Lo thua lỗ, người chăn nuôi tái đàn cầm chừng

09:43, 11/04/2018

Thường vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sẽ tiến hành vệ sinh chuồng trại, tìm nguồn con giống tốt để tái đàn. Thế nhưng năm nay, giá lợn hơi vẫn duy trì ở mức thấp từ năm ngoái khiến nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh dè dặt tái đàn do lo ngại đầu ra bấp bênh.

Có kinh nghiệm hơn 7 năm chăn nuôi nhưng chưa năm nào, ông Lê Quang Hải, ở xóm Thác Lở, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) thấy giá lợn hơi xuống thấp như năm vừa qua. Ông Hải chia sẻ: Năm ngoái, có thời điểm giá lợn chỉ từ 17.000-18.000 đồng/kg mà không bán được, nhà nào nuôi nhiều càng bị lỗ vốn nặng. Khi thấy giá lợn xuống thấp, nhà tôi đã cắt giảm đàn tối đa nhưng vẫn bị lỗ hơn 300 triệu đồng. Qua Tết, giá lợn có nhích lên đôi chút nhưng cũng chỉ đạt trung bình 32.000 đồng/kg. Nếu như thời điểm này mọi năm, chúng tôi đã tái đàn ồ ạt nhưng năm nay, nhà tôi cắt giảm đàn nái từ 20 con xuống còn 2 con, lợn thịt từ 200 con xuống còn 40 con. Ngoài ra, mỗi ngày, nhà tôi mua bã bia và cho lợn ăn thêm cám gạo, ngô, rau... để giảm bớt chi phí.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá lợn hơi có dấu hiệu tăng trở lại, bắt đầu nhích lên từ 28.000 đến 30.000, 32.000 đồng/kg, có thời điểm  cao nhất đạt 35.000 đồng/kg nhưng chỉ được 1, 2 tuần sau đó lại giảm xuống giá 32.000 đồng/kg. Nếu đạt mức giá từ 35 nghìn đồng/kg trở lên, người chăn nuôi mới thu hồi được vốn và bắt đầu có lãi. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, giá lợn hơi thời gian tới rất khó dự đoán do vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Vì thế, đa phần các chủ trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh vẫn chưa dám đầu tư tái đàn sau Tết. Chỉ có những hộ chủ động được nguồn con giống thì mới đầu tư tái đàn nuôi cầm chừng, còn những hộ phải nhập mua con giống thì đa phần vẫn bỏ trống chuồng chờ một thời gian nữa khi thị trường phục hồi để hạn chế rủi ro.

Đối với các hộ chăn nuôi gà, trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, giá cả bấp bênh, đầu ra chưa ổn định, nhiều chủ trang trại, hộ chăn nuôi gia cầm cũng đang nghe ngóng tình hình thị trường. Mặc dù đã xuất bán hết đàn gà hơn 3.000 con nhưng hiện tại, gia đình anh Nguyễn Văn Khôi, một hộ chăn nuôi gà ta thả vườn ở xóm La Tú, xã Tân Khánh (Phú Bình) vẫn bỏ trống chuồng và chưa dám tái đàn. Anh Khôi cho biết: Thời điểm trước và sau Tết, giá gà lông màu vẫn giữ ổn định ở mức trung bình 70.000 đồng/kg, trong khi đó, giá gà giống lại tăng gấp đôi. Cụ thể, nếu như trước Tết Nguyên đán, giá gà con chỉ từ 10.000-12.000 đồng/ con thì nay đã tăng 18.000-22.000 đồng/con mà rất hiếm nguồn cung. Vì vậy, đợt này, nhà tôi dự tính sẽ ngừng nuôi gà một vài tháng để nghe ngóng thị trường chứ nhiều hộ thấy gà được giá, đổ xô đi nuôi gà chắc chắn trong thời gian tới, giá gà sẽ giảm mạnh. Khác với gia đình anh Khôi, gia đình anh Nghiêm Văn Thành, ở xóm Phú Yên, xã Phấn Mễ (Phú Lương) đã tái đàn lứa mới với hơn 8.000 con gà lông trắng. Anh Thành cho biết: Nhà tôi nuôi gà gia công cho Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam, được Công ty cung cấp cám, kỹ thuật. Sau 45 ngày, Công ty sẽ đến nhập lại gà thành phẩm và chúng tôi được hưởng lãi theo sản phẩm, một lứa nhà tôi cũng thu được gần 60 triệu đồng. 

Không chỉ ở Phú Lương, Phú Bình, tìm hiểu thực tế tại một số địa phương khác trong tỉnh như các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, T.X Phổ Yên… chúng tôi nhận thấy, hiện nay, đa số các hộ chăn nuôi đều cắt giảm đàn tối đa, nhiều hộ còn bỏ trống chuồng vì thua lỗ. Trước tình hình khó khăn trong tái đàn, các hộ chăn nuôi đang tích cực tìm giải pháp khắc phục để giảm chi phí đầu tư sản xuất; đồng thời, tập trung làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, chủ động nguồn thức ăn, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin… để đàn vật nuôi phát triển tốt. Đối với các hộ chăn nuôi gia công cho các công ty, doanh nghiệp thì vẫn duy trì hoạt động sản xuất do không phải lo lắng về đầu ra cho sản phẩm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết: Điều kiện thời tiết như hiện nay là môi trường dễ phát sinh dịch bệnh, nhất là một số dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng trên đàn gia súc… Vì vậy, để tái đàn tốt, các địa phương và ngành chức năng cần tăng cường giám sát, hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường chăn nuôi, nghiêm túc trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đối với các hộ khi tái đàn vật nuôi cần nhập con giống khỏe mạnh, có nguồn gốc xuất xứ, xác nhận giống đã được cơ quan thú y kiểm dịch, kiểm tra đầy đủ, không nhập con giống không rõ nguồn, hay con giống ở vùng có dịch để tránh thiệt hại và ảnh hưởng tới tình hình an toàn dịch bệnh trên địa bàn.

Thiết nghĩ, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, tỉnh cần có những cơ chế, chính sách định hướng phát triển chăn nuôi trang trại, chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, chế biến công nghiệp, tạo nền tảng để hình thành liên kết chuỗi nhằm chủ động đầu ra trong tiêu thụ sản phẩm.