Hơn 30 năm trước, nghề dệt mành cọ xuất hiện ở xã Đồng Thịnh (Định Hóa). Chẳng bao lâu, những chiếc mành bền, đẹp và chắc chắn đã được khách hàng xa gần biết đến, đem lại thu nhập ổn định cho bà con nơi đây. Tuy vậy, những năm gần đây do nhiều nguyên nhân, nghề dệt mành cọ lại đang đứng trước nguy cơ bị mai một.
Chúng tôi có mặt tại Làng nghề dệt mành cọ thôn Làng Bầng - Co Quân xã Đồng Thịnh vào một ngày giữa tháng 3. Dưới ánh nắng đầu xuân, những tán cọ xanh bóng đan vào nhau như che rợp cả ngọn đồi. Trong làng, tại các hộ làm nghề, nan cọ phơi kín lối đi, sân nhà. Vừa bắc xong nồi cơm trưa, chị Nông Thị Hiệu, thôn Làng Bầng lại tranh thủ dệt nốt chiếc mành còn dang dở. Trong tiếng khung cửi lách cách, chị niềm nở tiếp chuyện chúng tôi: Từ ngày tôi về làm dâu ở thôn này đã được mẹ chồng dạy cho cách làm mành cọ, đến nay đã được gần 20 năm. Ngoài 6 sào ruộng, nghề mành cọ giúp tôi có thêm 3 triệu đồng/tháng thu nhập lúc nhàn rỗi.
Để có một chiếc mành hoàn chỉnh phải qua nhiều khâu: chặt cọ làm nan, vót nan, phơi nan, dệt, buộc chỉ, khâu đầu. Theo chị Hiệu và nhiều người làm mành cọ lâu năm, nan cọ được làm từ những chiếc lá bánh tẻ cuống dài, to đều rồi dóc gai, lột mỏng lấy phần cật, chọn ra những nan đẹp nhất đem về sơ chế. Trung bình mỗi cuống lá cọ vót được 10-12 nan và để dệt một chiếc mành cần khoảng 250 nan. Dần dần, để tiết kiệm thời gian, người dân làng nghề nay chủ yếu mua nan sẵn hoặc đầu tư máy vót nan chứ không làm thủ công như trước nữa. Nan sau khi vót cho trơn nhẵn, mềm mại, được đưa vào khung dệt thành mành. Với thợ dệt thành thạo, trung bình từ 20-25 phút sẽ được 1 chiếc mành hoàn chỉnh. Khó khăn nhất là công đoạn chuẩn bị nguyên liệu dệt mành.
Được làm tỉ mỉ và công phu là vậy, thế nhưng, mành cọ lại đang được bán với giá rất rẻ. Hiện mỗi chiếc mành cọ có giá 30.000 đồng, thấp hơn rất nhiều so với các loại chiếu làm bằng chất liệu khác như trúc, cói. Do vậy, những năm gần đây, nghề dệt mành không còn sức ảnh hưởng nhiều như trước nữa, số lượng sản phẩm tiêu thụ vì thế cũng giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 200.000 chiếc/năm, giảm gần một nửa so với năm 2010 trở về trước. Số hộ làm nghề cũng giảm từ 50 hộ xuống còn 20 hộ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này nhưng chủ yếu vẫn là do hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng mành, chiếu được sản xuất công nghiệp, nên có sự cạnh tranh gay gắt về giá cả và chất lượng. Khi được hỏi tại sao không cải tiến mẫu mã, chị Ma Thị Liền, một người dân ở làng nghề cho biết: Để làm mành đẹp hơn không phải chuyện khó khăn với chúng tôi vì trước đây làng nghề đã từng làm mành xuất khẩu sang Liên Xô theo đúng tiêu chuẩn của họ. Thế nhưng, mành được chọn, xếp nan cầu kỳ, dây chỉ đẹp, giá thành gấp 2-3 lần mành thông thường (50.000-70.000 đồng/chiếc) lại rất kén người mua. Do vậy, nếu chúng tôi làm hàng đẹp, đọng vốn là điều không thể tránh khỏi, trong khi đó làm mành thường dù lợi nhuận ít hơn mành đẹp (thấp hơn từ 7.000-10.000 đồng/chiếc) nhưng bù lại là tiêu thụ dễ dàng hơn. Cũng vì thiếu vốn, nhiều người ở Đồng Thịnh buộc phải bán cho thương lái nhỏ lẻ, chứ không kiên trì tích trữ nguyên liệu, sản phẩm để “chờ” những đơn đặt hàng lớn, thị trường tiêu thụ vì thế cũng eo hẹp dần.
Cùng với đó, diện tích của cây cọ trên địa bàn huyện cũng không còn nhiều, do người dân phá bỏ và trồng thay thế bằng các loại cây lấy gỗ khác cũng khiến nguyên liệu đầu vào của làng nghề ngày càng khan hiếm. Tuy nhiên, nan giải nhất vẫn là việc người dân không còn mặn mà với nghề cũng là một lý do khiến làng nghề dệt mành cọ không thể mở rộng thị trường. Ông Triệu Văn Quản, người đầu tiên đem nghề dệt mành cọ về Đồng Thịnh, trăn trở: Hiện tại, người làm mành chủ yếu ở độ tuổi từ 40 tuổi trở lên, còn thế hệ trẻ từ 18-35 tuổi phần lớn đi làm việc tại các khu công nghiệp vì lương cao hơn nhiều so với làm mành cọ. Gia đình tôi trước có 3 khung dệt, nay phải bán bớt 1 chiếc vì không có người làm. Chúng tôi giờ đã cao tuổi nhưng vẫn làm để giữ nghề cho con cháu, sau này chúng có kế sinh nhai khi không còn làm ở công ty, nhà máy nữa.
Nỗi niềm của ông Quản có lẽ cũng chính là lo lắng chung của nhiều người dân làng nghề ở Đồng Thịnh hiện nay và cũng là trăn trở chung của phần lớn làng nghề thủ công trên địa bàn tỉnh. Với truyền thống lâu năm cùng nhiều tay nghề có kinh nghiệm, nghề dệt mành cọ hoàn toàn có đủ điều kiện để phát triển hơn nữa. Đặc biệt, trong bối cảnh ngày càng có nhiều khu, cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, thu hút nhiều lao động thì vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ các công ty, nhà máy được dự báo sẽ rất khó khăn. Do đó, các nghề thủ công như dệt mành cọ sẽ là những “cứu cánh” cho họ. Mặt khác, với một huyện giàu tiềm năng du lịch như Định Hóa, làng nghề dệt mành cọ hứa hẹn sẽ là một điểm tham quan thực tế hấp dẫn cho du khách trong lộ trình nếu có sự đầu tư hợp lý. Vì vậy, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần có sự quan tâm hơn nữa tới làng nghề dệt mành cọ, định hướng, hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là máy móc sản xuất để họ yên tâm làm nghề, gắn bó với nghề.