Trời se lạnh, hoa đào nở chào đón tiết trời vào xuân, chúng tôi đến xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) nơi có những đồi chè như bát úp. Người dân nơi đây sống chủ yếu nhờ vào cây chè, gia đình nào ít nhất cũng có vài sào chè, nhiều thì hàng hec-ta, có những gia đình thu về bạc tỷ mỗi năm… từ chè.
Giới thiệu với chúng tôi vườn chè được đốn tỉa cẩn thận, xung quanh còn được trồng những luống hoa đồng tiền đang nở rộ, ông Lê Quang Nghìn, xóm Hồng Thái 2 huơ tay về phía trước, nói: “Khu vườn nhà tôi rộng 8.000m2, trồng chè theo quy trình VietGAP. Ngoài trồng và chế biến chè, gia đình tôi còn làm du lịch cộng đồng, đón khách đến trải nghiệm, tham quan vườn chè; trong năm 2017, gia đình tôi đã đón và phục vụ khoảng 900 lượt khách trong nước và quốc tế. Nếu tính tổng thu nhập mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng hơn một tỷ đồng.
Rời gia đình ông Nghìn, đi qua những đồi chè búp xanh tua tủa, chúng tôi đến gia đình ông Trần Văn Thắng, cũng ở xóm Hồng Thái 2. Vừa đến cổng, chúng tôi đã ấn tượng bởi hàng chữ cỡ lớn “Tân Cương - Thắng Hường” xếp dưới vườn chè thoai thoải, xung quanh hàng chữ là hoa dâm bụt, hoa mua Tây. Anh Thắng bảo, mình hay ra trung tâm T.P Thái Nguyên để giao bán chè, thấy gần đường tròn thành phố trang trí đẹp thì học tập để khách đến đây mua chè ngắm cho vui mắt. Cách giải thích mộc mạc, đặc chất nông dân của anh Thắng lại chẳng giống với dáng vẻ hoạt bát của anh chút nào. Trong lúc chuyện trò, chúng tôi thấy anh hết nghe điện thoại giao dịch với khách hàng lại ngồi vào bàn máy tính để nhập hàng hóa bán cho các đại lý.
Anh Thắng cho biết: Gia đình tôi chủ yếu chế biến chè cao cấp như: Chè móc câu, chè nõn, chè đinh, giá bán khoảng từ 500 nghìn đồng đến 2.000.000 đồng/kg chè. Cơ sở sản xuất của gia đình anh Thắng lúc nào cũng có từ 15 đến 20 công nhân. Những năm gần đây, gia đình anh chú trọng đầu tư thiết bị chế biến chè và nhà xưởng. Khu nhà xưởng chế biến chè rộng 700m2, với đầy đủ thiết bị chế biến và bảo quản chè như: máy sao chè, vò chè, máy lấy hương chè, máy lạnh để bảo quản chè… Ngoài chế biến, gia đình anh Thắng có 9.000m2 chè được đầu tư công phu, quanh năm cho thu hoạch. Toàn bộ hệ thống tưới tiêu đều trang bị bằng vòi phun tự động. Riêng năm 2017, gia đình anh Thắng đạt doanh thu từ chè là trên 2 tỷ đồng. Cũng nhờ đó mà gia đình anh đã “tậu” được chiếc xe ô tô hơn 1 tỷ đồng.
Đóng gói sản phẩm tại cơ sở sản xuất chè Hảo Đạt, xã Tân Cương.
Về Tân Cương, chúng tôi còn được cán bộ khuyến nông xã dẫn đến cơ sở sản xuất chế biến chè của gia đình chị Đào Thị Hảo, xóm Nam Tân - một doanh nghiệp có tiếng trong xã. Ngoài trồng 3 hec-ta chè, gia đình chị còn thu mua chè sạch trong vùng về gia công, chế biến. Chị đầu tư hai xưởng sản xuất, đóng gói chè rộng khoảng hơn 2.000m2, với máy móc chế biến, đóng gói và bảo quản chè hiện đại. Để phục vụ cho việc kinh doanh chè, gia đình chị còn mua 3 chiếc xe ô tô, tổng trị giá trên 2 tỷ đồng để chuyên chở chè đi giao bán. Người phụ nữ, doanh nhân mảnh mai này trong năm cũng đã nhận được nhiều niềm vinh dự. Trong ngôi nhà khang trang, bề thế, đầy đủ tiện nghi đắt tiền, chị Hảo khoe với chúng tôi những bức ảnh chị chụp tại Chương trình “Tự hào nöng dên Viïåt Nam 30 nùm àöíi múái” và “Lễ trao thưởng nông dân xuất sắc toàn quốc năm 2017” diễn ra tại Hà Nội trong tháng 10-2017, chị là một trong những nông dân xuất sắc tiêu biểu được nhận giải. Chị Hảo tự hào nói với chúng tôi: Ông bà, bố mẹ chẳng để lại của nả gì cho tôi ngoài nghề trồng chè. Nhưng cũng chính nghề ấy đã giúp tôi phát triển kinh tế gia đình như ngày hôm nay, tôi rất biết ơn tổ tiên, đặc biệt là cụ Tổ nghề chè của vùng đất Tân Cương này”.
Nhấp chén trà xanh, nóng hổi, hương nồng nàn tôi hiểu hương vị này chỉ riêng có ở vùng đất Tân Cương. Tại khuôn viên Không gian văn hóa Chè Tân Cương, chúng tôi được Ông Ngô Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương cho biết: Hầu hết các gia đình ở đây đều tận dụng thế mạnh của vùng đất này để làm ra sản phẩm chè, có rất nhiều gia đình thu về tiền tỷ mỗi năm. Chúng tôi luôn đề cao giá trị của cây chè và xác định là cây trồng mũi nhọn. Trong năm 2017, diện tích chè của xã đạt gần 350ha; hiện thu nhập bình quân của người dân trong xã là gần 40 triệu đồng/người/năm. Trong những năm qua, tỉnh và T.P Thái Nguyên luôn quan tâm, giúp bà con trong xã trồng và chế biến chè bằng việc hỗ trợ hệ thống tưới tiêu hiện đại; khuyến khích người dân đưa giống chè mới vào canh tác thay thế giống chè cũ kém năng suất.
Rời Tân Cương lúc mặt trời xuống núi, hình ảnh những “đại gia chân đất” ở vùng quê này thật sự làm chúng tôi ấn tượng. Về trung tâm thành phố, tôi chợt nhìn thấy tấm băng rôn treo dòng chữ “Nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên được bảo hộ tại Mỹ” ở một số tuyến phố đông người qua lại, đây là niềm vui đối với tất cả những người trồng chè trên địa bàn tỉnh, trong đó có người trồng chè Tân Cương. Và họ sẽ tiếp tục đưa hương chè lan tỏa.