Với 27 chi nhánh tổ chức tín dụng cấp một, Thái Nguyên hiện là một trong những tỉnh được đánh giá là có nhiều lợi thế trong hoạt động tín dụng đối với cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân trong quá trình triển khai kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Và cũng chính sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua đã, đang tác động tích cực đến hoạt động của các tổ chức tín dụng. Bởi thế, trong thời gian ngắn tới, Thái Nguyên sẽ tiếp tục có thêm những ngân hàng trong và ngoài nước mở chi nhánh.
Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, so với 7 tỉnh trong cụm thi đua (gồm Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hòa Bình, Yên Bái, Bắc Cạn và Thái Nguyên) và nhiều tỉnh lân cận khác, Thái Nguyên hiện đứng trong tốp có nhiều tổ chức tín dụng, với số huy động vốn và dư nợ cho vay khá cao, lần lượt đạt gần 50 nghìn tỷ đồng và trên 48 nghìn tỷ đồng. Sự hiện diện của nhiều ngân hàng lớn, uy tín đã và đang tạo ra những yếu tố thuận lợi giúp doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận nguồn vốn cũng như sử dụng các dịch vụ từ ngân hàng một cách thuận tiện, nhanh chóng. Không chỉ có ngân hàng trong nước, từ giữa năm 2015, trên địa bàn tỉnh còn có sự hiện diện của 1 ngân hàng nước ngoài, đến từ Hàn Quốc. Điều này không chỉ giúp việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ xứ sở Kim Chi thêm thuận lợi, mà còn tạo sức lan tỏa giúp cải thiện môi trường kinh doanh của các ngân hàng trong nước trong việc nâng cao chất lượng phục vụ, để có thể cạnh tranh cũng như đáng ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của doanh nghiệp, người dân.
Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm WooriBank - ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất tại Hàn Quốc và 2 ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển nhà T.P Hồ Chí Minh (HDBank) mở chi nhánh. Cùng với đó là nhiều chi nhánh sẽ mở thêm các phòng giao dịch ở các huyện, thành, thị. Trong đó, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt trở thành ngân hàng thứ 2 (cùng với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT - Agribank) trên địa bàn tỉnh mở phòng giao dịch tại 100% huyện, thành, thị.
Cán bộ Vietinbank Lưu Xá thực hiện giao dịch với khách hàng.
Ở một góc độ khác, sự xuất hiện ngày càng nhiều các chi nhánh ngân hàng cũng phần nào cho thấy sự phát triển của kinh tế Thái Nguyên trong những năm qua. Thực tế chứng minh, ở đâu và khi nào, kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng lên thì ở đó, khi đó, hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng tăng trưởng theo. Đây là hai yếu tố có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau, bởi ngân hàng chỉ có thể tồn tại và phát triển khi có khách hàng, và ngược lại, để có thể thành lập, tồn tại và phát triển thì đại đa số doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh không thể không cần đến ngân hàng.
Trong số các ngân hàng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, các ngân hàng như BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank… đều là những ngân hàng lớn, có nhiều kinh nghiệm phục vụ doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI, tham gia các hoạt động xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế, cũng như thẩm định các dự án lớn, trên nhiều lĩnh vực như điện, sắt thép, xi măng, xây dựng… Còn về phía Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, cũng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong việc vay trả nợ nước ngoài, với các thủ tục được thực hiện trong ngày. Chỉ tính riêng năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận 147 khoản vay trung, dài hạn nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh cho 37 doanh nghiệp FDI trên địa bàn với kim ngạch vay gần 737 triệu USD, dư nợ đạt trên 556 triệu USD. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước trung ương xác nhận 11 khoản vay, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh xác nhận 136 khoản vay. 4 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện xác nhận 96 khoản vay, với kim ngạch trên 743 triệu USD, dư nợ gần 451 triệu USD.
Là một trong những tổ chức tín dụng có số lượng khách hàng doanh nghiệp lớn nhất trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) hiện có 2 chi nhánh (Thái Nguyên và Nam Thái Nguyên) với tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 9 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay trên 13,5 nghìn tỷ đồng (trong đó chiếm tới 82% là tín dụng doanh nghiệp, còn lại là tín dụng dân doanh), với 11 phòng giao dịch, 28 cây ATM, 300 máy POS (máy chấp nhận thanh toán bằng thẻ). Nếu như trước đây, việc thực hiện thanh toán quốc tế chỉ có thể thực hiện tại hội sở chi nhánh, thì những năm gần đây, tất cả các phòng giao dịch của BIDV đều đã thực hiện được dịch vụ này. Cùng với đó, các sản phẩm dịch vụ cũng ngày càng đa dạng theo chuẩn quốc tế. Hiện, BIDV đã có mặt ở địa bàn 6/9 huyện, thành, thị và đang có kế hoạch mở rộng ra 3 huyện còn lại.
Theo ông Hà Mậu Quý, Giám đốc BIDV Chi nhánh Thái Nguyên: Sự phát triển nhanh về kinh tế của tỉnh trong những năm qua chính là lực hút đối với các ngân hàng. Cũng bởi thế, từ 1 chi nhánh ban đầu, từ năm 2014, BIDV đã mở chi nhánh thứ 2 tại T.X Phổ Yên, cùng với đó là các phòng giao dịch. Với phương châm “chia sẻ cơ hội, hợp tác thành công”, BIDV luôn hiểu rằng thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của ngân hàng nên những năm qua, BIDV luôn chú trọng dành nguồn lực để tham gia hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp bằng các chương trình, chính sách cho vay ưu đãi lãi suất dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ; doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; cơ chế cho vay không có tài sản đảm bảo…
Ngoài BIDV, các ngân hàng khác trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên tung ra các gói ưu đãi dành cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng doanh nghiệp, nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của nhóm khách hàng này. Trong tổng nguồn vốn cho vay, chiếm tới trên 85% được dành cho sản xuất, kinh doanh. Ông Bùi Văn Khoa cho biết thêm, do chất lượng quản trị ngày càng được nâng cao, nên tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh luôn được duy trì ở mức thấp, dưới 1%. Đây cũng là một trong điều kiện thuận lợi quan trọng giúp việc vay và cho vay của ngân hàng, doanh nghiệp và người dân được củng cố, nâng cao.
Với 27 chi nhánh cấp I của các tổ chức tín dụng, toàn tỉnh có 10 chi nhánh cấp huyện của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT; 105 phòng giao dịch, 208 cây ATM, 875 máy POS được lắp đặt tại gần 696 địa điểm nhà hàng, siêu thị, khách sạn… Cùng với đó là 361 điểm giới thiệu dịch vụ của 4 công ty tài chính.