Tốt nghiệp đại học năm 2007, nhưng hơn 7 năm qua, anh Phạm Văn Hiếu, sinh năm 1983, ở tổ 8, phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) lại đeo đuổi công việc chăn nuôi gà chọi. Nhìn cách anh chăm sóc những chú gà có màu da đỏ ửng mới thấy được niềm đam mê và tình cảm của anh dành cho loại vật nuôi này thật đặc biệt.
Cần sự hiểu biết tổng hợp
Trong khu vườn rộng vài trăm mét vuông, anh Hiếu dành phần lớn để xây và đặt lồng nuôi gà chọi, với số lượng được duy trì thường xuyên là trên một trăm con lớn nhỏ. Lúc chúng tôi đến, anh đang “khám” họng cho một chú gà do có tiếng kêu khang khác. Bên cạnh đó là khăn và chậu nước để lau người cho những chú gà trưởng thành. Công việc không quá vất vả nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận. Một ngày làm việc của anh thường bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc lúc 9-10 giờ đêm. Anh Hiếu chia sẻ: Thời gian cho gà ăn không nhiều, chỉ mất khoảng 2 tiếng mỗi ngày, nhưng để quan sát, chú ý đến mọi biểu hiện của từng con gà thì cần đến cả chục giờ.
Muốn có được những chú gà có khả năng đánh tốt, người nuôi cần một lượng kiến thức tổng hợp trên nhiều lĩnh vực: đó là của một chuyên gia dinh dưỡng, vì khẩu phần ăn của mỗi con gà lại khác nhau, con thì thiếu đạm, con thì thiếu sắt, con lại thiếu can-xi… ; cần tố chất của một bác sĩ thú y để khi nghe tiếng thở, tiếng gáy, xem biểu hiện của mào gà, sắc mắt, mũi và phân là có thể biết gà đang mắc bệnh gì để tìm cách chữa trị hay điều chỉnh thức ăn cho hợp lý. Có khi chỉ sau 2-3 ngày gà không được uống thuốc kịp thời đã bị mất khả năng thi đấu. Ngoài ra, người nuôi gà còn phải có chuyên môn của một huấn luyện viên võ thuật, với đôi mắt tinh tường để nhận ra tố chất hung hăng, lì lợm, đá giỏi của từng “chiến binh”. Rồi phải am hiểu cả phong thủy, tướng số âm dương mới biết cách tư vấn và tung ra những con gà có màu sắc phù hợp với mỗi mùa trong năm.
Thấy tôi có vẻ băn khoăn, anh cặn kẽ giải thích: Trong ngũ hành có tương sinh, tương khắc. Mùa xuân là hành mộc, nên những con gà ô (màu đen hoặc xám) thường có tỷ lệ thắng cao hơn vì gà màu này có hành thủy, mà thủy lại sinh mộc. Còn mùa hè hành hỏa thì nên chọn những con có màu tía vì màu này cũng thuộc hành hỏa, hỏa với hỏa sẽ vượng phát, hoặc có thể chọn những con màu xám thuộc hành mộc, vì mộc sinh hỏa… Nói về cách chọn gà chọi tốt, anh Hiếu bảo có tới vài chục tiêu chí và cho đến giờ, bản thân anh vẫn còn phải tìm hiểu thêm. Tuy nhiên, có thể khái quát qua mấy câu sau: “Đầu công, mình cốc, cánh vỏ trai/ Đùi dài, quản ngắn chẳng sợ ai”, hay “Nhất tướng, nhì tông, tam lông, tứ vẩy”.
Đi lên từ thất bại
Là kỹ sư điện tử viễn thông, tại sao anh lại chọn công việc không chút liên quan? Câu hỏi có phần tò mò đó của tôi đã đưa Hiếu nhớ lại quãng thời gian cách đây 10 năm. Anh kể: Năm 2007, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm việc cho 1 công ty chuyên lắp đặt, hỗ trợ, sửa chữa thiết bị y tế ở Hà Nội. Ban đầu, tôi rất thích công việc này vì được đi đây đi đó mà không tốn tiền ăn, nghỉ. Nhưng hơn 1 năm sau, tôi lại thấy công việc không còn phù hợp vì có những tháng tôi phải ở khách sạn, nhà nghỉ tới 25-26 ngày, trong khi tiền lương lại chẳng đáng là bao. Vì thế, tôi đã bỏ về nhà kinh doanh nhiều mặt hàng khác nhau. Nhưng rồi, việc kinh doanh đổ bể, tôi trở thành “con nợ” hơn 1 tỷ đồng. Chán nản, mệt mỏi, tôi sống khép mình với việc trồng rau, lúa và nuôi lợn, trâu trên mảnh đất rộng 1ha của cô ruột tôi. Khi đó, cùng làm với tôi có một người bạn. Anh ấy có niềm đam mê nuôi gà chọi nên đã truyền cảm hứng cho tôi. Càng ngày, tôi càng thấy thích gà chọi nên từ năm 2010, tôi chỉ tập trung nuôi con vật này. Một mình làm không xuể trước nhu cầu của thị trường nên tôi đã liên kết với 7 hộ dân khác ở nhiều địa phương. Tôi cung cấp con giống, hướng dẫn cách chăm sóc, rồi bao tiêu toàn bộ cho họ. Hiện nay, trung bình mỗi năm, anh và các cơ sở của anh nuôi được khoảng trên 400 con gà, trong đó có khoảng 50% đạt tiêu chuẩn thi đấu, số còn lại bán gà thịt. Giá mỗi con gà để chọi dao động từ 2-10 triệu đồng; còn gà thịt có giá 150.000 đồng/kg. Như vậy mỗi tháng, anh thu lãi khoảng 15-20 triệu đồng. Hiện, số nợ của anh đã cơ bản trả xong.
Mong ước khôi phục trò chơi dân gian
Gà có khả năng thi đấu được anh Hiếu bán ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước và còn xuất sang Lào, Thái Lan. Anh chia sẻ: Giống gà chọi của Việt Nam chất lượng tốt, có khả năng xuất đi nhiều nước. Tuy nhiên, do lượng gà nuôi chưa được nhiều nên tôi chưa dám lập trang panpage riêng, mà mới bán qua trang Facebook cá nhân. Một mặt tôi cũng chưa mở rộng quy mô mà muốn tập trung nâng cao chất lượng gà nuôi để có thể xuất sang thị trường châu Âu như: Ai-len, Anh, Pháp, Bỉ vì giá bán có thể cao gấp 7-10 lần so với hiện nay. Từ vốn tiếng Anh tích lũy được, anh đã mời được một số người quan tâm đến loại vật nuôi này ở một số nước nhưng thủ tục về kiểm dịch tại Việt Nam và các nước đang là trở ngại lớn với anh. Ngoài ra, việc đến một số nước chưa có đường bay thẳng, mà phải quá cảnh ở nước thứ ba khiến sức khỏe của gà khó đảm bảo cũng là vấn đề anh cần có thời gian tìm hiểu thêm.
Anh Hiếu trăn trở: Chọi gà vốn là trò chơi dân gian, mang nét đẹp của người Việt vốn gắn bó với nền sản xuất nông nghiệp bao đời nay. Thực tế cũng cho thấy, những năm qua, phần lớn khách hàng của anh đều là những người có thu nhập ổn định và có chung niềm đam mê chọi gà. Tuy nhiên, do một số người lợi dụng việc chọi gà để cá cược, ăn thua đã làm mất đi ít nhiều giá trị tốt đẹp của trò chơi vốn mang đậm bản sắc dân tộc này. Vì thế, tôi mong, việc quản lý trò chơi này sẽ được cơ quan chức năng và chính quyền các cấp tăng cường hơn nữa, không vì khó quản lý mà cấm đoán như ở một số lễ hội vừa qua. Hoặc, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu để hợp thức hóa bộ môn chọi gà dưới hình thức quản lý thu thuế, như một số nước Thái Lan, Phi-lip-pin, Mỹ đang làm. Qua đó vừa giúp bảo tồn và phát triển nguồn gen gà đòn của Việt Nam, vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân và lành mạnh hóa được một trò chơi dân gian. Trăn trở của anh Hiếu có lẽ cũng là mong muốn chính đáng của nhiều người.