Tính đến đầu tháng 4, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt gần 48,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,24%; dư nợ cho vay đạt trên 52,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% (so với cuối năm 2017) phần nào cho thấy những tín hiệu tích cực của kinh tế - xã hội tỉnh ta thời gian qua. Theo nhận định của lãnh đạo các tổ chức tín dụng, năm nay sẽ tiếp tục là năm ghi dấu nhiều khởi sắc trong phát triển chung của tỉnh cũng như ngành Ngân hàng.
Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh: Những năm trước đây, trong quý I, dư nợ cho vay của phần lớn các ngân hàng đều giảm so với hồi cuối năm trước, nếu tăng cũng không đáng kể, khoảng 3 năm trở lại đây, dư nợ tín dụng những tháng đầu năm lại tăng đáng kể. Nhiều nguyên nhân để có được kết quả này, mà trước hết là nhờ nền kinh tế của chúng ta đang tiếp tục giữ được sự ổn định và có xu thế tốt lên, kéo theo đó là số lao động được giải quyết việc làm ngày càng tăng và thị trường bất động sản cũng đang “ấm” dần. Đối với nguồn vốn huy động, mức tăng cao này được lý giải bởi một số nguyên nhân: Thứ nhất là nhiều dự án thu hồi đất được triển khai nên số tiền người dân được đền bù khá đáng kể, trong số này, nhiều người đã chọn ngân hàng là kênh đầu tư để sinh lời; tiếp đến là do sau Tết, mức tiêu thụ hàng hóa có phần chậm lại nên việc đầu tư ở một số lĩnh vực phần nào chững hơn nên nhiều cá nhân, doanh nghiệp vẫn để lại một lượng vốn nhất định tại ngân hàng; thứ ba phải kể đến là lòng tin vào đồng tiền Việt của người dân vẫn rất lớn và đây được xem là yếu tố quan trọng để giúp nguồn vốn của ngân hàng không những ổn định mà còn tăng mạnh.
Là một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng đạt cao trong quý I, ông Lê Tuấn Phan, Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Ngoại Thương (VCB) Chi nhánh Thái Nguyên chia sẻ: Tính đến đầu tháng 4, tổng dư nợ tín dụng của VCB Thái Nguyên là 2.843 tỷ đồng, tăng 309 tỷ đồng so với cuối năm 2017 (tương ứng 13%), với 729 lượt giải ngân (tăng mạnh so với cùng kỳ quý I/2017). Kết quả này phần nào có thể thấy, thị trường tín dụng, đặc biệt là tín dụng bán lẻ năm nay diễn ra khá sôi động, khách hàng phát sinh nhu cầu ngay từ những tháng đầu năm cho đến tận cận Tết Nguyên đán, cũng như sau Tết, với nhu cầu đa dạng như: mua ô tô, xây sửa nhà, tiêu dùng. Cũng theo đại diện VCB Thái Nguyên, năm nay, với sự góp mặt của nhiều dự án chung cư, khu dân cư đang trong quá trình xây dựng, như: Tổ hợp chung cư Tecco, Trung tâm Thương mại Vincom plaza - Vincom Shophouse Thái Nguyên, khu dân cư phường Cải Đan, T.P Sông Công… khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn mới và thị trường nhà ở Thái Nguyên sẽ trở nên sôi động hơn. Đây là tiềm năng rất lớn cho không chỉ VCB Thái Nguyên mà còn cho các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn.
Tuy có mức tăng trưởng tín dụng không đạt cao như VCB Thái Nguyên, nhưng ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên vẫn có chung niềm lạc quan về thị trường tiền tệ năm nay khi cho rằng: Tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế đều cho thấy những dấu hiệu tốt lên, từ chứng khoán, xuất nhập khẩu, bất động sản đến tiêu dùng nội địa… Sở dĩ BIDV nói chung, BIDV Thái Nguyên nói riêng có mức tăng trưởng tín dụng thấp trong những tháng đầu năm là do thực hiện cơ cấu lại nền khách hàng, nhằm đáp ứng các yêu cầu theo những chuẩn mực ngày càng cao hơn. Nếu như trong tháng 1 và tháng 2, dư nợ tín dụng của chi nhánh giảm so với cuối năm 2017, thì sang tháng 3 đã bắt đầu tăng trở lại (tăng 143 tỷ đồng), đúng bằng mức giảm của 2 tháng trước đó cộng lại.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm lạc quan thì có một vấn đề mà theo đại diện lãnh đạo nhiều ngân hàng không thể không quan tâm đó là trong quý I, đóng góp vào sự tăng trưởng cao của GRDP cả nước chiếm phần lớn vẫn là từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), còn khối doanh nghiệp trong nước vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ. Nếu chúng ta không đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng tỷ lệ lên 50-60%, thay vì chỉ chiếm khoảng 30% như hiện nay thì sự tăng trưởng đó sẽ không đảm bảo sự vững chắc, ổn định. Và như vậy, về lâu dài sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến việc tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.
Cuäng xung quanh “cêu chuyïån” tñn duång, tûâ caác cuöåc thanh, kiïím tra taåi möåt söë töí chûác tín dụng thời gian qua, ông Bùi Văn Khoa khuyến cáo: Do cơ chế, chính sách ngày càng trở nên thông thoáng, cởi mở nên việc thành lập doanh nghiệp cũng như đăng ký vốn kinh doanh hiện trở nên rất dễ dàng. Ở một góc độ nào đó, thì chính sự dễ dàng này mà có tới gần 1/3 số doanh nghiệp vì nhiều lý do khác nhau đã kê “vống” nguồn vốn trong giấy đăng ký kinh doanh so với thực tế mà doanh nghiệp có. Việc kê sai nguồn vốn sẽ khiến chính doanh nghiệp gặp phải khó khăn khi thực hiện vay vốn tại ngân hàng. Bởi nếu nguồn vốn mà doanh nghiệp đăng ký chưa sử dụng hết thì sẽ không đủ các điều kiện cần thiết để một ngân hàng thực hiện việc cho vay theo đề nghị của chính doanh nghiệp. Còn ở góc độ quản lý nhà nước, việc kê khai thiếu trung thực của doanh nghiệp sẽ khiến cơ quan chức năng khi thực hiện thống kê để đưa ra nhận định, đánh giá về sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng sẽ thiếu chính xác. Để không tự làm khó chính mình thì các doanh nghiệp cần cân nhắc và nên ghi đúng nguồn vốn khi thực hiện đăng ký kinh doanh đối với cơ quan có thẩm quyền.
Có thể nói, kết quả đạt được trong tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm cho thấy sự khởi sắc trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng trong năm 2018 này. Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực thì bản thân các ngân hàng đang phải nỗ lực rất nhiều trong việc nâng chuẩn để đảm bảo các yêu cầu cần thiết cho quá trình hội nhập, mà đích cuối cùng chính là hiệu quả trong hoạt động.