Phú Bình - Mảnh đất giàu tiềm năng

09:26, 10/04/2018

Phú Bình cách đây khoảng 7-8 năm về trước là địa phương phát triển chậm, đường sá đi lại khó khăn, đời sống của đại bộ phận người dân chỉ trông vào chăn nuôi, trồng trọt; số doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chưa đếm hết trên đầu ngón tay. Nhưng đến nay, diện mạo của một đô thị đang ngày càng hiện rõ với sự góp mặt của hơn 40 doanh nghiệp FDI cùng hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa và gần 8,5 nghìn cơ sở kinh doanh cá thế. Và theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, Phú Bình sẽ tiếp tục là sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Dọc những tuyến đường chính của huyện và tại trung tâm các xã, thị trấn của Phú Bình hôm nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày càng mọc lên san sát, với đủ ngành nghề, mặt hàng. Từ một huyện thuần nông, với tỷ trọng nông nghiệp chiếm chủ yếu, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 2 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp. Ngoài ra, đây cũng là địa phương được tỉnh chọn triển khai thí điểm công tác dồn điền đổi thửa để thực hiện cánh đồng mẫu lớn.

Ông Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình chia sẻ: Nằm cách Thủ đô Hà Nội khoảng 60km, cách sân bay Quốc tế Nội Bài khoảng 50km, lại gần cả Quốc lộ 3 cũ và đường cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội, có Quốc lộ 37 chạy qua trung tâm huyện và 8 xã, thị trấn đã được nâng cấp, mở rộng, nối với tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và T.P Thái Nguyên đã giúp Phú Bình đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chính vì thế, chỉ trong khoảng 4 năm trở lại đây, cùng với làn sóng đầu tư vào các KCN phía Nam của tỉnh hơn 40 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đến đầu tư vào huyện tại Khu công nghiệp Điềm Thụy phần diện tích 180ha qua đó đã tạo việc làm cho trên 20 nghìn lao động; phần diện tích 170ha còn lại của KCN này, huyện đã giải phóng mặt bằng được trên 20ha đất và đã có 3 doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất. Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng và thu hút đầu tư vào KCN vẫn đang được tiếp tục. Đối với Tổ hợp công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình và Cụm công nghiệp Điềm Thụy đang được huyện phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, để tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư. Sự phát triển này đã và đang tác động rất tích cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của huyện những năm qua, với tốc độ bình quân đạt trên 20%, riêng năm 2017 đạt 25,8%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, với tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng đã chiếm tới hơn 50%; dịch vụ 30%; nông - lâm - thủy sản chỉ còn gần 20%.

Cùng với công nghiệp, dịch vụ, trong phát triển kinh tế - xã hội, Phú Bình vẫn đặc biệt quan tâm và dành ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, bởi đây là lĩnh vực liên quan trực tiếp tới khoảng 70% hộ gia đình trên địa bàn huyện. Chính vì thế, huyện đang đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng tăng cường liên kết, hình thành sản xuất theo chuỗi thông qua việc dồn điền đổi thửa để xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Trước mắt, huyện đã và đang triển khai ở 3 xã, gồm: Xuân Phương, Úc Kỳ và Tân Đức, với diện tích 226ha. Đến nay, huyện đã thực hiện được gần 160ha. Đây cũng là địa phương duy nhất được tỉnh triển khai thí điểm cánh đồng mẫu lớn. Bước đầu, trong vụ xuân 2018 này, đã có 1 doanh nghiệp đầu tư sản xuất lúa hữu cơ chất lượng cao với diện tích 50ha và dự kiến sẽ được mở rộng diện tích trong những vụ tiếp theo. Đối với huyện, theo kế hoạch, sẽ tiếp tục dồn điền đổi thửa để nâng diện tích cánh đồng mẫu lớn lên ít nhất khoảng 1.000ha, trong tổng số hơn 9.000 đất nông nghiệp của huyện. Để việc triển khai cánh đồng mẫu lớn được thực hiện hiệu quả, Phú Bình mong muốn tỉnh sớm ban hành cơ chế hỗ trợ, để trên cơ sở đó, các địa phương cùng triển khai đồng loạt, tạo sự thống nhất chung, qua đó hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất….

Ngoài công nghiệp, nông nghiệp, Phú Bình còn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái và du lịch tâm linh, với 7 di tích lịch sử cấp Quốc gia, gần 30 di tích lịch sử cấp tỉnh và khoảng 50 di tích khác chưa được công nhận. Trong số này, không thể không kể đến Cụm di tích đình, đền, chùa Cầu Muối, xã Tân Thành, trung bình mỗi năm đón hàng trăm nghìn lượt du khách. Chỉ tính riêng mùa lễ hội năm 2018, tính đến hết tháng giêng, số tiền công đức tại Cụm di tích này đã đạt tới hơn 8 tỷ đồng. Còn ở loại hình du lịch sinh thái, Khu du lịch hồ Kim Đĩnh, thuộc xã Tân Kim đang được nhiều người biết đến với phong cảnh hữu tình, trong lành, hiện đã có một doanh nghiệp đến đầu tư, song cơ hội để mở ra cho việc phát triển du lịch khu vực này vẫn còn khá lớn. Ngoài ra, với Dự án đường vành đai V Vùng thủ đô Hà Nội (đoạn tuyến đi trùng Đại lộ Đông - Tây Khu tổ hợp Yên Bình và cầu vượt Sông Cầu) đi qua các xã: Xuân Phương, Nga My, Hà Châu sang thị xã Phổ Yên đang được triển khai, là dự án có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong giai đoạn tới. Ngay khi dự án được triển khai, xã Nga My (nằm sát con đường này) đã giành được sự quan tâm của một số nhà đầu tư, trong đó có dự định đầu tư tại đây một khu du lịch hiện đại.

Ông Hoàng Thanh Giao chia sẻ thêm: Những kết quả trong thu hút đầu tư thời gian qua là tiền đề quan trọng để Phú Bình tiếp tục mời gọi đầu tư vào những lĩnh vực, dự án mà huyện đang quan tâm và có nhiều lợi thế. Đáng chú ý là Dự án Tổ hợp Khu Đô thị, Nông nghiệp, Công nghiệp và Dịch vụ Yên Bình với các dự án du lịch, dịch vụ, công nghiệp công nghệ thông tin tập trung; Khu công nghiệp Điềm Thụy phần 170ha với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; cụm công nghiệp Điềm Thụy với lĩnh vực sản xuất và chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra là các lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, khu dân cư, du lịch, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng… cũng đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các nhà đầu tư. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để đồng hành cùng nhà đầu tư vì mục tiêu phát triển chung của xã hội.