Những năm qua, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) đã triển khai đồng bộ, đa dạng và thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế nhằm hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập.
Có dịp trở lại xã Tiên Phong trong những ngày đầu năm mới, chúng tôi được chứng kiến cảnh người dân địa phương hối hả ra đồng bắt tay vào vụ sản xuất mới. Trên con đường bê tông phẳng phiu trải dài đến từng ngõ xóm, tiếng máy đục, máy xẻ gỗ tại các làng nghề hoạt động náo nhiệt. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Giáp, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Phong cho biết: Tiên Phong là xã ATK của T.X Phổ Yên, tỷ lệ hộ nghèo khá cao trên 13% (năm 2012). Cách đây khoảng 3 năm, do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên hầu hết những người trong độ tuổi lao động tại địa phương phải mưu sinh kiếm sống xa nhà. Xác định nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, xã đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay từ các ngân hàng để phát triển sản xuất. Đồng thời, triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con áp dụng vào sản xuất. Trong số những giải pháp đưa ra, xã ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Cùng với đó, các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước và địa phương đối với các hộ nghèo, vùng nghèo được xã triển khai thực hiện khoa học, hiệu quả.
Dẫn chúng tôi đi thăm xưởng mộc với diện tích 450m2 của gia đình, anh Hoàng Xuân Kỳ, xóm Đồng Xuân cho biết: Trước đây, gia đình chỉ trồng màu và cấy lúa nên thu nhập bấp bênh. Sau một vài năm làm thuê cho các xuởng mộc tại tại địa phương, năm 2012, tôi đã vay Ngân hàng Nông nghiệp T.X Phổ Yên số tiền 100 triệu đồng để mở xưởng mộc mỹ nghệ tại nhà. Việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi nên hằng năm, xưởng mộc mang lại nguồn thu thu nhập khoảng 500 triệu đồng, nhờ đó, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá. Với lợi thế có Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Giã Trung, Làng nghề mây tre đan truyền thống Thù Lâm và Hảo Sơn phát triển, những năm gần đây, xã Tiên Phong đã tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn xã có 606 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, 15 cơ sở xây dựng, 66 cơ sở vận tải kho bãi. Năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên điạ bàn xã đạt 391 tỷ đồng, trên 1.200 lao động địa phương được giải quyết việc làm. Để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, năm qua, xã cũng đã phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho khoảng 400 lượt hộ dân các làng nghề vay vốn với tổng dư nợ trên 50 tỷ đồng; phối hợp với Hiệp hội làng nghề tỉnh hỗ trợ 4 hộ dân ở làng nghề Giã Trung mua sắm máy chế biến gỗ với kinh phí 220 triệu đồng. Năm 2018, từ nguồn vốn của chương trình hỗ trợ xã ATK, xã sẽ đầu tư bê tông hóa tuyến đường từ trung tâm xã nối với các làng nghề, chiều dài hơn 500m, rộng 5m. Từ đó, góp phần thúc đẩy làng nghề phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.
Không chỉ chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, xã còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống lúa lai, cây màu vào gieo trồng nhằm nâng cao thu nhập. Điển hình có thể kể đến mô hình trồng khoai tây Marabel, quy mô hơn 5ha ở thôn Nguyễn Hậu; mô hình trồng bí xanh, quy mô hơn 1ha ở thôn Thù Lâm; mô hình trồng nấm Linh chi đỏ tại xóm Trung Quân… Từ sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền địa phương cùng sự chủ động của người dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, năm 2017, giá trị sản xuất trên 1ha đất noogn nghiệp của xã đạt trên 80 triệu đồng (tăng 5 triệu đồng so với năm 2016); sản lượng lương thực cây có hạt đạt gần 7.500 tấn. Hiện, toàn xã có 30 trang trại và gia trại chăn nuôi gà, lợn, tập trung chủ yếu tại các xóm: Định Thành, Hoà Bình, Quyết Tiến với tổng đàn trên 70 nghìn con gia cầm, hơn 14 nghìn con lợn.
Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, xã Tiên Phong cũng chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương. Từ nguồn vốn hỗ trợ xã ATK, năm 2017, xã Tiên Phong đã đầu tư xây dựng 2km đường giao thông nông thôn; hoàn thiện công trình cải tạo, sửa chữa cống Khanh Đàng; sửa chữa 620m kênh mương cấp II; hoàn thiện 2 nhà lớp học 2 tầng tại Trường THCS và Trường Tiểu học Tiên Phong 1… Thực hiện xây dựng nông thôn mới, người dân trong xã cũng đã hiến hơn 9.000m2 đất và đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để làm 8km đường giao thông và xây dựng một số công trình công cộng khác.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phát triển kinh tế, diện mạo nông thôn mới của xã Tiên Phong đã có những khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 6%; thu nhập bình người đạt 41,2 triệu đồng/người/năm (năm 2012 là 17 triệu đồng); 100% hộ dân có phương tiện đi lại, thông tin liên lạc và được sử dụng điện lưới Quốc gia; phong trào văn nghệ, thể thao ngày càng phát triển… Với mục tiêu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2018, hiện nay, xã Tiên Phong đang tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, chính sách của Nhà nước giúp hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Đồng thời, tranh thủ mọi nguồn đầu tư để thực hiện các dự án, chương trình đầu tư xây dựng cơ bản của như: đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa, trường học…