồng, thì nay, số thu này đã gấp 63 lần.

Ở một khía cạnh cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Để các doanh nghiệp cảm nhận được môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, yên tâm hoạt động, mở rộng quy mô, ngành Thuế luôn chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh; tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế; triển khai có hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, tích cực triển khai và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đăng ký khai thuế, nộp thuế điện tử…

Còn theo ông Dương Minh Đức, Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan Thái Nguyên với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm qua của tỉnh đạt gần 50 tỷ USD, chiếm 11,7% cả nước, cho thấy sự khởi sắc mạnh mẽ trong phát triển kinh tế của tỉnh. Đặc biệt là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Được biết, tính đến cuối năm 2012, Thái Nguyên còn đứng ở vị trí thứ 44/63 tỉnh, thành trong cả nước về thu hút nguồn vốn FDI, thì đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đã có 130 dự án, với tổng số vốn đăng ký trên 7,4 tỷ USD (tương đương khoảng 166 nghìn tỷ đồng), đứng thứ 11 cả nước.

Ông Choi Yun Beom, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) chia sẻ: Quá trình đầu tư và đi vào hoạt động tại Thái Nguyên, SEVT và các doanh nghiệp khác luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất của tỉnh. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ này. Năm 2018 là năm đầu tiên SEVT bắt đầu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng kế hoạch kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất để đóng góp vào số thu ngân sách của tỉnh tốt nhất. Qua đó, chúng tôi cũng muốn đền đáp lại những ưu ái mà Thái Nguyên đã dành cho SEVT trong suốt những năm qua.
Không phải dễ dàng gì để một lãnh đạo của tập đoàn lớn như SEVT lại dành những lời nhận xét đầy tốt đẹp khi nói về môi trường đầu tư kinh doanh tại Thái Nguyên. Không những thế, thời gian qua, người đứng đầu của tỉnh Thái Nguyên và người đứng đầu của SEVT đã đưa ra cam kết rằng: “Samsung vì Thái Nguyên và Thái Nguyên vì Samsung”. Điều này phần nào được minh chứng khi mà với 9 nội dung Samsung đề nghị trong năm 2017, tỉnh Thái Nguyên đã giải quyết được trên 8 nội dung, còn một nửa nội dung, tỉnh đang thống nhất giải quyết theo lộ trình. Ngược lại, trước những đề nghị của tỉnh, Samsung cũng đã và đang nỗ lực giúp đỡ hết mình, nhất là trong công tác an sinh xã hội, tuyển lao động là người hộ nghèo. Hiện, trong số 17 nghìn lao động là người Thái Nguyên làm việc tại Samsung (chiếm khoảng 25% lao động của Samsung tại Thái Nguyên), thì có tới 7,5 nghìn lao động thuộc hộ nghèo của tỉnh. Sở dĩ có được con số này là bởi SEVT đã ưu ái cả về độ tuổi, sức khỏe, trình độ… đối với lao động là hộ nghèo của tỉnh. Giờ đây, đã thành quy ước, mỗi quý 1 lần, Thường trực Tỉnh ủy sẽ có 1 buổi làm việc với lãnh đạo SEVT để cùng trao đổi, giải quyết những vấn đề mà 2 bên cùng quan tâm.

Không chỉ với SEVT, mà đối với cộng đồng các doanh nghiệp nói chung, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều luôn nhất quán quan điểm tăng cường gặp gỡ, trao đổi, đối thoại để mọi khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đều được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo lợi ích và sự phát triển hài hòa giữa các bên. Từ đó, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN, cũng như tăng thu cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư yên tâm hoạt động và mở rộng quy mô.

Có thể nói, với những kết quả đạt được của năm 2017 sẽ là tiền đề quan trọng để chúng ta tự tin bước vào thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH năm 2018 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Sẽ có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng tiềm ẩn không ít khó khăn, thách thức. Và trong số các chỉ tiêu được giao, thu ngân sách là một trong những chỉ tiêu khó, khi mà tỷ lệ giao tăng so với năm 2017 lên tới 45,5% (13.112 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa 9.912 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 3.200 tỷ đồng). Dù vậy, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân và mỗi người dân, tin tưởng các mục tiêu của năm 2018 sẽ tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức, để chậm nhất đến năm 2020, Thái Nguyên sẽ tự cân đối được thu - chi và có một phần kết dư về ngân sách trung ương theo đúng lộ trình mà tỉnh đưa ra.