Thay vì hàng tháng hoặc hàng quý người vay phải đến trụ sở giao dịch của ngân hàng để trả lãi thì giờ đây, việc này đã được thực hiện ngay tại trụ sở UBND xã. Cùng với đó, thủ tục vay cũng ngày càng đơn giản, giúp người dân tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại… Đó là những lợi ích từ việc thực hiện thỏa thuận phối hợp giữa Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT (Agribank) Chi nhánh Thái Nguyên với Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Nông dân tỉnh.
Theo thỏa thuận nêu trên, hai tổ chức hội tham gia phối hợp với ngân hàng có trách nhiệm chỉ đạo các cấp hội thành lập tổ liên kết có nhu cầu vay vốn Agribank, phối hợp triển khai việc cho vay, cung ứng dịch vụ ngân hàng đối với dân cư nông thôn thông qua tổ liên kết; cung cấp thông tin về chính sách cho vay của Chính phủ và các quy định của ngành Ngân hàng trong việc cho vay; giám sát việc vay vốn và sử dụng vốn vay của các hội viên bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả… Sự phối hợp này cũng chính là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người vay.
Trên thực tế, phương thức này đã được Agribank triển khai từ nhiều năm trước, nhưng lúc đó do sự phối hợp giữa Ngân hàng với các tổ chức hội và cấp ủy, chính quyền địa phương chưa có sự gắn kết chặt chẽ nên mô hình chưa mang lại thành công. Rút kinh nghiệm từ lần triển khai trước, hai năm trở lại đây, Agribank đã tranh thủ được sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và hai tổ chức hội từ tỉnh đến cơ sở. Cụ thể, việc thành lập ban chỉ đạo (BCĐ) vay vốn của Agribank ở cấp xã trên địa bàn tỉnh đều có sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND. Mỗi BCĐ có 6 thành viên, gồm: chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND cấp xã (làm trưởng ban), chủ tịch hội nông dân, hội liên hiệp phụ nữ, trưởng công an xã, cán bộ địa chính và cán bộ ngân hàng phụ trách địa bàn. Đối với tổ vay vốn có 2 thành viên, gồm tổ trưởng (là chi hội trưởng nông dân hoặc chi hội trưởng phụ nữ) và tổ phó (là trưởng xóm/tổ dân phố)...
Tính đến hết tháng 6-2018, thỏa thuận phối hợp giữa Agribank Chi nhánh Thái Nguyên với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vừa tròn 2 năm. Đánh giá về sự phối hợp, ông Lã Hùng Cường, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Thái Nguyên cho rằng hiệu quả mang lại là rất tốt. Điều đó được thể hiện qua số lượng các BCĐ của các xã, số tổ hoạt động của các xóm và số thành viên tham gia sinh hoạt tổ ngày một tăng. Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng đến với người dân cũng ngày càng trở nên dễ dàng, thuận lợi. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 136/180 BCĐ vay vốn cấp xã, với trên 1,9 nghìn tổ liên kết (tăng gần 250 tổ); thu hút trên 37,2 nghìn thành viên (tăng 2,8 nghìn thành viên); dư nợ cho vay qua tổ đạt 3,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ cho vay của Chi nhánh (tăng 573 tỷ đồng), tốc độ tăng là 22,6%; bình quân dư nợ trên 1 tổ viên đạt 83 triệu đồng (tăng 10 triệu đồng), tốc độ tăng 13%, so với năm 2016. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu luôn được duy trì ở mức thấp, chỉ chiếm 0,36% (thấp hơn tỷ lệ nợ xấu chung của Chi nhánh). Điều này góp phần quan trọng giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đóng góp đáng kể vào việc xây dựng nông thôn mới. Một số xã, phường, thị trấn chưa thành lập BCĐ là do địa bàn gần với địa điểm giao dịch của ngân hàng, một số ít là do có số tổ ít, chưa có nhiều hộ dân vay vốn của ngân hàng. Trong thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục tăng cường thành lập các BCĐ các cấp xã và các tổ vay vốn để người dân tiếp tục có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay thuận tiện hơn.
Ông Lục Văn Thịnh, ở xóm Bãi Lềnh, xã Bảo Cường (Định Hóa) chia sẻ: Trước đây, tôi ngại vay vốn ngân hàng vì nghe nói thủ tục vay khá vất vả nên nhà có từng nào vốn thì đầu tư từng đó, hoặc vay mượn của anh em họ hàng. Sau này, thấy việc vay vốn không còn phức tạp nữa, lại được trả lãi tại xã nên tháng 7-2017, tôi đã quyết định vay vốn tại Agribank 100 triệu đồng. Chỉ chưa đến 5 ngày sau khi báo với tổ trưởng tổ vay vốn của xóm, tôi đã được ngân hàng giải ngân. Cũng có chung đánh giá về sự tiện lợi mà phương thức cho vay qua tổ mang lại, ông Dương Văn Hải, xóm Thẩm 3, xã Dương Thành (Phú Bình) chia sẻ: Trước đây, để được vay vốn ngân hàng, người vay phải đi đi, lại lại 5 lần, 7 lượt lên huyện để đăng ký tài sản đảm bảo và làm các thủ tục cần thiết khác. Giờ thì điều đó đã thay đổi. Ngoài ra, việc trả lãi hàng tháng hoặc hàng quý (tùy số tiền vay nhiều hay ít) cũng đã được thực hiện ngay tại xã vào 1 ngày cố định, thay vì phải ra điểm giao dịch của ngân hàng trước đó. Vì thế, thời gian đi trả lãi chỉ mất khoảng 30 phút đến 1 giờ đồng hồ cả đi lẫn về, trong khi trước đó thường phải mất ít nhất nửa buổi, thậm chí là cả buổi vì phải chờ đợi lâu.
Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi cũng nhận thấy, việc cho vay qua tổ liên kết và ngân hàng thực hiện thu lãi, giải ngân, thu nợ các khoản vay tại xã không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực đối với người vay mà còn có nhiều lợi ích đối với ngân hàng và hai tổ chức hội tham gia phối hợp. Đối với ngân hàng, lợi ích đầu tiên phải kể đến đó là giảm tải được một lượng đáng kể khách hàng cá nhân, có số vay ít tại các điểm giao dịch, để từ đó có điều kiện phục vụ tốt hơn khách hàng doanh nghiệp, khách hàng có giao dịch lớn và các sản phẩm dịch vụ đi kèm. Đặc biệt, từ tháng 4-2018, Agribank Chi nhánh Thái Nguyên đã bắt đầu triển khai thí điểm việc trả lãi của người vay được thông qua tổ trưởng tổ vay vốn sẽ càng khiến việc trả lãi của người dân thêm thuận lợi và ngân hàng sẽ giảm được 1 lượng lớn số bút toán, từ đó sẽ giảm được chi phí về giấy mực, công ký chứng từ (trước đây, mỗi khách hàng là 1 bút toán, thì nay mấy chục thành viên trong 1 tổ liên kết cũng chỉ cần 1 bút toán)... Cách làm này đang và sẽ tiếp tục được mở rộng quy mô triển khai trong thời gian tới. Còn về phía tổ chức hội, do có tỷ lệ phần trăm ngân hàng trích lại cho BCĐ vay vốn, hai tổ chức hội và các tổ vay vốn có thêm kinh phí để tổ chức những hoạt động tập thể.
Có thể nói, việc cho vay qua tổ liên kết đã và đang chứng tỏ được tính hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì đại diện lãnh đạo Agribank Chi nhánh Thái Nguyên vẫn thẳng thắn nhìn nhận về một số khó khăn, hạn chế, nhất là ở những thôn, xóm có tỷ lệ hộ nghèo cao, số hộ đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn hạn chế nên rất cần sự tăng cường phối hợp giữa ngân hàng với 2 hội tham gia phối hợp, đặc biệt là cấp cơ sở để nguồn vốn vay của ngân hàng ngày càng trở nên thuận tiện trong việc vay - trả. Đây cũng chính là nhiệm vụ mà Agribank sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ vì sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của đất nước.