Tận dụng nguồn nguyên liệu sạch của địa phương là cây chè búp, chị Dương Thị Tịnh, xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương đã nghiên cứu và làm ra những món bánh truyền thống có hương vị trà xanh vừa thơm ngon mà lạ miệng. Hiện nay, mỗi tháng sản phẩm bánh của chị đã thu hút được hàng trăm khách hàng trên địa bàn tỉnh biết đến và đặt mua, đem lại nguồn thu nhập ổn định để nâng cao đời sống kinh tế của gia đình.
Ý tưởng khởi nghiệp đến với chị không chỉ là cái duyên, mà còn xuất phát từ chính đặc điểm thời vụ trong sản xuất nông nghiệp. Trước đây, chị Dương Thị Tịnh chủ yếu ở nhà làm nông nghiệp, hàng ngày chị ra ruộng từ sáng sớm để chăm sóc cho 8 sào lúa và 7 sào chè. Tuy công việc vất vả nhưng nguồn lợi kinh tế lại thấp, không ổn định, vào mùa thu hoạch thì mới có thu nhập. Trong khi đó, hai đứa con của chị đang tuổi đến trường, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, chỉ trông vào mấy sào chè, lúa không đủ trang trải. Chính vì thế, năm 2010, nhận thấy ngoài thời vụ gieo cấy, thu hoạch nông sản, thời gian nông nhàn còn lại khá nhiều, chị đã quyết định làm những món bánh truyền thống như: bánh dày, bánh gai, bánh ngải…. để tăng thu nhập. Đây vốn là loại bánh chị vẫn thường làm vào mùng 1, 15 âm lịch, được gia đình và hàng xóm rất thích, thỉnh thoảng có người còn đặt mua.
Nhưng khi bắt tay vào kinh doanh, cũng là lúc chị gặp không ít khó khăn. vì tất cả các khâu làm bánh đều làm thủ công, dụng cụ thô sơ, có loại bánh còn không có dụng cụ để làm, phải tự chế đồ thay thế. Nhớ lại khoảng thời gian đó, chị trải lòng: Bánh dày là tốn nhiều công sức và vất vả nhất. Hồi đó, tôi còn không kiếm được cái cối và chày để giã bột bánh, đành phải dùng cái vồ đập đất thay cho chày. Thời gian từ lúc chuẩn bị đến khi hoàn thành sản phẩm phải mất 4 tiếng mới làm ra được 50 chiếc bánh dày. Còn với bánh gai, bánh ngải cũng vậy. Để có được bột bánh, tôi đi sang thành phố mới tìm được cơ sở nghiền bột; lá gai và lá ngải thì dùng cối giã thủ công khá lâu. Thời gian đầu, số lượng bánh làm ra ít, lượng khách không đều. Khách hàng tìm đến chủ yếu là người dân xung quanh đến đặt mua mang về quê hoặc sử dụng vào những ngày lễ, giỗ chạp,… Do vậy, trung bình 1 tháng chỉ bán được khoảng 200-300 chiếc bánh.
Những hạn chế về phương tiện kỹ thuật đã khiến chị bỏ lỡ nhiều khách hàng. Sau thời gian tích lũy kinh phí, năm 2014, chị đã mạnh dạn đầu tư thêm máy móc như: máy xay bột, máy đùn bánh dày… để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình. Nhờ đó, số lượng bánh làm ra đã tăng gấp 3-4 lần so với trước, hoàn toàn có thể đáp ứng được những đơn hàng lớn.
Không chỉ có ý chí làm ăn, chị Dương Thị Tịnh còn không ngừng nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tháng 5-2017, chị đã tích cực tham gia chương trình “Nghiên cứu các sản phẩm từ chè” và “Hội thi làm bánh từ chè” do Hội phụ nữ các cấp tổ chức, đây là cơ hội để chị có thể tìm hiểu thêm những cách tận dụng nguyên liệu chè để làm nhiều sản phẩm khác. Kể về quá trình nghiên cứu ra các món bánh truyền thống có hương vị trà xanh, chị cho biết: Ban đầu, tôi nghĩ chỉ cần lấy chè khô pha lấy nước để làm là được, nhưng bánh không có hương chè, màu không tươi, có mùi hăng. Sau đó, tôi bắt đầu lên mạng tìm hiểu, thì biết loại trà xanh giống của Nhật Bản mới có thể làm được bánh. Thật tình cờ, ngay xã Vô Tranh có Công ty TNHH Kiên Phát chuyên sản xuất bột trà xanh, mà nguyên liệu lấy từ các làng nghề chè tại xã, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nên tôi đã mua về làm thử. Sau hơn 10 lần thử nghiệm, tôi đã làm ra được các loại bánh truyền thống có hương vị chè đặc trưng.
Với thành công đó, cuối năm 2017, cơ sở sản xuất của chị đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, huyện hỗ trợ trong việc quảng bá sản phẩm đến các cấp hội, tại nhiều hội chợ; làm tem nhãn, giấy chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm. Với nguồn nguyên liệu an toàn, tem nhãn của cơ sở sản xuất có đăng ký về cơ sở nhập nguyên liệu, đã giúp cho giá trị sản phẩm bánh của chị ngày càng được nâng cao. Không những thế, nhận thấy hiệu quả của việc đổi mới hương vị bánh truyền thống, chị đã nghiên cứu và làm ra nhiều loại bánh khác cũng mang hương trà xanh như: bánh chưng, bánh nếp trà xanh, bánh xu xê hương chè, bánh dợm. Bên cạnh đó, thay bằng sử dụng lá chuối, sản phẩm tung ra thị trường đã được đóng hộp đẹp mắt, nhiều mẫu mã. Giờ đây, bánh làm ra tại cơ sở đã thu hút nhiều đơn đặt hàng ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, tăng gấp 10 lần so với năm 2010. Mặc dù tiền lãi từ việc làm bánh không cao nhưng cũng đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị hàng tháng.
Ngoài làm kinh doanh, chị còn là một Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vô Tranh luôn nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện cho các hội viên phát triển kinh tế. “Năm nay, tôi sẽ đẩy mạnh phát triển tổ hợp tác xã sản xuất và chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap để tạo đầu ra cho sản phẩm chè của chị em trong hội. Ngoài ra, tôi còn hướng dẫn một bạn hội viên khởi nghiệp theo nghề của mình, để biết tận dụng thế mạnh phát triển chè an toàn, xây dựng nhãn mác, mở cơ sở sản xuất, từ đó, chủ động trong việc phát triển kinh tế giá đình”, chị Tịnh bày tỏ.