Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 213/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư song phương giữa Việt Nam với các nước đối tác chiến lược, quan trọng”.
Mục tiêu của Đề án nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước có quan hệ đối tác chiến lược và quan trọng, góp phần tăng trưởng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về hội nhập.
Cụ thể, Đề án nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, cải cách thủ tục hành chính đồng bộ, cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để có thể tham gia một cách sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng lợi thế kinh doanh từ các nước đối tác chiến lược, quan trọng và nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, tạo sự gắn kết hợp lý, tập trung vào hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư theo trọng tâm. Đồng thời, đẩy mạnh sự phối hợp gắn kết với các bộ, sở, ban ngành, Hiệp hội trong và ngoài nước trong quá trình thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư góp phần vào quá trình cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư của Việt Nam; nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện phương thức sản xuất áp dụng công nghệ cao đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; tăng cường kết nối giữa khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.
Cùng với đó, góp phần nâng cao năng lực của những người làm công tác xúc tiến thương mại, đầu tư tại các địa phương và các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cung cấp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông tin cụ thể, chuyên sâu về ngành hàng, thị trường, dự báo các biến động về chính trị, tỷ giá…; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhằm nâng cao kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, các FTA song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia, tận dụng hiệu quả các cơ hội thuận lợi từ Hiệp định thương mại đầu tư mà Việt Nam đã ký kết; tăng cường kêu gọi các dự án đầu tư từ các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ thuộc các nước đối tác chiến lược và quan trọng vào Việt Nam; tăng cường phối hợp giữa VCCI với các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề; giữa các cơ quan trong nước với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
Các hoạt động của Đề án được xây dựng nhằm góp phần đáp ứng đòi hỏi nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp, khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chú trọng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; theo đúng tinh thần Nghị quyết số 06/NQ-TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Chủ thể triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư tại Đề án này là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, phối hợp với các cơ quan Chính phủ. Các hoạt động của đề án được xây dựng trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp từ các nước đối tác chiến lược, quan trọng, sáng kiến của VCCI và các đối tác là các Phòng Thương mại và Công nghiệp, các Hiệp hội doanh nghiệp các nước. Hình thức hoạt động này theo xu hướng đẩy mạnh chuyển giao các dịch vụ công về xúc tiến thương mại, đầu tư từ Chính phủ sang các hiệp hội doanh nghiệp.
Thông qua triển khai các hoạt động của Đề án, VCCI sẽ báo cáo, kiến nghị Chính phủ các giải pháp nhằm góp phần cải cách thể chế hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chung của Việt Nam và của các địa phương, từng bước khắc phục những khó khăn, tồn tại hiện nay trong quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước đối tác chiến lược, quan trọng.
Các hoạt động sẽ tập trung vào nghiên cứu chuyên sâu, khảo sát, đánh giá nhu cầu, hạn chế, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đánh giá tiềm năng thị trường, ngành hàng quan trọng, xác định, lựa chọn thị trường thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư theo ngành, lĩnh vực cụ thể; tăng cường cơ chế đối thoại hai chiều công - tư nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc tăng cường các hoạt động đối thoại, giao lưu giữa cơ quan chính quyền các cấp với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, tạo niềm tin cho doanh nghiệp; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế, môi trường kinh doanh…
Cùng với đó, tăng cường các công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa - nhỏ (SMEs) tiếp cận công nghệ tiên tiến, đổi mới sản xuất, tạo thuận lợi cho khối SMEs tiếp cận thị trường các nước đối tác chiến lược, quan trọng và chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy sáng tạo trong khối SMEs, xây dựng cơ chế hợp tác giữa các tập đoàn lớn và khối SMEs; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt kịp thời và tận dụng các lợi ích từ việc ký kết các Hiệp định, cam kết thương mại với các nước đối tác chiến lược, quan trọng.../.