Định Hóa hôm nay

14:16, 29/04/2018

Sau 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (năm 2011), đến nay, huyện miền núi Định Hóa đã đạt được những kết quả khích lệ: đã có 5/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đều đạt bình quân từ 10-15 tiêu chí. Cùng với đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao...

Trở lại xã Bảo Cường, 1 trong 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) của huyện Định Hóa, chúng tôi thực sự ấn tượng trước sự “thay da, đổi thịt” của địa phương thuần nông này. Những con đường đất đỏ lầy lội trước kia, nay đã được đổ bê tông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… được xây dựng khang trang. Ông Mạc Văn Vỹ, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: Xây dựng NTM thực sự là “cuộc cách mạng” khiến cho từng thôn, bản ở Bảo Cường đổi mới, người dân có cuộc sống no đủ hơn. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 30 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 11%; giá trị thu nhập trên 1ha đất nông nghiệp trung bình đạt 85 triệu đồng/ha/năm. Xã hiện có trên 20 gia trại cho thu nhập gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Việc phát triển mạnh kinh tế trang trại, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ… đã đưa diện mạo nông thôn của Bảo Cường đổi mới từng ngày. Sau khi đã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2016, địa phương đang tiếp tục huy động sự tham gia đóng góp của người dân để từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí, phấn đấu trở thành xã điểm NTM vào năm 2020.

Cũng như Bảo Cường, Phúc Chu là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Định Hóa nhưng với quyết tâm chính trị cao cùng sự đoàn kết, đồng lòng của người dân, xã Phúc Chu đã nỗ lực về đích NTM vào cuối năm 2017, trước 1 năm so với kế hoạch. Hiện nay, cơ sở sở hạ tầng của địa phương đã được đầu tư xây dựng khá toàn diện. Cùng với đó, xuất hiện ngày càng nhiều mô sản xuất có hiệu quả cao như: mô hình trồng cây ăn quả; chăn nuôi lợn nái; gà thả vườn; nuôi ong mật, nuôi dê... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Bà Ma Thị Đào, xóm Đồng Dọ, xã Phúc Chu cho biết: Trước đây, cuộc sống người dân trong xóm còn nhiều khó khăn, từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội như: điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố. Nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm được hỗ trợ phát triển, những cánh đồng chuyên canh được hình thành giúp tăng năng suất, tăng thu nhập cho người dân, nhờ đó, đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng lên.

Sau 7 năm triển khai, đến nay Định Hóa đã có 5/23 xã đạt chuẩn NTM. Các xã còn lại đều đạt bình quân từ 10-15 tiêu chí; không có xã nào đạt dưới 10 tiêu chí. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ 10,2 triệu đồng/người/năm (năm 2011) lên 34,5 triệu đồng/người/năm (2017); tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 33,9% (năm 2011) xuống còn 21,3% (năm 2017)...

Có được kết quả trên là nhờ huyện Định Hóa đã triển khai đồng bộ các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho Chương trình mục tiêu Quốc gia. Từ năm 2011 đến nay, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng NTM của toàn huyện là 2.721 tỷ đồng, trong đó, vốn huy động từ đóng góp của nhân dân là trên 145 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động lồng ghép những nguồn lực để thực hiện các tiêu chí khó như: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa…Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong 7 năm qua, bà con trên địa bàn huyện đã hiến trên 700 nghìn mét vuông đất (trị giá trên 30 tỷ đồng) để làm đường giao thông và xây dựng nhà văn hóa… Nhờ đó, toàn huyện đã cải tạo và nâng cấp được 183,8km đường giao thông (liên thôn, nội đồng); 95 công trình hồ, đập, kênh mương đầu mối, kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất; xây mới và cải tạo nâng cấp 345 nhà văn hóa thôn; 306 phòng học ở các bậc học... Các công trình hạ tầng xã hội khác như: trụ sở xã, chợ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình cấp nước sinh hoạt cũng đang tiếp tục được đầu tư hoàn thiện.

Trong xây dựng NTM, huyện Định Hóa cũng xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung trọng tâm, cốt lõi. Bởi vậy, những năm qua, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, Định Hóa đã phát triển chăn nuôi đại gia súc với tổng đàn trâu, bò lên hơn 10.000 con. Toàn huyện có 15 trang trại và 140 gia trại chăn nuôi. Bên cạnh đó, huyện cũng hỗ trợ thành lập được trên 20 hợp tác xã trồng và chế biến nông, lâm, thủy sản, cây dược liệu; 3 tổ hợp tác chăn nuôi dê, góp phần mở ra nhiều hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, huyện đã triển khai Dự án phát triển cây quế tại 20 xã với mục tiêu mỗi năm trồng mới từ 500ha quế trở lên, đưa Định Hóa trở thành vùng chuyên canh quế lớn nhất tỉnh, mở ra nhiều cơ hội xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân.

Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2018 huyện Định Hóa đang tập trung dồn sức để đưa thêm 3 xã về đích NTM gồm: Kim Phượng; Thanh Định và Phú Đình. Mục tiêu của huyện là đến năm 2020, có trên 40% số xã đạt xã chuẩn NTM, các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Để đạt được mục tiêu này, đồng chí Phạm Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa chia sẻ: Thời gian tới, ngoài việc tranh thủ sự đầu tư nguồn lực từ Trung ương, tỉnh, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động nhân dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia đối ứng tiền, ngày công lao động để xây dựng hạ tầng cơ sở. Đặc biệt, đối với các xã nghèo, chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.


 

Bài và ảnh:

Mô hình trồng ổi Đài Loan cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm của gia đình bà Đặng Thị Hồng, xóm Bản Đa, xã Kim Phượng (Định Hóa)

 


0.