Nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề chè

10:12, 27/03/2018

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Đại Từ đã có 33 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận (tăng 23 làng so với năm 2011). Trong đó có 4 làng nghề và 29 làng nghề truyền thống. Hoạt động chính của các làng nghề là trồng và chế biến chè, tập trung ở các xã, thị trấn: Phú Lạc, Phú Xuyên, Phú Thịnh, La Bằng, Tiên Hội, Yên Lãng, Tân Linh, Hoàng Nông, Phú Cường, Quân Chu và Hùng Sơn. Tổng diện tích canh tác đạt gần 590ha.

Những năm qua, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật đã được các hộ dân trong làng nghề chú trọng, đặc biệt là sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Với năng suất trung bình đạt 115 tạ/ha, giá bán dao động từ 200.000-250.000 đồng/kg chè búp khô, các làng nghề trên địa bàn hiện giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động, mức thu nhập bình quân đạt từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, một số hộ dân trong làng nghề đã chủ động liên kết, huy động vốn để thành lập các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh và chế biến chè như: HTX Chè La Bằng, HTX Chè an toàn La Bằng, HTX Chè Phương Đông, HTX Chè an toàn Đại Phú, HTX chè an toàn Sơn Thành, Doanh nghiệp tư nhân Tuất Thoi,…

Để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, thời gian tới, huyện Đại Từ sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc các làng nghề xây dựng, bổ sung quy chế hoạt động cho phù hợp với điều kiện của địa phương, đồng thời, hỗ trợ, nâng cao năng lực sản xuất cho người dân thông qua công tác khuyến nông, khuyến công; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là Ban quản lý làng nghề. Năm 2018, huyện Đại Từ đề nghị UBND tỉnh công nhận 11 làng nghề, làng nghề truyền thống thuộc các xã: Bản Ngoại, Khôi Kỳ, Phú Cường, Phú Thịnh, Phú Xuyên và Tân Linh.